“Mới nghe em chớ vội cười
“Sâm” – Cây rau má – của người xứ Thanh...”
Sản phẩm rau má được giới thiệu đến du khách tại Di sản thế giới Thành Nhà Hồ.
Lần theo câu thơ trong bài thơ “Rau má” của nhà thơ Trịnh Anh Đạt, chúng tôi về huyện Vĩnh Lộc, một vùng quê có bề dày văn hóa lịch sử. Dạo quanh Di sản thế giới Thành Nhà Hồ, du khách ai ai cũng có thể dừng chân nán lại nghỉ ngơi bên quán anh Hùng - chị Tâm trước cổng thành, thưởng thức kẹo lạc, chè lam Phủ Quảng, uống chén nước rau má... do người dân vùng di sản làm ra, để thêm yêu, thêm quý mảnh đất này. Rau má có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, giúp tăng cường trí nhớ, giảm stress, tốt cho bệnh tim mạch, làm đẹp da, giúp mau lành vết thương, được chế biến thành dạng khô, dùng để pha trà, xay làm nước sinh tố hoặc ăn sống cũng rất có lợi cho sức khỏe. Cái mùi ngai ngái, đăng đắng, bùi bùi của rau má ấy thế mà đã giúp cho biết bao người con xứ Thanh vượt qua cơn đói trong những ngày giáp hạt của mấy chục năm trước. Bài vè rau má chọc dân Thanh Hóa “Ăn rau má phá đường tàu” không phải như nhiều người vẫn nghĩ. Bản thân cây rau má với sức sống mãnh liệt đã nói lên rằng người Thanh Hóa ở thời nào cũng vậy, luôn kiên cường vươn lên trong mọi hoàn cảnh khó khăn gian khổ.
Hôm nay, đứng trên vùng đất cổ xưa, một màu xanh rười rượi tốt tươi của những thửa rau má đang hứa hẹn đem lại đổi thay ở một vùng quê nghèo. Anh Nguyễn Văn Điệp, tổ trưởng tổ HTX sản xuất rau má làng Đông Môn, xã Vĩnh Long, cho biết: Cây rau má được trồng thí điểm ở xã từ năm 2014, có 16 hộ tham gia trồng với tổng diện tích 1 héc ta. Rau má tươi được bán với giá 10.000 đồng/kg, giá bán khô là 100.000 đồng/kg, với giá đó, mỗi hộ sẽ có lãi khoảng 30 triệu đồng/năm. Tuy mới trồng ở địa phương nhưng cây rau má bước đầu đã cho thấy hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Được biết, sau khi đi tham quan mô hình trồng rau má sạch ở một số tỉnh trong nước, lãnh đạo huyện Vĩnh Lộc đã có ý tưởng quy hoạch một khu trồng thí điểm rau má an toàn tại địa phương. Qua khảo sát, huyện chọn xã Vĩnh Long để xây dựng mô hình thí điểm, xã giao đất cho các hộ dân ở làng Đông Môn trồng rau má. Xã đã vận động bà con mua giống rau má đưa về trồng, đó là giống rau má ta, lá nhỏ, cuống ngắn, ăn có vị ngọt bùi, khác với loại rau má mỡ, lá nhẵn, mỏng, cuống dài. Quy trình trồng rau má cũng được người dân thực hiện nghiêm ngặt, tưới hoàn toàn bằng nước sạch, không phun thuốc sâu, nên rất an toàn và yên tâm cho người sử dụng.
“Xã đã cấp đất cho các hộ trồng rau má, hỗ trợ ban đầu cho mỗi hộ 500.000 đồng để mua giống, cải tạo đất... Trung tâm Di sản Thành Nhà Hồ đã hỗ trợ xã lắp đường điện, đào giếng khoan lấy nước tưới, giúp bao tiêu một phần sản phẩm. Xã cũng đang tích cực tăng cường thông tin, quảng bá sản phẩm, đấu mối với các doanh nghiệp trong tỉnh, liên hệ với các nhà hàng, khách sạn nhằm tìm hướng tiêu thụ sản phẩm cho người dân và góp phần sử dụng đa dạng, hiệu quả các loại sản phẩm từ rau má” - ông Vũ Đình Viên, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Long cho biết.
Tuy nhiên, sản phẩm rau má đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Hiện nay, lượng rau má mới chỉ tiêu thụ tại địa phương và bán cho khách đến tham quan du lịch tại Di sản Thành Nhà Hồ là chủ yếu. Nhiều sản phẩm rau má bán không hết, dẫn đến tồn đọng khiến người trồng rau má hết sức lo lắng, loay hoay trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm.
Đọc mấy câu thơ của nhà thơ Trịnh Anh Đạt:
“Bao giờ em về quê anh
Mà xem dấu vết kinh thành xa xưa
Vĩ nhân và các đời vua
Cũng từ rau má, ốc cua nên người
Mới nghe em chớ vội cười”...
khiến tôi cứ miên man suy nghĩ, cây rau má có duyên nên mới gắn bó được ở đất này, bên thành cổ hơn 600 năm. Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân, cây rau má cũng cần được quan tâm phát triển, mở rộng thị trường để trở thành sản phẩm văn hóa – du lịch, đặc sản của vùng đất Tây Đô và là niềm tự hào của người xứ Thanh.