Năm học 2016-2017, cả nước có 22,5 triệu học sinh, sinh viên, trong đó khoảng 20,5 triệu học sinh. Lễ khai giảng năm học mới được tổ chức đồng loạt tại các trường theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo với yêu cầu ngắn gọn nhưng trang nghiêm với đầy đủ nghi thức. Phần hội là các hoạt động vui chơi tập thể lành mạnh, ấn tượng để ngày khai trường trở thành kỷ niệm thiêng liêng với học sinh, nhất là những em học sinh lần đầu cắp sách đến trường.
Trong ngày khai giảng, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã tới dự lễ khai giảng năm học mới, chung vui cùng học sinh trong cả nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh trống khai trường tại Trường Trung học Phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến dự lễ khai giảng tại trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, ngôi trường hàng đầu của thủ đô có nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Thủtướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ dư lễ khai giảng tại trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) - trường dành cho học sinh khiếm thị. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đến trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trò chuyện với các em học sinh của trường chuyên Hà Nội - Amsterdam
Sau khi đánh hồi trống khai giảng năm học mới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chúc mừng thành công của trường chuyên Hà Nội - Amsterdam, mong thầy và trò cố gắng đạt thành tích cao trong năm học mới, đưa trường trở thành một trong những trường THPT hàng đầu khu vực.
Tại trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: trường Nguyễn Đình Chiểu 34 tuổi là minh chứng cho sự thành công của quan điểm “tất cả người dân, bình thường hay khiếm thị, nói rộng hơn là người khuyết tật đều được quyền tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng”. Thủ tướng xúc động khi đọc câu chuyện cô Nguyễn Thúy Ngà, thầy Phạm Đình Thắng khiếm thị vẫn tận tình chăm sóc học sinh và cho rằng làm giáo viên đã khó, làm thầy cô của học trò khiếm thị càng khó hơn, đòi hỏi sự hy sinh, tình yêu thương rất lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong lễ khai giảng tại trường Nguyễn Đình Chiểu
Thủ tướng cho rằng, đổi mới, chấn hưng giáo dục thì phải từ cơ sở, các thầy, cô giáo là nhân tố quan trọng nhất. Bên cạnh đó, việc kết hợp giữa nhà trường và xã hội cũng là một yếu tố thành công của giáo dục đào tạo, đặc biệt là các cấp học phổ thông. Trường Nguyễn Đình Chiểu cần làm tốt hơn nữa việc đưa xã hội đến với nhà trường, kết nối với cộng đồng và doanh nghiệp, đưa các em học sinh hòa nhập với các hoạt động văn hóa, xã hội ngay chính tại ngôi trường thân yêu của mình.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm hỏi các học sinh trong trường
Đánh giá cao vai trò quan trọng của gia đình, Thủ tướng nhấn mạnh, các bậc phụ huynh cần phối hợp với nhà trường trong quá trình giáo dục, đào tạo, nuôi dưỡng, chăm sóc các em học sinh; tham gia công cuộc cải cách, đổi mới, chấn hưng giáo dục. “Chúng ta luôn có niềm tin vào con em mình, tạo điều kiện cho các em hòa nhập đầy đủ, toàn diện, để các em trưởng thành, thành con người có ích cho xã hội. Lòng nhân ái, tình yêu thương, những điều quan trọng đó làm nên phẩm giá con người”.
Thủ tướng cho rằng, dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng, Đảng, Nhà nước sẽ ngày càng quan tâm và tin tưởng học sinh sau này tiếp tục đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Hy vọng từ mái trường này, sẽ có thêm nhiều người nghị lực trưởng thành, như Đào Thu Hương, thủ khoa khiếm thị của Đại học Sư phạm; Khúc Hải Vân, hiệp sĩ mù Công nghệ thông tin đã trưởng thành.
Thủ tướng đề nghị trường Nguyễn Đình Chiểu lập một website kết nối với cộng đồng và giao Văn phòng Chính phủ cập nhật thông tin về nhà trường qua trang web này.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Lễ khai giảng tại trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An).
Năm học 2016-2017, cả nước có khoảng 22,5 triệu học sinh, sinh viên, trong đó 4,6 triệu trẻ mầm non; gần 7,8 triệu học sinh tiểu học; 5 triệu học sinh trung học cơ sở; 2,4 triệu học sinh trung học phổ thông; 315.000 học sinh trung học chuyên nghiệp; 2,2 triệu sinh viên đại học, cao đẳng. |