Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Từ huy chương vàng Olympic nghĩ về chuyện chọn nghề

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã mang về cho thể thao Việt Nam chiếc huy chương vàng đầu tiên trong lịch sử tham dự Olympic. Cái tên “Hoàng Xuân Vinh” xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông, mạng xã hội như một người hùng làm nên lịch sử cho thể thao Việt Nam.

 

Tuy nhiên, sau niềm vui ấy là nỗi trăn trở đến bao giờ lại có một thế vận hội nhiều cảm xúc như vậy, khi phần nhiều vận động viên các môn phải “tập chay”, gặp khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần.

Và nếu nhìn từ khía cạnh nghề nghiệp xã hội, còn rất lâu nữa huy chương vàng Olympic mới không là giấc mơ xa vời, khi thể thao vẫn không được thừa nhận là một nghề nghiệp, khi nhà trường, gia đình vẫn xem trọng bảng điểm và coi nhẹ phát triển thể lực.

Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trở thành vận động viên đầu tiên của Việt Nam đoạt Huy chương vàng Thế vận hội, giúp quốc kỳ Việt Nam được kéo lên cao nhất trên bục nhận huy chương tại một kỳ Thế vận hội. 

Hẳn trong bữa cơm của nhiều gia đình Việt Nam có thêm câu chuyện của Hoàng Xuân Vinh, cũng như SEA Games năm ngoái, chúng ta hân hoan kỳ vọng khi kể về Ánh Viên như một tài năng bơi lội trẻ.

Nhưng liệu có bao nhiêu ông bố bà mẹ sẵn sàng gật đầu cho con theo nghiệp bắn súng, bơi lội như hai tài năng mà họ xuýt xoa ca ngợi, khi mà lớp chọn, trường chuyên, đại học danh giá mới là kỳ vọng của họ ở con em và môn thể dục chỉ được xem là môn phụ?

Ngày tôi học cấp hai cách đây gần 20 năm, một người bạn trong lớp được chọn vào đội tuyển điền kinh của trường. Nhưng khi đó, mẹ bạn và ngay cả cô giáo chủ nhiệm của tôi khi ấy đã khuyên bạn tôi chỉ nên “tập trung học hành”, tức học những môn toán, lý, hóa, văn, ngoại ngữ...

Gần 20 năm đã qua nhưng lối tư duy đề cao thành tích về trí lực, coi nhẹ thể lực  dường như vẫn không thay đổi gì mấy. Tiếng Anh nhạy, tính nhanh, nhớ nhiều, cân bằng phương trình thạo... mới được xem là thông minh, tài giỏi và có tương lai; còn thể lực tốt, có năng khiếu thể thao thì không được đánh giá cao như vậy. Năm ngoái, trong một cuộc phỏng vấn, một cô giáo ở trường tiểu học có tiếng ở TPHồ Chí Minh đã từng than với tôi rằng khó thuyết phục một phụ huynh cho con đi tập luyện bóng bàn để thi đấu cho trường vì bé còn phải bận đi học thêm Anh văn, Toán, tiếng Việt. 

Sẽ chẳng mấy ai dám để con cái phát huy đam mê và thế mạnh bản thân đi vào con đường thể thao chuyên nghiệp khi mà xã hội vẫn còn giữ kiểu tư duy học sinh có năng khiếu thể thao không phải là “học sinh giỏi” và những người giỏi là những người vào đại học. Khái niệm về nghề nghiệp của đa số phụ huynh cũng chỉ gói gọn trong những ngành truyền thống như bác sỹ, giáo viên… và xa hơn là những nghề “hot” như nhân viên ngân hàng, quản trị kinh doanh

Không chỉ riêng thể thao, các ngành nghề khác như làm nông, đầu bếp… cũng chịu định kiến như vậy khi bị coi là những nghề không có nhiều triển vọng. Ở nông thôn, bạn sẽ nghe phụ huynh dọa con cái “học dốt sau này đi chăn bò”. Ở thành thị, nếu theo dõi các kỳ tư vấn tuyển sinh do một số cơ quan báo chí tổ chức, bạn sẽ gặp không ít câu hỏi của học sinh cuối cấp: “Em muốn học nghề đầu bếp/bác sĩ thú y… nhưng bố mẹ em không cho mà bắt em thi vào Y Dược, Bách khoa, Ngân hàng…”.

Dẫu rằng ở Việt Nam giờ đây, đã có nông dân trở thành triệu phú, đã có đầu bếp nổi tiếng, thậm chí có cả chương trình truyền hình nói về ẩm thực mà ở đó người đầu bếp là trung tâm, nhưng những định kiến này vẫn còn rất nặng. Trồng trọt, chăn nuôi hay đầu bếp…vẫn được dư luận chung coi là những nghề dành cho người học kém và ít có tương lai.

Những định kiến nghề nghiệp tồn tại năm này qua năm khác, nó bào mòn sự tự tin của những mầm non, những nhân tài trong nhiều lĩnh vực của nước nhà. Nó ăn sâu vào tâm lý của các bậc phụ huynh, do đó ảnh hưởng lớn đến tiêu chí chọn nghề của người trẻ, và thường đánh bại yếu tố đam mê và năng khiếu vốn xuất phát từ bản thân các em. Thường thì phụ huynh sẽ bảo con chọn ngành Kinh tế, ngân hàng để kiếm nhiều tiền, nếu học lực giỏi một chút thì hãy cố vào trường Y, Bách khoa, Ngoại thương cho danh giá, hoặc phấn đấu vào ngành Công nghệ thông tin để dễ kiếm việc làm.

Những định kiến này đã kéo theo nhiều nghịch lý: Ở một đất nước có hơn 60% dân số hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lại không có nhiều người trẻ theo học ngành nông nghiệp. Nhân lực cho nông nghiệp hiện chủ yếu vẫn là người lớn tuổi, hàm lượng chất xám đổ vào nông nghiệp còn rất ít, những tập quán canh tác lạc hậu vẫn còn tồn tại. Ở đâu đó, một vài người trẻ tuổi quyết định bỏ công việc công sở ở thành phố để về quê trồng rau sạch, lúa sạch thì lại gặp cản trở, dèm pha của họ hàng “tốn cơm nuôi ăn học giờ về quê cày ruộng”.

Đất nước chúng ta không thiếu người tài. Nhưng chừng nào tư duy bảo thủ và định kiến nghề nghiệp còn tồn tại, thật khó để đảm bảo rằng những ngành nghề như thể thao, nông nghiệp… sẽ có được sự bổ sung nhân lực cần thiết. Nhân tài vẫn sẽ được khuyên đi theo những ngành nghề từ lâu được coi là danh giá và có thể kiếm nhiều tiền. Mà thiếu đi những tinh anh, thiếu đi những nhân tài thì rất khó hy vọng vào sự phát triển đồng đều và bền vững, dù cho đó là ngành nghề nào đi nữa.

Vậy đấy, sẽ còn rất lâu nữa chúng ta mới đỡ cơn khát huy chương Olympic, sẽ còn rất lâu nữa chúng ta mới có nhiều những triệu phú nuôi bò và tỷ phú trồng lúa...