Mới đây, concert (buổi hòa nhạc) “Anh trai say hi” và “Anh trai vượt ngàn chông gai” đã tạo hiện tượng chưa từng có ở thị trường nhạc Việt. Điều này cho thấy những tiềm năng to lớn từ ngành công nghiệp biểu diễn.
Doanh thu khủng
Bên cạnh thành công về mặt doanh thu, truyền thông quốc tế nhận xét hai đêm nhạc của nhóm nhạc BlackPink đã giúp thúc đẩy ngành hàng không, khách sạn và thu hút cả người hâm mộ nước ngoài đổ về Hà Nội.
Theo ước tính của Sở Du lịch Hà Nội, trong 2 ngày 29 và 30/7 (cũng là 2 ngày nhóm BlackPink biểu diễn tại sân vận động Mỹ Đình), tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội là hơn 170.000 lượt, trong đó khách du lịch quốc tế đạt hơn 30.000 lượt, khách du lịch nội địa đạt hơn 140.000 lượt.
Tổng thu từ khách du lịch trong 2 ngày này khoảng 630 tỷ đồng. Lượng khách quốc tế có lưu trú đạt gần 22.000 lượt, với các thị trường hàng đầu là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ...
Một số khách sạn, đặc biệt là các khách sạn quanh khu vực sân vận động Mỹ Đình ghi nhận công suất phòng tăng 20% so với các ngày cuối tuần thông thường.
Công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn tại Hà Nội tháng 7/2023 ước đạt 60,8% (tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước). Trong dịp này, các điểm đến du lịch Hà Nội có sự tăng trưởng nhẹ khoảng 15 - 20% so với các dịp cuối tuần trước đó.
Theo thông tin từ đơn vị sản xuất “Anh trai say hi”, chỉ riêng 2 đêm diễn tại TPHCM, hơn 78.000 khán giả đã phủ kín khán đài. Tại Hà Nội, con số này lên đến 100.000 người. Với “Anh trai vượt ngàn chông gai”, 2 đêm diễn tại TPHCM và Hưng Yên ước tính thu hút 50.000 khán giả.
Trong đêm diễn tại Hưng Yên, giá vé thấp nhất là 800.000 đồng/vé, cao nhất là 8 triệu đồng/vé, hạng đắt nhất cũng là hạng bán chạy nhất. Tất cả hạng vé đều “cháy”. Phía các đơn vị tổ chức không cung cấp thông tin chính xác về số lượng vé và doanh thu.
Đáng nói, đóng góp kinh tế từ những buổi biểu diễn này không chỉ dừng lại ở tiền vé. TS Daisy Kanagasapapathy, giảng viên ngành quản trị du lịch và khách sạn (Đại học RMIT Việt Nam) nói, tổ chức các buổi diễn quy mô lớn sẽ thu hút đa dạng khán giả trong nước và quốc tế, giúp tăng doanh thu du lịch tất cả lĩnh vực.
Sự kiện cũng kích thích kinh tế từ việc đặt phòng lưu trú tăng, sử dụng dịch vụ vận chuyển, chi tiêu ăn uống và bán lẻ. Điều này cũng phát sinh nhiều cơ hội việc làm và củng cố kinh tế địa phương.
Vinhomes Ocean Park - địa điểm tổ chức concert "Anh trai vượt ngàn chông gai" chặng Hưng Yên công bố hơn 130.000 lượt khách đã đổ về trong ngày 14/12/2024. Số liệu được đo lường bằng hệ thống đếm FootFall.
Làm gì để khai thác tối đa "mỏ vàng" concert?
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, những concert hoành tráng là minh chứng cho tiềm năng to lớn của ngành công nghiệp biểu diễn Việt Nam. Nhưng để đi được bền vững, cần có một hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện, đặc biệt là sự chung tay từ các cấp quản lý và cộng đồng.
“Trước hết, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn qua các chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực biểu diễn. Những ưu đãi về thuế, nguồn vốn hoặc việc xây dựng các quỹ hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật sẽ là động lực quan trọng giúp các nhà sản xuất dám nghĩ lớn và đầu tư dài hạn.
Việc cải thiện thủ tục hành chính, cấp phép tổ chức sự kiện và chính sách bảo hộ quyền lợi của nghệ sĩ cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu rào cản cho các ê kíp tổ chức”, ông Sơn nhìn nhận.
Ngoài ra, ngành công nghiệp biểu diễn cần có thêm chương trình đào tạo bài bản cho các nhà sản xuất, kỹ thuật viên và đội ngũ quản lý sự kiện. Việc hợp tác với các chuyên gia quốc tế cũng là giải pháp thiết thực giúp Việt Nam tiếp cận với tiêu chuẩn toàn cầu.
Ông Hoàng Nguyễn, Giám đốc điều hành Klook Việt Nam gợi ý, việc kết hợp giữa chương trình ca nhạc và du lịch cũng tạo ra kết nối mạnh mẽ.
Du khách tìm đến một địa điểm để thưởng thức chương trình ca nhạc yêu thích, cùng lúc khám phá văn hóa địa phương và trải nghiệm các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng, ăn uống, mua sắm... Các sự kiện không chỉ làm tăng số lượng khách mà còn kéo dài thời gian lưu trú, tăng chi tiêu của khách.
Đồng quan điểm, TS Daisy Kanagasapapathy cho rằng, sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý du lịch, đơn vị tổ chức sự kiện và doanh nghiệp địa phương rất quan trọng. “Việc tạo ra các gói kết hợp vé xem biểu diễn với lịch trình du lịch phù hợp sẽ thu hút khách khám phá điểm đến chứ không chỉ đến xem biểu diễn.
Để làm được điều này, Việt Nam cần nâng cao hạ tầng giao thông, bao gồm các đường bay quốc tế và hệ thống di chuyển trong nước liền mạch. Hơn nữa, việc tạo điều kiện hợp tác giữa ngành du lịch và các nghệ sĩ cùng các bên liên quan trong ngành công nghiệp âm nhạc cũng cần được lưu tâm”, TS Daisy Kanagasapapathy nói.
Nghiên cứu tâm lý người tiêu dùng Đông Nam Á năm 2024 cho thấy, người trẻ Việt Nam ngày càng chi nhiều tiền cho các đêm diễn ca nhạc. Từ năm 2023 đến nay, Việt Nam liên tục trở thành điểm đến của nhiều nghệ sĩ quốc tế, giúp Việt Nam dần có tên trên bản đồ bữa tiệc âm nhạc đẳng cấp thế giới.
Các chuyên gia cho rằng có thể nhìn nhận sự kiện âm nhạc như một đòn bẩy kinh tế cho địa phương, đồng thời giúp thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu: Đến năm 2030 phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng.
Trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP và tiếp tục góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Trong đó, nghệ thuật biểu diễn phấn đấu doanh thu toàn ngành đạt 31 triệu USD.
Châu Anh
Báo Lao động và Xã hội số 2