Những kết quả về XKLĐ có công rất lớn của các cơ quan truyền thông
Những năm qua, công tác XKLĐ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Năm 2018 tiếp tục là một năm thành công trên lĩnh vực XKLĐ với tổng số người lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt trên 142 nghìn người và cũng là năm thứ 5 liên tiếp vượt mức kế hoạch và đạt trên con số trên 100 nghìn lao động đưa đi. 6 tháng đầu năm 2019 đã có 67 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 55,82% kế hoạch năm.
Cùng với số lượng, chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng không ngừng được nâng cao, ngành nghề và thị trường XKLĐ được mở rộng. Người lao động sau khi về nước đã đóng góp rất quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội địa phương, làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng quê. Đội ngũ nhân lực chất lượng cao được tôi luyện dài ngày trong môi trường làm việc tiên tiến, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
"Để có được kết quả đó có công rất lớn của công tác truyền thông và vai trò nổi bật của các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền sâu rộng các nội dung liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân và tạo sự đồng thuận trong xã hội trong tổ chức thực hiện những chính sách về XKLĐ", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, bên cạnh những mặt tích cực, truyền thông về XKLĐ thời gian qua còn một số hạn chế như: mới chỉ tập trung vào vùng "nóng", truyền thông còn một chiều, tính phản biện chưa cao, chưa quan tâm đúng mức đến những vấn đề lớn, căn cơ như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, vấn đề về hậu XKLĐ. Nội dung tuyên truyền về XKLĐ chưa phản ánh được thực tế sinh động hiện nay, nội dung truyền thông chưa bao quát, chưa có những thông điệp cụ thể cho từng nhóm đối tượng, còn thiếu trọng tâm trọng điểm,…Chính hạn chế đó đã dẫn đến thực trạng là người lao động thiếu thông tin, gặp khó khăn khi tiếp cận với các doanh nghiệp dẫn đến việc dễ bị các đối tượng xấu lừa đảo trong khi doanh nghiệp thực sự cần tuyển lao động thì lại không có…
"Báo chí cần phải đưa được những thông tin nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời đến với người dân, có như vậy mới nâng cao được hiệu quả của công tác truyền thông về XKLĐ trong thời gian tới", Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, qua 12 năm triển khai thực hiện Luật người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài đã tạo ra khung pháp lý trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần lớn vào kết quả đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian qua. Những quy định của Luật đã tạo điều kiện để người lao động được tiếp cận với những thông tin chính thống trong tìm kiếm thị trường đi làm việc ở nước ngoài, nhiều thủ tục hành chính được đơn giản hóa tạo điều kiện thuận lợi trong việc chuẩn bị hồ sơ giấy tờ, từ đó mở ra nhiều cơ hội đi làm việc ở nước ngoài của người lao động.
"Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành được thực hiện trên phạm vi rộng thông qua nhiều hình thức đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội nói chung và người lao động nói riêng. Tuy nhiên, công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua chưa được thường xuyên, sâu rộng, mới chỉ tập trung chủ yếu vào các thời điểm khi có văn bản mới, hay vào các đối tượng là các cán bộ làm công tác lao động tại các địa phương, doanh nghiệp dịch vụ, nên có một bộ phận người dân và xã hội chưa được tiếp cận đến các chính sách, pháp luật về lĩnh vực này." Ông Liêm cho biết.
Theo bà Phạm Ngọc Lan- Phó Giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước, qua thực tiễn triển khai công tác XKLĐ trong thời gian vừa qua, có thể thấy rằng, nếu như công tác truyền thông được chú trọng gồm cả việc truyền thông về chương trình trước khi đi, các bước triển khai thực hiện cũng như công tác quản lý người lao động sau khi sang làm việc ở nước sở tại thì các Chương trình sẽ được triển khai thực hiện rất tốt. Hay như việc giảm tỷ lệ lao động EPS cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc cũng có đóng góp một phần không nhỏ của các cơ quan thông tấn báo chí. "Vai trò của các cơ quan truyền thông trong thời gian qua là rất quan trọng, đã đồng hành và phối hợp với Trung tâm trong việc đưa tin và chuyển tải rộng rãi các thông điệp về 4 Chương trình mà Trung tâm được Bộ giao thực hiện đến được với người dân và người lao động.", bà Phạm Ngọc Lan cho biết.
Báo chí- cần đóng vai trò là "nhà tư vấn"
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về XKLĐ, TS Trần Ngọc Diễn- Tổng biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí trong công tác thông tin, tuyên truyền về XKLĐ; có hình thức trao đổi nội dung tuyên truyền định kỳ tháng hoặc quý với các cơ quan truyền thông để chia sẻ, định hướng thông tin; đồng thời bố trí nguồn kinh phí hợp lý để hỗ trợ các cơ quan báo chí duy trì thực hiện các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về XKLĐ;
"Về phía các cơ quan báo chí, trong tuyên truyền về XKLĐ cần đóng vai trò như là một "nhà tư vấn" về luật pháp, chính sách, định hướng cho người lao động khi tham gia XKLĐ, đặc biệt là cần đẩy mạnh tuyên truyền chuyên sâu về mục đích ý nghĩa cụ thể và sâu xa của các chương trình XKLĐ để người dân hiểu và thực hiện theo đúng định hướng của chương trình; đồng thời tăng cường cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp XKLĐ và báo chí." TS Trần Ngọc Diễn nhấn mạnh.
Q.Tổng biên tập báo Lao động và Xã hội Nguyễn Trung Chính cho rằng, để làm tốt công tác truyền thông phải có sự chủ động chia sẻ thông tin giữa báo chí với các đơn vị chuyên môn (cơ quan quản lý nhà nước ở các cấp và doanh nghiệp) Cần phát huy và tạo điều kiện về cơ chế để truyền thông định hướng, tạo sự kiện, cầu nối thông tin chỉ đạo của các cơ quan quản lý nhà nước với báo chí; có hình thức trao đổi nội dung tuyên thuyền định kỳ tháng hoặc quý với các cơ quan truyền thông để chia sẻ, định hướng thông tin; tăng cường sự phối hợp một cách thực chất giữa các đơn vị quản lý, doanh nghiệp với cơ quan truyền thông; bồi dưỡng, phổ biến kiến thức về lĩnh vực XKLĐ cho người làm truyền thông…