Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Truyền tình yêu tiếng Việt qua cuốn tranh truyện về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ

Lịch sử chữ Quốc ngữ khá đặc sắc với những câu chuyện li kì và đầy thăng trầm được thể hiện hấp dẫn qua cuốn sách “Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ”.

Chữ Quốc ngữ là gì? Ai đã tạo ra nó? Tại sao chúng ta hiện nay lại dùng văn tự Latinh khác hẳn với các nước xung quanh? Không cần phải đi tìm câu trả lời trong các tài liệu chuyên ngành dày dặn và không dễ đọc với độc giả phổ thông, cuốn sách “Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” sẽ góp phần giải đáp cho độc giả.

Tọa đàm “Alexandre de Rhodes và hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” thu hút nhiều độc giả quan tâm.

Tọa đàm “Alexandre de Rhodes và hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” thu hút nhiều độc giả quan tâm.

Ngày 22/4, tại Phố Sách Hà Nội, Nhà Xuất bản Kim Đồng đã tổ chức tọa đàm “Alexandre de Rhodes và hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ”, giới thiệu tới độc giả cuốn tranh truyện đầu tiên về hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ. Cuốn sách được thực hiện bởi tác giả Phạm Thị Kiều Ly, người phụ trách nội dung và cốt truyện, cùng họa sĩ Tạ Huy Long, người chịu trách nhiệm toàn bộ phần hình ảnh minh họa.

Các khách mời trao đổi về cuốn sách.

Các khách mời trao đổi về cuốn sách.

Đây là cuốn sách bán hư cấu qua lời kể của Alexandre de Rhodes, vị linh mục đã tới Việt Nam từ thế kỷ XVII và có công rất lớn trong việc in cuốn từ điển đầu tiên của tiếng Việt (Từ điển Việt - Bồ - La, năm 1651). Khi thực hiện cuốn sách, các tác giả tôn trọng tuyệt đối những mốc lịch sử, những sự kiện chính trong hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ của vị linh mục, chỉ thêm thắt các đoạn hội thoại có lồng cảm xúc của nhân vật nhằm làm “mềm” câu chuyện, giúp nhân vật trở nên “đời thường” hơn, tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn, và để hợp lý hóa những khoảng trống trong lịch sử.

Mockup bia Hanh trinh sang tao chu Quoc ngu

Nội dung của cuốn sách “Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” dựa vào luận án Tiến sĩ của tác giả Phạm Thị Kiều Ly về lịch sử ngữ pháp và chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt tại Đại học Sorbonne Nouvelle năm 2018, sau đó được hiệu chỉnh và in thành sách năm 2022 tại Nhà Xuất bản Les Indes Savantes (Pháp); cũng như các tài liệu trong văn khố ở châu Âu và một số cuốn sách viết về hành trình truyền giáo của các thừa sai.

Cuốn sách là sự kết hợp hài hòa giữa hai phần “Đắc Lộ kí sự” và “Chữ Quốc ngữ kí sự”. Trong đó, “Đắc Lộ kí sự” được đặc biệt thể hiện bằng hình thức truyện tranh với những tình tiết li kỳ và đặc sắc giúp độc giả dễ theo dõi và nắm được quá trình sáng tạo chữ viết Latinh của tiếng Việt.

Còn phần “Chữ Quốc ngữ kí sự” đưa độc giả ngược dòng lịch sử để tìm hiểu về hành trình chữ Quốc ngữ đi vào đời sống của người dân Việt qua những đóng góp của những người biên soạn từ điển hay dịch sách sử dụng chữ Quốc ngữ, qua thái độ của giới trí thức Việt trước sự lan rộng của chữ Quốc ngữ, hay những chặng đường chông gai để chữ Quốc ngữ được công nhận là văn tự chính thức của Việt Nam.

Mockup ruot Hanh trinh sang tao chu Quoc ngu

Ở phần cuối sách còn in kèm phụ lục giải thích rõ hơn về cách ghi âm của tiếng Việt, cũng như chú giải cho những phần in đậm trong văn bản của những thuật ngữ Công giáo, thuật ngữ ngôn ngữ và tên riêng cần giải thích.

Tại buổi toạ đàm, các diễn giả chia sẻ về những khó khăn, quá trình thực hiện cuốn sách này. TS. Phạm Thị Kiều Ly chia sẻ những khó khăn và thú vị khi biến từ một công trình nghiên cứu khoa học thành một cuốn truyện tranh để tiếp cận đông đảo công chúng. Hoạ sĩ Tạ Huy Long tiết lộ về việc mong muốn tái hiện lịch sử thông qua những hình ảnh, cuốn sách mà anh thể hiện trong những năm qua. Làm thế nào để tiếp cận những điều trong quá khứ một cách dễ dàng, chuyển tải được tâm ý của nhân vật với người đời sau, giải thích được sự quên lãng, điểm còn chưa rõ về sự thật trong lịch sử? Đó cũng là lý do nhóm tác giả chọn hình thức bán hư cấu để thể hiện cuốn sách này.

Cuốn sách cũng đưa bạn đọc tới Việt Nam thế kỉ XVII, với không gian nhiệt đới và những xung đột của Đàng Trong và Đàng Ngoài. Chia sẻ về việc lựa chọn bối cảnh, màu sắc cho tác phẩm, họa sĩ Tạ Huy Long viết: “Màu sắc - với tôi là cảm xúc của câu chuyện, không hẳn nương theo những gì thực tế mô tả. Tôi đã rất cân nhắc khi chọn hai màu và chỉ hai màu thôi với sắc độ đậm nhạt từ chúng. Màu xanh cây già - màu của cây lá nhiệt đới, của áo thầy tu bạc màu. Màu nâu sepia - màu của đất đai màu mỡ và da người cháy nắng. Đơn giản như vậy!”.

Cuốn sách “Người Việt gọi tôi là Cha Đắc Lộ - Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ” là một trong những nguồn tham khảo thú vị và hấp dẫn để các em học sinh, cũng như các độc giả Việt Nam hiểu rõ hơn về tiếng Việt, qua đó được truyền thêm ngọn lửa tình yêu với ngôn ngữ đất nước mình.