BS Thân Ngọc Minh, Đơn vị phẫu thuật, TT ung bướu, BV đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết, ngày càng tiếp nhận nhiều bệnh nhân ung thư dạ dày đến điều trị.
Mới nhất là trường hợp bệnh nhân Lý Thị Tới, 39 tuổi, dân tộc Tày ở Vị Xuyên, Hà Giang. Chị T. phát hiện ung thư dạ dày năm 2017, đã cắt 4/5 dạ dày và điều trị hoá chất 8 chu kỳ. Tuy nhiên cuối tháng 11, khi đi khám sức khoẻ, bác sĩ phát hiện khối u tái phát, di căn vào buồng trứng.
Bệnh nhân sau đó đã phải cắt toàn bộ tử cung, phần phụ. Bác sĩ hẹn sau 1 tháng tái khám để điều trị hoá chất.
Bệnh nhân T. đang điều trị tại BV đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ảnh: T.Hạnh
Chị T. cho biết, trước khi phát hiện bệnh, chị chỉ có biểu hiện chán ăn, buồn nôn, sau tăng dần, cứ ăn vào là nôn. Tình trạng này kéo dài liên tục 4-5 tháng khiến chị sụt liền 8kg, tuy nhiên nghĩ bị đau dạ dày nên chị tự mua thuốc dạ dày về uống. Mãi sau khi cơn đau càng dữ dội chị mới đến BV khám, lúc này ung thư đã di căn.
Theo chị T., do sống ở khu vực miền núi nên chị không ăn thực phẩm có hoá chất gì độc hại, hầu hết đều do nhà nuôi trồng, cũng không hay ăn dưa, cà muối đồng thời trong nhà cũng không có ai mắc ung thư.
Ngoài chị T., bệnh nhân nam 57 tuổi cũng phát hiện ung thư dạ dày khi đã ở giai đoạn muộn dù trước đó hoàn toàn khoẻ mạnh. Bệnh nhân có biểu hiện duy nhất là đau bụng trên rốn liên tục 2-3 tháng. Khi nội soi dạ dày, bác sĩ phát hiện nhiều nốt sùi loét, ung thư giai đoạn 2. Dù đã bóc nhiều hạch nhưng BS Minh cho biết, bệnh nhân có nguy cơ tái phát cao.
Theo số liệu của WHO 2018, ung thư dạ dày tại Việt Nam đang xếp thứ 3, sau ung thư gan, ung thư phổi với trên 17.500 ca mắc mới, trong đó có hơn 15.000 ca tử vong (chiếm 86%). Tỉ lệ tử vong lớn do 90% bệnh nhân ung thư dạ dày ở Việt Nam đều phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn trễ, điều trị gặp nhiều khó khăn.
Đến nay, ung thư dạ dày vẫn chưa rõ nguyên nhân, khoa học mới tìm ra những yếu tố thuận lợi. Trong đó khoảng 70% trường hợp mắc ung thư dạ dày do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP); 10% ung thư dạ dày do di truyền khi người thân trong gia đình mắc bệnh.
Còn lại là các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc lá, căng thẳng kéo dài, ăn các thực phẩm kích thích mạnh như cay, nóng, mặn, béo phì... Trong đó các trường hợp hút thuốc lá sẽ có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn 40%, thậm chí 82% ở người nghiện. Stress kéo dài có thể gây ra các bệnh trào ngược dịch vị dạ dày thực quản, cũng như viêm loét dạ dày tá tràng, là một yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư dạ dày.
BS Minh lưu ý, với các bệnh nhân ung thư dạ dày, sau phẫu thuật cần có chế độ ăn hợp lý. Đặc biệt không nên uống nước ngay sau ăn, sẽ khiến thức ăn xối xuống ruột đột ngột khiến bệnh nhân đau nhiều.
Thay vì ăn 3-4 bữa, bệnh nhân cần chia nhỏ thành 8-10 bữa trong ngày. Tháng đầu tiên sau phẫu thuật có thể ăn cháo, sau đó ăn cơm.
Do dạ dày đã bị cắt nhiều gây ảnh hưởng đến khả năng hấp thu sắt và các vitamin, do đó bệnh nhân cần bổ sung thêm.Tuyệt đối không ăn uống kiêng khem, ăn nhiều rau xanh đậm, thịt đỏ vì chứa nhiều sắt.
Sau phẫu thuật, trong 3 tháng đầu tiên, bệnh nhân cần tuân thủ khám 1 tháng/lần, sau đó 3 tháng/lần. Nếu tình trạng bệnh ổn định sau 2 năm có thể giảm tần suất khám.
DẤU HIỆU UNG THƯ DẠ DÀY
- Nôn hay đại tiện ra máu: Dù đây không phải dấu hiệu đặc biệt của ung thư dạ dày vì viêm ruột, viêm đại tràng cũng có thể có triệu chứng tương tự nhưng khi có dấu hiệu này cần đi khám ngay.
- Sụt cân bất thường
- Đau dạ dày dai dẳng
- Chán ăn, ăn không ngon
- Ợ nóng, khó tiêu: Đây được xem là một trong những biểu hiện sớm của ung thư dạ dày.
Theo Thúy Hạnh /vietnamnet.vn