Người về hưu được hưởng lương ra sao (Xem chi tiết). Đồ họa: Tiến Thành.
Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định lộ trình tăng dần thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để hưởng lương hưu tối đa.
Từ 1/1/2018, lao động nữ nghỉ hưu khi đóng đủ 15 năm BHXH hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ năm thứ 16 trở đi, mức hưởng BHXH tăng thêm 2%; đóng đủ 30 năm được hưởng lương hưu tối đa 75% thay vì 25 năm như hiện nay.
Hiện lao động nam đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu 45% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Từ 1/1/2018, để hưởng mức trên, lao động nam phải đóng đủ 16 năm; tới 2022 phải tham gia 20 năm BHXH mới được hưởng mức 45%. Muốn hưởng lương hưu ở mức tối đa 75%, lao động nam phải đóng bảo hiểm 35 năm, thay vì 30 năm như hiện nay.
Lao động nam nghỉ hưu trong năm 2018 đóng đủ 31 năm BHXH hưởng lương hưu tối đa 75% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Nếu lao động nam nghỉ hưu từ năm 2019, 2020, 2021 và 2022 trở đi phải đóng tương ứng từ 32 đến 35 năm BHXH mới được hưởng 75%.
Muốn hưởng lương hưu tối đa 75%, người lao động đóng BHXH thêm 5 năm nữa so với hiện nay. Mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi theo quy định thì bị trừ 2%.
Các khoản người lao động bị trừ trong lương (Xem chi tiết). Đồ hoạ: Tiến Thành.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội nhận định theo cách tính mới, lương hưu của người lao động sẽ bị giảm ít nhiều, nhất là lao động khu vực tư gồm doanh nghiệp, tư nhân. Song ông khẳng định, không phải ai nghỉ hưu trước năm 2018 đều có lợi hơn so với người nghỉ hưu từ 2018 trở đi. Bởi lương hưu phụ thuộc nhiều yếu tố như tỷ lệ hưởng, tiền lương đóng BHXH bình quân, thời điểm hưởng, thời gian hưởng lương hưu...
Ông Lợi phân tích, Luật BHXH 2014 đã quy định tăng tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc nên lương hưu sẽ cao hơn. Cụ thể, từ 1/1/2016 đến hết 2017, mức đóng dựa trên lương cộng phụ cấp ghi trong hợp đồng lao động. Từ 1/1/2018 trở đi, mức đóng dựa trên lương cùng phụ cấp và các khoản bổ sung ghi trong hợp đồng lao động.
Phụ cấp được xác định là các khoản cố định, ít biến động, gồm tiền để bù đắp điều kiện lao động, tính chất phức tạp công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà lương thỏa thuận trong hợp đồng chưa tính đến hoặc tính chưa đầy đủ. Hàng tháng, người lao động đóng 8%, còn lại 18% sẽ do người sử dụng lao động đóng, tổng cộng 26% đóng vào quỹ BHXH.
"Chưa kể lương tối thiểu vùng năm nào cũng được điều chỉnh và lương cơ sở có lộ trình tăng", ông nói.
Luật cũng quy định từ 1/1/2016, công chức, viên chức tham gia BHXH lấy lương bình quân 15 năm cuối để làm căn cứ tính hưởng lương hưu thay vì 5 năm cuối như trước đây. Căn cứ tính lương hưu cho người lao động trong doanh nghiệp là bình quân cả quá trình đóng.
Những nguyên nhân được cho là khiến quỹ hưu trí mất cân đối (Xem chi tiết). Đồ hoạ: Tiến Thành.
Theo quy định, hàng tháng chủ doanh nghiệp và người lao động đóng vào quỹ hưu trí bằng 22% mức đóng BHXH. Quỹ này hiện mất cân đối. Bảo hiểm xã hội Việt Nam lý giải do thời gian đóng BHXH ngắn, bình quân 28 năm với nam và 23 năm với nữ. Trong khi đó, thời gian hưởng lương hưu dài, từ 18 đến 25 năm; nợ đọng BHXH lên đến hàng chục nghìn tỷ…
Theo tính toán, kết dư quỹ BHXH đang giảm dần, tổng mức chi trả lương hưu hiện lớn hơn tổng mức đóng. Để cân đối hai quỹ này, cơ quan quản lý tính đến các phương án tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thời gian đóng BHXH, thay đổi tỷ lệ hưởng lương hưu để cân đối tỷ lệ đóng - hưởng.