Muôn vàn lý do
Sau mỗi cuộc nhậu chếnh choáng, Đinh Hlưm (SN 1983; ngụ làng Hơn, xã Ya Ma, huyện Kon Chro, tỉnh Gia Lai) lại không kiểm soát được mình, về nhà đánh vợ. Mỗi khi tỉnh dậy, nhìn những vết thương trên người vợ HLưm lại thấy hối hận. Đã có lần HLưm định lấy cái chết để tạ lỗi nhưng được người nhà ngăn cản.
Chiều 8/9, khi đi làm về, HLưm gặp nhóm bạn đang ngồi nhậu ở quán và được mời vào uống rượu. Khi đã ngà ngà say, HLưm đi về nhà khi vợ và 4 đứa con nhỏ vẫn còn đang trên rẫy. Nghĩ quẩn, HLưm lấy dây thừng thắt cổ tự tử ngay trong căn nhà của 2 vợ chồng.
Trước đó, tối 31/5, Nguyễn Thị L. (SN 1997) và Bùi Thị Thanh H. (SN 1995; cùng ngụ xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) uống thuốc diệt cỏ tự tử. Mặc dù đã được người nhà kịp thời đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng chị H. sống sót, còn L. tử vong. Ngày 1/6, Phạm Thúy V. (SN 1995, người yêu của L.) uống thuốc diệt cỏ tự tử nhưng may mắn được gia đình phát hiện kịp đưa đi cấp cứu. Người nhà cho biết nguyên nhân L. tìm tới cái chết là do mâu thuẫn về tình cảm.
Bị dân làng Măng Rương (xã Văn Lem, huyện Đắk Tô, tỉnh Kon Tum) nghi là kẻ trộm, đã nhiều lần giải thích nhưng không được nên ngày 13/5, A Rík (SN 1973) tới bìa rừng treo cổ trên cành cây để giải thoát. “Trong làng thường xuyên bị mất gà, vịt. Vì chỉ có A Rík hay ăn nhậu nên ai cũng cho rằng A Rík là tên trộm xấu xa đó, nào ngờ…” - bà Y Thái, người xã Văn Lem, nói.
Theo thống kê của UBND huyện Kon Chro, từ đầu năm 2015 tới nay, trên địa bàn đã xảy ra 6 trường hợp tự tử, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nguyên nhân thường vì mâu thuẫn về tình cảm và bế tắc trong cuộc sống. Từ đầu năm tới nay, trên địa bàn huyện Đắk Tô cũng xảy ra 10 vụ tự tử, chủ yếu là người dân tộc thiểu số vì những nguyên nhân tương tự.
Hậu quả nặng nề
Sau khi vợ là Đinh Thị Plet tự tử bằng cách uống thuốc diệt cỏ trên rẫy, anh Đinh Liôch (ngụ làng Dâng, thị trấn Kon Chro, huyện Kon Chro) đâm ra buồn chán rồi cũng treo cổ chết, bỏ lại 6 đứa con nhỏ bơ vơ. Thấy các cháu tội nghiệp, ông Đinh Binh (SN 1950) đưa tất cả chúng về nuôi.
Nhà ông Binh vốn nghèo với 9 miệng ăn, nay lại thêm 6 đứa con của người em gái nên cuộc sống đã nghèo còn nghèo hơn. “Bảy đứa con vợ chồng tôi đã nuôi không nổi rồi, nay lại thêm 6 đứa con của nhà Plet. Cứ khi nào hết gạo lại đi vay khắp làng, tới vụ mùa làm được gạo rồi mang trả. Cứ như thế từ năm này qua năm khác nên nghèo mãi thôi” - ông Binh than thở.
Chồng mới chết chưa được bao lâu, chị Ang (vợ anh Đinh HLưm) đã phải tần tảo vì kinh tế gia đình không còn người gánh vác. Miếng ăn, tiền quần áo, sách vở cho 4 đứa con thơ dại giờ chỉ trông chờ vào mảnh rẫy nhỏ cằn cỗi của gia đình. “Bình thường, HLưm uống rượu vào là về đánh vợ nhưng khi tỉnh rượu thì vẫn là người chồng tốt, biết làm kiếm tiền lo cho 4 đứa con. Giờ HLưm chết rồi, chỉ còn mình, biết phải làm sao...” - chị Ang buồn bã.
Ông Phạm Như Tứ, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện Đắk Tô, vẫn nhớ như in chuyện chị L.T.K (ngụ xã Tân Cảnh) tự tử, để lại người chồng và 2 đứa con thơ, trong đó đứa nhỏ mới chỉ hơn 1 tuổi. “Khi chị K. chết, người chồng một mình không nuôi được 2 đứa con nhỏ nên phải nhờ gia đình hai bên nội - ngoại chăm sóc. Hai gia đình đã chăm cho con cái đến ngày lấy vợ gả chồng, những tưởng được nghỉ ngơi nhưng nay lại tiếp tục chăm cháu” - ông Tứ chua xót.
Theo Ban Tuyên giáo Huyện ủy Kông Chro, từ năm 2010 đến hết quý I/2013, trên địa bàn có tới 306 vụ tự tử, nguyên nhân thường không rõ ràng hoặc nếu có thì xuất phát từ những chuyện rất vụn vặt trong cuộc sống, như: cãi nhau với người thân, bị bạn bè chê cười… Trước vấn nạn này, nhiều thôn làng đang quyết tâm tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của người dân tộc thiểu số. Trong các buổi tuyên truyền, người dân được xem clip, phim về hoàn cảnh thương tâm của những gia đình có người tự tử.
Chưa chú trọng giáo dục đạo đức, tâm lý Theo ông Phạm Như Tứ, việc giáo dục tinh thần cho người dân hiện chưa được chú trọng đúng mức. Ví dụ, không quan tâm nhiều đến đạo đức, lối sống cho học sinh. Bên cạnh đó, xã hội cũng chưa thực sự quan tâm đến vấn đề giáo dục tâm lý cho người dân. Tại huyện Đắk Tô, để nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là người thiểu số, Ban Tuyên giáo huyện đã đề nghị đổi mới chương trình phát thanh tại địa phương vào buổi sáng sớm và buổi chiều để người dân dễ tiếp thu. “Đối với người dân tộc thiểu số, việc tìm hiểu nâng cao nhận thức qua internet rất hạn chế. Khi mở ti vi thì họ không quan tâm đến chương trình của địa phương nên chúng tôi chú trọng kênh phát thanh là hiệu quả nhất” - ông Tứ kỳ vọng. |