Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tự tin hướng tới tương lai

Trẻ em của mọi dân tộc, mọi thời đại đều được quan tâm đặc biệt. Chính vì điều này nên xã hội loài người luôn luôn phát triển, luôn luôn tiến bộ. Trẻ em Việt Nam hiện nay đang đứng trước cơ hội có bước phát triển nhảy vọt về thể hình, thể lực, trí tuệ và tương lai tốt đẹp.

0701_dulichdaunam1-1

Quan tâm đến trẻ em là đạo lý làm người

Từ xa xưa, người Việt Nam vẫn thường nói với nhau: “Một con, một của chẳng ai chê!”. Trước đây, dù cuộc sống nghèo khó nhưng ông bà chúng ta vẫn xem trọng con cái hơn của cải. Người xưa quan tâm sâu sắc và tinh tế tới tương lai của trẻ em khi cho rằng, niềm vui lớn nhất của người lớn là được nghe tiếng trẻ em đọc sách.

Vào năm 1942, khi mới ở nước ngoài về Việt Nam để trực tiếp lãnh đạo cách mạng, Bác Hồ đã rất quan tâm đến trẻ em. Người so sánh trẻ em với búp trên cành để nói rằng, trẻ con cần được nâng niu, quý trọng, chăm sóc chu đáo. Sau này, khi nước nhà giành được độc lập, Người trực tiếp chỉ đạo việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bác không nói chung chung, mà đưa ra yêu cầu cụ thể. Theo Bác Hồ, dạy trẻ em phải dạy cho các cháu ham học, biết đoàn kết, chơi với nhau thân mật, giữ được sự ngây thơ; dạy các cháu có kỷ luật nhưng vẫn vui vẻ, hoạt bát chứ không phải e dè, khúm núm. Điều đáng nói là trước khi đi xa, trong Di chúc Người để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng…

Lãnh hội tư tưởng và phong cách của Bác Hồ về trẻ em, Đảng và Nhân dân ta tiếp tục sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Quan tâm tới trẻ em, tạo điều kiện để trẻ em phát triển tốt nhất đã trở thành đạo lý của dân tộc ta.

Trẻ em và màu xuân.

Trẻ em và mùa xuân.

Học Bác, chăm sóc và giáo dục trẻ em

Giáo dục là lĩnh vực mà Đảng và Nhà nước quan tâm nhất. Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau trong đánh giá chất lượng giáo dục; song, thành tích thi quốc tế của học sinh Việt Nam là điều đã được khẳng định ngay từ những lần thi đầu tiên. Trong 5 năm gần đây, thành tích của học sinh Việt Nam tại các cuộc thi quốc tế cao hơn so với giai đoạn từ 2010-2015. Số lượng Huy chương Vàng tăng lên. Cụ thể, trong năm 2022, tất cả 19 học sinh của 4 đoàn học sinh giỏi của Việt Nam dự thi Olympic quốc tế các môn Toán, Hóa học, Sinh học và Vật lý đều đoạt giải, trong đó có 9 em đoạt Huy chương Vàng, 4 em đoạt Huy chương Bạc, 6 em đoạt Huy chương Đồng.

Một trong những môn học chúng ta còn băn khoăn về chất lượng đào tạo là ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh. Có thể nói, trong những năm gần đây, chất lượng dạy và học ngoại ngữ đã được nâng lên rõ rệt.

Hơn chục năm trước, một nhóm phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đi tìm nhân vật cho chương trình “Công dân toàn cầu”. Họ đến Bệnh viện Mắt quốc tế Việt - Nga Hà Nội. Sau một hồi quan sát, trưởng nhóm bắt chuyện với một cô gái là tình nguyện viên ở đó:

-  Xin lỗi! Em là người nước nào vậy?.

- Em là người Việt Nam. Mà tại sao chị lại hỏi như vậy?

- Chị quan sát em và thấy, khi thì em nói tiếng Việt, khi thì em nói tiếng Anh, lúc lại tiếng Nga. Mà em nói 3 thứ tiếng đó gần như nhau nên chị không biết em là người nước nào…

- À, ra vậy. Bố mẹ em người Việt. Hồi bé em học trường của Nga, sau đó em sang Mỹ học. Nay em đang nghỉ hè nên ra đây giúp mọi người giao tiếp với tư cách tình nguyện viên.

Có thể nói là nhóm phóng viên truyền hình đã chọn đúng nhân vật. Cô gái đó đúng là “công dân toàn cầu”, cô đã tốt nghiệp đại học ở Mỹ, hiện làm việc ở thung lũng Silicon và dự định về Việt Nam khi bước vào tuổi U40. Có rất nhiều học sinh Việt Nam đang làm những điều như cô gái này. Với thế hệ trẻ có những phẩm chất “công dân toàn cầu”, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ sánh ngang hàng với các nước phát triển.

Tuy nhiên, một trong những điều mà chúng ta cảm thấy hơi buồn là thể lực, thể hình của người Việt Nam hiện nay đang kém so với thế giới. Chúng ta đang có chiến lược để cải thiện chiều cao và trẻ em chính là đối tượng được hưởng thành quả tốt đẹp của chiến lược này.

Với thế hệ trẻ có những phẩm chất “công dân toàn cầu”, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ sánh ngang hàng với các nước phát triển. Ảnh minh họa

Với thế hệ trẻ có những phẩm chất “công dân toàn cầu”, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ sánh ngang hàng với các nước phát triển. Ảnh minh họa

Sau 10 năm thực hiện “Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020”, Việt Nam đã đạt những thành tựu đáng ghi nhận. Năm 2020, chiều cao trung bình của nam giới đạt 168,1cm (tăng 3,7cm so với năm 2010: 164,4cm), chiều cao của nữ giới đạt 155,6cm (tăng 0,8cm so với năm 2010: 154,8cm). Với chiều cao này, hiện Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á.

Năm 1988, báo Tiền Phong lần đầu tiên tổ chức thi Hoa hậu. Người đăng quang là Bùi Bích Phương, cao 1,6 mét. Lúc đó, người ta cho rằng chiều cao như vậy là bình thường. Còn năm 2022, Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy cao 1,76 mét (chưa phải là người cao nhất trong số thí sinh) và đó là chiều cao cần phải có đối với Hoa hậu Việt Nam trong thế kỷ 21.

Lĩnh vực thể thao thể hiện rõ nhất lợi thế về thể lực, thể hình, sức mạnh, sức bền. Hơn chục năm về trước, Việt Nam thua kém đối thủ rất nhiều về chiều cao trong các môn bóng chuyền, bóng đá, điền kinh… Chúng ta đã cố gắng cải thiện điều này và đã đạt được những kết quả khá ấn tượng. Theo thống kê mới nhất, chiều cao trung bình của đội tuyển bóng đá Việt Nam tại AFF Cup 2022 là 1m77, xếp thứ 3 tại giải (Xếp số 1 là đội tuyển Thái Lan với chiều cao 1m81, thứ 2 là đội tuyển Singapore với chiều cao 1,79m). Vậy là về chiều cao, đội tuyển Việt Nam còn đứng trên cả đội tuyển Malaysia và đội tuyển Indonesia; Còn các đội Myanmar, Campuchia, Lào thì kém chúng ta khá xa.

Điều làm chúng ta yên tâm hơn cả là nhìn vào học sinh phổ thông ở các thành phố và các tỉnh miền xuôi hiện nay thấy chiều cao của các em đã được cải thiện đáng kể so với thể hệ trước. Để tăng chiều cao trung bình Việt Nam đồng đều và rộng khắp, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể. Đặc biệt, cần chú trọng vào dinh dưỡng và thể chất của trẻ trong độ tuổi dậy thì và phát triển. Do đó khi trẻ đang vào giai đoạn phát triển thể chất, gia đình nên có kế hoạch chăm sóc trẻ khoa học, chu đáo.