Ở nhiều bộ, ngành tỷ lệ lao động nữ được tuyển dụng mới có xu hướng cao hơn nam giới, như: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài Chính, đặc biệt Bộ Tư pháp luôn đạt trên 80%. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động nữ được tạo việc làm mới ở một số địa phương năm 2015 đạt tỷ lệ hơn 60% như Bắc Ninh (67%), Thái Bình (62,8%), Đồng Nai (68%).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2014, tỷ lệ nữ làm giám đốc, chủ doanh nghiệp đạt 24,8% ( tăng 4,8% so với tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp năm 2010); tỷ lệ nữ làm chủ trang trại là 8,64%.
Năm 2016, theo báo cáo của 36 địa phương, có 10 địa phương đạt tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp từ 30% trở lên. Đó là các tỉnh: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Tp Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Hậu Giang, Kom Tum, Ninh Thuận, Trà Vinh, Cao Bằng, Bình Dương.
Trong 5 năm từ 2011-2015, đã có trên 3,5 triệu lao động nữ nông thôn được đào tạo trình độ sơ cấp nghề và đào tạo dưới 3 tháng (chiếm 43%), trong đó, trên 2 triệu lao động nữ được hỗ trợ học nghề theo các chính sách, đề án. Năm 2016, kết quả thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đạt tỷ lệ 39,1%.
Dạy nghề may cho lao động nữ
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2015, tổng dư nợ các chương trình tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách là hơn 133 nghìn tỷ đồng với gần 7 triệu hộ vay vốn. Trong đó, dư nợ cho vay các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ là gần 87 nghìn tỷ đồng, với gần 4,5 triệu hộ vay vốn là nữ. Trên 80% các hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ tại các vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu đều được Ngân hàng Chính sách xã hội giải quyết cho vay vốn từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các chương trình vốn ưu đãi khác.
Tính đến tháng 11/2016, tổng nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm đạt trên 5.040 tỷ đồng, doanh số cho vay hàng năm từ 2.000 -2.500 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100.000 lao động mỗi năm, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 60%.