Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Từ 1/9, thách cưới quá đáng gây cản trở việc kết hôn có thể bị phạt tiền

Nghị định 82/2020/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9 tới đây. Trong số những nội dung đó, đáng chú ý là quy định về hành vi vi phạm quy định kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng.

Cụ thể, theo điều 59 của Nghị định 82/2020/NĐ-CP , về "Hành vi vi phạm quy định về kết hôn, ly hôn và vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng" quy định:

1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;

c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Cản trở kết hôn, yêu sách của cải trong kết hôn hoặc cản trở ly hôn.

Theo cách giải thích của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, "Yêu sách của cải trong kết hôn" được hiểu là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ.

Theo cách giải thích này có thể hiểu chính là yêu cầu thách cưới về mặt vật chất một cách quá đáng, gây ảnh hưởng đến việc kết hôn tự nguyện của nam nữ.

Từ ngày 01/9, "yêu sách" của cải khi kết hôn, ly hôn có thể bị phạt tiền - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Cưỡng ép kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để buộc người khác phải kết hôn hoặc ly hôn trái với ý muốn của họ.

Cản trở kết hôn, ly hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này hoặc buộc người khác phải duy trì quan hệ hôn nhân trái với ý muốn của họ.

Như vậy, kể từ ngày 1/9, việc thách cưới quá cao hay đưa ra yêu sách của cải để Cản trở kết hôn, ly hôn; Cưỡng ép kết hôn, ly hôn sẽ bị xử phạt.

Nghị định 82/2020/NĐ-CP sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9.