TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam – VCCI.
Quyền lực của các nữ doanh nhân Việt ngày càng tỏa sáng
Ông đánh giá thế nào về vai trò của doanh nhân nữ trong phát triển kinh tế đất nước?
Theo khảo sát của VCCI, cứ 4 doanh nghiệp (DN) thì có 1 DN do nữ làm chủ. Nhưng nếu so sánh trong số hộ kinh tế gia đình thì số lượng các hộ kinh tế gia đình do nữ làm chủ nhiều hơn (phụ nữ nắm giữ khoảng 1/3 số hộ kinh doanh cá thể trên toàn quốc). Nhưng tỷ lệ phụ nữ được thế giới tôn vinh, đặc biệt là do tạp chí Forbes tôn vinh thì không hề thua kém nam giới. Những năm gần đây, thế giới bình xét những phụ nữ có quyền lực nhất châu Á do Forber bình chọn thì bao giờ cũng nói đến doanh nhân nữ Việt Nam.
Các DN do nữ làm chủ có quy mô hoạt động đa dạng, thiên nhiều về thương mại và dịch vụ, chủ yếu là DN nhỏ và vừa (DNNVV). Vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế là rất quan trọng. Không chỉ là chủ DNNVV, nhiều nữ doanh nhân đã dẫn dắt các tập đoàn lớn từng bước vượt qua khó khăn, thành công không chỉ trong nước, mà còn vươn ra khu vực và thế giới. Sức mạnh, trí tuệ và quyền lực của các nữ doanh nhân Việt đang ngày càng tỏa sáng, được ghi nhận, được khẳng định trên thương trường trong nước và quốc tế.
DN do nữ làm chủ đã đóng góp rất nhiều công ăn việc làm cho xã hội, và đặc biệt là cho lao động nữ. Tôi thấy các doanh nhân nữ hoạt động nhiều cả trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, tạo nên ý nghĩa không chỉ về mặt kinh tế mà còn về xã hội, chính trị.
Với vai trò của một chính khách và là người đứng đầu tổ chức quốc gia của cộng đồng DN Việt Nam, TS. Vũ Tiến Lộc đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển của cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam.
So với nam giới thì phụ nữ là doanh nhân có những thế mạnh nào nổi bật, thưa ông?
Sự tinh tế, nhân ái và tinh thần đổi mới, sáng tạo là những ưu điểm vượt trội của phụ nữ làm kinh doanh. Tôi thấy doanh nhân nữ linh hoạt hơn doanh nhân nam. DN do doanh nhân nam làm chủ, tôi nghĩ họ mạnh mẽ hơn, nhưng nói về sự bền bỉ, sức chịu đựng và linh hoạt thì doanh nhân nữ thường tỏ ra có lợi thế hơn doanh nhân nam.
Ông có cho rằng, thiên chức của phụ nữ và gánh nặng việc nhà có phần nào ảnh hưởng tới sự phát triển của các doanh nhân nữ?
Đúng là doanh nhân nữ, do thiên chức làm mẹ, làm vợ, có những ảnh hưởng nhất định khi khởi nghiệp cũng như vận hành DN. Thời gian chị em dành cho công việc gia đình nhiều hơn so với nam giới. Để đạt hiệu quả thành công trong công việc như nhau, chắc chắn doanh nhân nữ phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba so với nam giới. Cho nên, tôi thấy sức chịu đựng và sức phấn đấu của phụ nữ là phi thường. Tiềm năng của doanh nhân nữ chưa được khai thác hết, họ cần được quan tâm hơn nữa và có những chính sách thiết thực hơn nhằm tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy doanh nhân nữ phát triển. Sắp tới, trong sửa đổi Luật DNVVN, chúng tôi sẽ đưa ra kiến nghị bổ sung thêm những quy định riêng ưu đãi, hỗ trợ tốt hơn cho những DN do doanh nhân nữ làm chủ và có nhiều lao động nữ.
Chị em đừng mải kinh doanh mà quên mình là phái đẹp
Với vai trò là cầu nối giúp các DN phát triển, Hiệp hội doanh nhân nữ Việt Nam, VCCI đã có những hoạt động nào trong hỗ trợ sự phát triển cho doanh nhân nữ?
Hiệp hội doanh nhân nữ Việt Nam đã làm được nhiều việc, tổ chức nhiều chương trình đào tạo hỗ trợ thông tin, tư vấn cho các nữ doanh nhân, vận động xây dựng các CLB hoặc các hội doanh nhân nữ ở các địa phương,… nhưng cũng còn phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn trong việc hỗ trợ các nữ doanh nhân. VCCI đã đóng vai trò là cầu nối đưa chị em tham gia vào các đoàn DN ra nước ngoài xúc tiến thương mại.
Hiệp hội không chỉ hỗ trợ chị em kinh doanh, mà còn chia sẻ kinh nghiệm về chăm sóc sức khỏe, xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con… Tôi vẫn hay tâm sự với chị em rằng, bên cạnh mong muốn chị em dồn sức cho kinh doanh, đóng góp việc làm cho đời sống xã hội, thì chị em hãy cân bằng, đừng quên nghĩ tới mình. Trước hết, chị em phải giữ gìn vẻ đẹp của mình và chăm sóc sức khỏe cũng như đời sống tinh thần tốt, để bảo vệ mình, làm đẹp cho mình, cho gia đình. Nhiều chị em lao vào kinh doanh như một cái nghiệp mà quên mất mình. Tôi nghĩ là các ông chồng cần phải quan tâm toàn diện hơn đến chăm lo gia đình cùng phụ nữ.
Cơ hội cho các nữ doanh nhân
Sắp tới, VCCI tổ chức Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), một trong 6 hoạt động trọng tâm trong đó là Diễn đàn Doanh nhân nữ APEC 2017. Ông kỳ vọng thế nào về Diễn đàn này?
Sau 10 năm tổ chức thành công APEC, Việt Nam tiếp tục được lựa chọn làm nước chủ nhà đăng cai APEC 2017. Một trong 6 hoạt động chính APEC 2017 là Diễn đàn Doanh nhân nữ APEC 2017 - Thúc đẩy bình đẳng giới trong kinh doanh, dự kiến diễn ra vào tháng 9 tại Huế. Diễn đàn sẽ tập trung trao đổi về sự phát triển của doanh nhân nữ trong nền kinh tế toàn cầu và chia sẻ những kinh nghiệm, thực tiễn, thúc đẩy bình đẳng giới trong kinh doanh. Tôi kỳ vọng thông qua sự kiện này có thể xây dựng được mạng lưới kết nối những doanh nhân nữ trong các nước APEC, như đã từng tạo dựng tại khu vực ASEAN.
Bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Công ty sữa Vinamilk – là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á do Tạp chí Forbes bầu chọn.
Vai trò của các nữ doanh nhân trong nền kinh tế ngày càng lớn. Tạp chí Forbes đã vinh danh 4 nữ tướng doanh nhân của Việt Nam, trong đó có bà Mai Kiều Liên - Tổng Giám đốc Tổng Công ty sữa Vinamilk – là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất Châu Á; Đó là doanh nhân Thái Hương, người đang tạo ra một cuộc cách mạng sữa sạch ở thị trường Việt Nam với thương hiệu sữa TH…
Minh Nhật/GĐ&TE