Hiện nay tình hình dịch, bệnh COVID-19 đang diễn biến nhanh, phức tạp, nguy cơ dịch xâm nhập và bùng phát tại Thanh Hoá là rất lớn. Do đó, các ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, đơn vị trong tỉnh phải đề cao cảnh giác, nâng cao cấp độ phòng, chống dịch; lực lượng chức năng trong tỉnh phải chuẩn bị tốt phương án đáp ứng với các tình huống dịch có thể xảy ra.
Trước tình hình trên, ngày 20/7, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn đã chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19.
Tính từ ngày 27/4/2021 đến nay, tỉnh Thanh Hoá đã ghi nhận 66 ca mắc COVID-19, trong đó có 11 ca tái dương tính và 55 ca mắc mới, đã có 3 ca lây lan thứ phát trong cộng đồng.
Toàn tỉnh Thanh Hoá đã có gần 5.000 người từ các vùng dịch trở về địa phương được cách ly tập trung. Dự kiến, trong thời gian tới, Thanh Hoá sẽ tiếp tục tiếp nhận một số lượng rất đông người trở về từ các vùng dịch phía Nam. Ngoài ra, sự giao thương của người dân Thanh Hoá với các tỉnh, thành phố có dịch khác, nhất là Hà Nội, là rất lớn. Do đó, đánh giá tình hình dịch COVID-19 hiện nay, các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hoá nhận định nguy cơ dịch COVID-19 xâm nhập, bùng phát tại Thanh Hoá là rất lớn.
Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hoá Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: "Hiện nay, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, lây lan nhanh, mạnh, trên diện rộng. TP Hồ Chí Minh và 18 tỉnh, thành phố khác khu vực phía Nam đã phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thành phố Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác phải tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch như kiểm soát người đến từ vùng dịch, hạn chế tụ tập đông người, đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc, điều tra, truy vết, cách ly... Dự báo dịch sẽ tiếp tục còn diễn biến phức tạp trong những tuần tới, nguy cơ dịch xâm nhập, lây lan diện rộng trên địa bàn tỉnh là khó tránh khỏi.
Tại Thanh Hoá, tình hình dịch đang được kiểm soát, các ca bệnh xâm nhập đều đã được giám sát, phát hiện sớm, chạy đua với thời gian, xử lý triệt để ngay từ đầu, hạn chế tối đa số trường hợp tiếp xúc F1, F2, không để lây lan diện rộng. Tuy vậy, cũng đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơi lỏng, thiếu quyết liệt trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở một bộ phận người dân và một số địa phương. Đặc biệt đã để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung (do bố trí quá đông người trong 1 phòng và các nguyên nhân chủ quan khác), thậm chí để lây lan ra cộng đồng ở diện hẹp gây khó khăn cho việc kiểm soát, khống chế ổ dịch đồng thời tiềm ẩn nguy cơ lây lan rộng ra cộng đồng.
Trước diễn biến mới, phức tạp nêu trên, đòi hỏi phải thực hiện cấp bách và thường xuyên, liên tục, cảnh giác cao độ, thực hiện quyết liệt nhất, triệt để nhất, linh hoạt và hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch để ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của dịch; tiếp tục ổn định tình hình dịch trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ, không để lây lan ra cộng đồng".
Chủ tịch tỉnh Thanh Hoá cũng yêu cầu cần siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch trên mọi lĩnh vực. Khuyến cáo nhân dân trong tỉnh nếu không có việc cần thiết không ra khỏi nhà, nếu ra khỏi nhà phải tuân thủ thực hiện nghiêm khuyến cáo "5K", không đi/đến các tỉnh, thành phố có dịch.
Người dân có người thân đang ở các vùng có dịch, đặc biệt là các tỉnh, thành phố đang giãn cách, cách ly, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, thông báo và khuyên người thân của mình không nên trở về địa phương trong thời gian hiện nay, nếu trở về phải chủ động khai báo trung thực với chính quyền địa phương để được thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ y tế kịp thời.
Từ 0h ngày 21/7, tất cả công dân từ các tỉnh, thành phố khác đến Thanh Hoá và công dân Thanh Hoá trở về từ các tỉnh khác phải đến ngay các cơ sở y tế để khai báo và được hướng dẫn, phân luồng thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện test nhanh COVID-19 (tự trả phí) đối với các trường hợp chưa tiêm đủ 2 liều vắc - xin phòng COVID-19, không có giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ (riêng người trở về từ Hà Nội, thực thực hiện test nhanh tại khu vực Dốc Xây và huyện Thạch Thành), người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 12 tuổi, gia đình chính sách, hộ nghèo, thương bệnh binh không thu tiền.
Yêu cầu mọi người dân thực hiện nghiêm "5K", bảo đảm giữ khoảng cách tối thiểu 2m, không tập trung quá 30 người nơi công cộng, khai báo y tế thường xuyên trên các ứng dụng khai báo y tế khi ra ngoài; khuyến khích người dân tham gia sử dụng thương mại điện tử.
Thực hiện bắt buộc các cửa hàng phục vụ ăn uống trên tuyến quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh phải có vách ngăn và đảm bảo khoảng cách; khuyến cáo các nhà hàng lắp đặt camera. Đối với các nhà hàng khác thực hiện nghiêm "5K", thực hiện bảo đảm khoảng cách 2 m, khuyến khích mua/bán hàng mang về.
Hạn chế tối đa việc tập trung đông người trong cùng một thời điểm, trường hợp tổ chức phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; người tổ chức, chủ trì phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm, nhất là để xảy ra các trường hợp F0, F1, F2 tham dự ở các sự kiện.
Về việc mở rộng các khu cách ly tập trung, đối với các khu cách ly của tỉnh cần rà soát các điểm cũ, bổ sung điểm mới, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cách ly khoảng 1.000 người. Giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì bảo đảm cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để đi vào hoạt động từ ngày 1-8-2021; Sở Y tế hướng dẫn chuyên môn y tế.
Sở Y tế chủ trì phối hợp với các địa phương lựa chọn các khách sạn, đàm phán giá để bảo đảm cách ly khoảng 2.000 người và trưng dụng khi cần thiết, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-7. Các địa phương chuẩn bị cơ sở cách ly hoàn thành hoàn thành xong trước ngày 30- 7 (TP Thanh Hoá bảo đảm tối thiểu 400 giường; thị xã Nghi Sơn, Bỉm Sơn và TP Sầm Sơn tối thiều 300 giường; các huyện còn lại mỗi huyện tối thiều 200 giường).
Tất cả các khu cách ly này do Chủ tịch UBND các cấp trực tiếp chỉ huy, bảo đảm cơ sở vật chất, phương án tiếp nhận cách ly theo hướng dẫn của Ngành Y tế, bảo đảm nghiêm ngặt các biện, tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo trong khu cách ly và từ khu cách ly lây ra cộng đồng.
Yêu cầu phải siết chặt hoạt động tại các chốt kiểm soát, giao Công an tỉnh thành lập tổ công tác kiểm tra, giám sát hoạt động 24/24h tại các chốt kiểm soát có hiệu quả, không để sót, lọt các ca nhiễm, người ngoài tỉnh vào địa bàn mà không được kiểm tra và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm xét nghiệm sàng lọc, tập trung vào các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp đông công nhân, bệnh viện, chợ đầu mối, chợ dân sinh, bến xe, lái xe, cán bộ công chức người lao động làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.
Giao sở Y tế chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan tham mưu phương án bảo đảm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ xét nghiệm, điều trị bệnh nhân COVID-19, đáp ứng theo các cấp độ dịch xảy ra, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30/7. Sở Công thương chủ trì phối hợp Sở Nông nghiệp & PTNN, các địa phương, đơn vị liên quan xây dựng phương án bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu phục vụ Nhân dân trong tình huống mới, phức tạp.
Thường xuyên kiểm tra, giám sát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch, trước mắt mở đợt cao điểm từ ngày 21/7 đến ngày 21/8. Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch để người dân hiểu đúng, hiểu đủ, không lơ là chủ quan với dịch bệnh.