Túi thân thiện môi trường ở các siêu thị.
1. Ở các siêu thị, để khuyến khích khách hàng dùng túi thân thiện với môi trường, dễ dàng gặp cái túi đi chợ giá dưới 10.000 đồng có in chữ “Tiêu dùng xanh sống an lành”, nhưng hiếm hoi người bỏ tiền ra mua. Người ta sẵn sàng chi nhiều tiền để mua đủ thứ, nhưng lại chê một cái túi tiện lợi dùng nhiều lần giá dưới 10.000 đồng là đắt, là không cần thiết.
Thịt rồi cá, kẹo rồi bánh cần túi, cà chua một túi, bắp cải một túi, vài quả ớt cũng... một túi! Nhìn các bà, các chị, các em đi chợ thôi đã đến là lủng củng. Rồi sau khi lấy thực phẩm chế biến, các loại túi nilon sẽ được thải ra, lại tắc cống, lại ô nhiễm môi trường. Cái chữ “tiện” đã gắn với sự tùy tiện.
Vấn đề ở chỗ, tại các siêu thị, hình như người ta không biết làm gì để từng bước thay đổi thói quen của người tiêu dùng, nên chiều khách bằng vô tội vạ những túi nilon in nhãn mác siêu thị lộng lẫy. Rất ít cửa hàng, siêu thị mạnh mẽ khuyến cáo và khích lệ khách hàng, khi mua sắm dùng túi giấy hoặc chất liệu dễ phân hủy để gói hàng thay vì túi nilon. Từ thành thị tới nông thôn, ai cũng có thói quen giữ cho nhà mình sạch sẽ, nhưng sẵn sàng ném rác ra đường, nơi công cộng. Túi nilon và rác thải thì lấp tầng tầng dưới đất, nguồn nước trở nên ô nhiễm, năng suất ngũ cốc và rau màu kém ắt người ta sẽ nghĩ ngay đến thuốc tăng trọng, thuốc kích thích, hóa chất…, bệnh tật từ đấy sinh ra trong vòng luẩn quẩn.
Sau mỗi cuộc vui chơi, thường là một khối lượng lớn rác thải sẽ bị bỏ lại, lớn thì tại các lễ hội, nhỏ thì các cuộc vui của vài ba người bên bờ hồ, bãi cỏ, vườn hoa. Thử hình dung, với 90 triệu dân, mỗi người mỗi ngày dùng 3 chiếc túi lớn thì sau bao nhiêu năm nữa, mỗi người chúng ta đều xây được cho riêng mình một lâu đài rác?
Thế nên, sông nào cũng nghẹn dòng vì túi nilon, hồ ao nào cũng nhấp nhô túi nilon, bờ biển cũng sóng sánh túi nilon muôn màu!
Ở bờ biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi).
2. Một người bạn vừa có chuyến du lịch dài ngày kể với tôi câu chuyện như rút ra một bài học về ý thức bảo vệ môi trường ở nước ngoài: Trong chuyến đi chơi trên biển bằng tàu thủy dài ngày từ Mỹ đến Mexico, trong lúc tàu neo đậu gần một hòn đảo, bọn trẻ nhà mình đặt những mẩu vụn bánh mì lên lan can tàu để cho chim hải âu ăn. Một hành khách đứng gần đó nói nới mình: "Anh hãy nói bọn trẻ đừng làm thế. Ngoài chuyện cho chim hoang dã ăn làm mất bản năng kiếm mồi tự nhiên của chúng, thì để bánh mì như vậy sẽ bị rớt xuống nước, làm ô nhiễm biển...". Ông nói làm mình hơi ngượng và sau đó mình có đi lòng vòng quanh tàu nhìn xuống nước. Thật ngạc nhiên khi con tàu đồ sộ chứa đến 3.000 khách mà vùng nước xung quanh nó không hề có bóng dáng của rác, như của túi nilon chẳng hạn. Mới đây, chính quyền thành phố San Jose (Bắc California) đã mở chiến dịch thuê những người vô gia cư đi nhặt rác với giá 15 đô la/giờ. Hành động này ngoài việc tạo thu nhập cho họ thì còn mục đích là để người vô gia cư có ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh công cộng.
Vừa rồi, chúng tôi ghé qua xã Bình Châu - nơi có cảng Sa Kỳ để ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), thấy rác đầy đường và dân thì hồn nhiên thả rác ra cửa biển, một con đê dọc sông chuẩn bị đổ ra biển toàn rác và rác. Mang thắc mắc hỏi nhiều người dân nơi đây là tại sao không cho rác vào thùng? Họ bảo chỉ có thùng rác duy nhất trong cảng Sa Kỳ, còn nơi đây không có thùng rác. Cửa biển chính là bãi đổ rác. Câu nói đó làm chúng tôi tò mò đi khắp xã. Các biển hiệu vì môi trường rất nhiều, nhưng tuyệt nhiên không tìm thấy thùng rác. Thậm chí, người dân địa phương còn bảo chúng tôi đừng mất công, không có đâu mà đi tìm.
Cả một vùng biển đẹp như tranh vẽ ngập tràn trong rác thải và túi nilon của du khách và chính người bản địa. Sinh vật biển vô tội chịu chung số phận. Những con hải âu có thể được tha thứ vì đã cho chim non ăn phải rác thải nhựa, bởi chúng nghĩ đó chỉ là vật ban tặng bổ dưỡng đến từ biển cả. Những chú rùa cũng mắc lỗi tương tự, tưởng rằng các túi nilon đang nổi bồng bềnh là con sứa ngon lành… Hậu quả là ruột những chú chim và rùa này bị lấp kín bởi rác thải khó tiêu hủy. Những chú rùa đen đủi còn bị ống hút nhựa cắm vào lỗ mũi mà ko làm sao rút ra được. Nhiều loài sinh vật sống ở biển chết vì tắc nghẽn tiêu hóa hoặc thiếu dinh dưỡng.
Nhưng liệu con người chúng ta có được tha thứ hay không? Chúng ta tạo ra nhựa. Loài người đã tạo ra 8,3 tỷ tấn nhựa đến hôm nay, trong đó 6,3 tỷ tấn là rác. Và khoảng trên 150 triệu tấn đang nằm trong đại dương, có trọng lượng bằng 1/5 số cá ở đó. Các nhà khoa học về môi trường dự báo, đến 2050, trọng lượng rác thải nhựa và cá trong đại dương là bằng nhau.
Từ thành thị tới nông thôn, ai cũng có thói quen giữ cho nhà mình sạch sẽ, nhưng lại sẵn sàng ném rác ra đường, nơi công cộng. Túi nilon và rác thì lấp tầng tầng dưới đất, nguồn nước trở nên ô nhiễm, năng suất ngũ cốc và rau màu kém… ắt người ta nghĩ đến thuốc tăng trọng, thuốc kích thích, hóa chất, bệnh tật từ đấy sinh ra trong vòng luẩn quẩn.
Nhật Nam/TC GĐ&TE