Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tuổi trẻ Khánh Hòa hướng đến 'sống xanh'

“Sống xanh” là sống có trách nhiệm với môi trường, không xả rác bừa bãi, đi du lịch kết hợp dọn rác... Những năm gần đây, lối sống này được đông đảo bạn trẻ trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, tạo hiệu ứng tích cực trong nhiều nhóm, cộng đồng.

 

Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa được biết đến là một trong những thành phố du lịch nổi tiếng đối với du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, việc đón lượng khách du lịch khổng lồ tới đây cũng đồng nghĩa thành phố phải chấp nhận một lượng rác thải không hề nhỏ. 

Với mong muốn góp phần khiến địa phương trở nên sạch đẹp hơn, nhiều thanh niên trên địa bàn tỉnh đã đưa ra những ý tưởng và hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường sống xung quanh. Ban đầu chỉ là hành động đơn lẻ của một vài người, sau dần có hiệu ứng tích cực và lan tỏa tới đông đảo các ban trẻ khác. 

 

 

“Sống xanh dễ lắm, chủ yếu muốn hay không” là suy nghĩ chung của các bạn trẻ có định hướng lấy lối sống này làm tiêu chuẩn. Anh Nguyễn Hữu Tuấn Vũ (phường Phước Long, TP. Nha Trang) cho biết, bản thân là đoàn viên của Đoàn Khối các cơ quan tỉnh, mỗi đợt đoàn thanh niên tổ chức các chương trình bảo vệ môi trường, anh đều hào hứng tham gia. “Mọi người cứ nghĩ sống xanh là gì đó to tát, nhưng thực ra lại xuất phát từ những thứ rất nhỏ như: không xả rác bừa bãi; thấy rác thì nhặt bỏ vào thùng rác; không đốt các loại rác thải nhựa, gây ô nhiễm không khí... Cứ mỗi bạn trẻ có suy nghĩ đó, hành động thiết thực thì môi trường sẽ được hạn chế những tác động tiêu cực”, anh Vũ chia sẻ. Bạn Trần Xuân Nhật (sinh viên Trường Đại học Nha Trang) cho rằng: “Nha Trang là thành phố du lịch, mỗi người trẻ tự ý thức được việc không xả rác bừa bãi là đã sống xanh rồi”.

 

 

Lối “sống xanh” có xu hướng lan tỏa sâu rộng không chỉ trong cách sống mà cả trong công việc, học tập, khi nhiều người trẻ đã có nhiều sáng kiến, dự án về bảo vệ môi trường. Trong những cuộc thi về sáng tạo do đoàn thanh niên, ngành Giáo dục tổ chức, có không ít ý tưởng về lĩnh vực này. Điển hình như dự án Hệ thống xử lý nước nhiễm phèn ở vùng nông thôn Khánh Hòa của em Nguyễn Chí Phương Thanh (Trường THPT Lý Tự Trọng, Nha Trang) vừa đạt giải tư tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2017 - 2018 khu vực phía nam vừa tổng kết tại tỉnh Lâm Đồng. Hay như giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt ở TP. Nha Trang; ứng dụng kỹ thuật nuôi ghép ốc hương và hải sâm cát trong ao đất tại vùng nuôi TP. Cam Ranh... của các đoàn viên, thanh niên trong những kỳ thi Sáng tạo trẻ cấp tỉnh do Tỉnh đoàn tổ chức. Các dự án về giải quyết vấn đề môi trường đều được đánh giá cao.

Có sở thích du lịch theo hình thức trekking (đi bộ dã ngoại ngoài trời ở những nơi hoang sơ), anh Thiều Văn Sang (TP. Nha Trang) thường đứng ra tổ chức nhiều nhóm bạn trẻ trekking tại các điểm du lịch hoang sơ trong và ngoài tỉnh. Cũng là hình thức tổ chức du lịch dã ngoại, nhưng điểm khác biệt giúp nhiều người biết đến và tham gia cùng anh Sang là “du lịch nói không với rác”.

Theo anh Sang, một thực trạng đang diễn ra hàng ngày là nhiều điểm du lịch hoang sơ đang ngày càng bị tàn phá bởi rác. Rác không tự xuất hiện ở đây mà do nhiều nhóm phượt, du lịch đến chơi, cắm trại, tổ chức ăn uống, sau khi quay về không chịu thu dọn, chỉ gom lại rồi để đó. “Đầu tiên, tôi thấy rất phản cảm khi nhiều bạn đến chơi ở đảo Điệp Sơn (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) xả rác bừa bãi, chơi xong không thu gom lại. Tiếp đó là núi Cô Tiên (Nha Trang) rác ngày càng nhiều. Sau đó, mỗi lần đi du lịch cùng các bạn, tôi đều dặn mọi người mang theo túi nilon, mỗi người nhặt một ít bỏ vào túi, khi nào về thì mang theo”, anh Sang chia sẻ.

Từ ý tưởng cá nhân ban đầu, giờ đây, khi trở thành quản trị viên của fanpage Nha Trang Phượt trên Facebook với hơn 5.000 thành viên, mỗi lần tổ chức các chuyến dã ngoại, anh đều đặt yêu cầu cho thành viên tham gia là không được xả rác bừa bãi, chơi ở đâu cũng cần có trách nhiệm dọn vệ sinh môi trường ở đó. Điển hình như chuyến dã ngoại Mũi Đôi cực Đông - Một giờ không rác do anh Sang tổ chức ngày 24 và 25.3, khi đến điểm cắm trại, mọi người đã thu gom rác thải quanh khu vực, mang về một ít, số còn lại, anh Sang sẽ gửi tàu chở về trong lần dẫn đoàn tới. “Chuyến du lịch đã ý nghĩa và đáng nhớ hơn nhiều khi mọi người cùng chung tay thu gom rác thải tại điểm du lịch. Hoạt động này vừa góp phần bảo vệ môi trường, vừa là cách tuyên truyền đến mọi người hiệu quả nhất”, bạn Trần Nguyễn Thu Hằng - thành viên nhóm du lịch Mũi Đôi chia sẻ.

Anh Nguyễn Văn Nhuận - Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết, để ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, những năm qua, Tỉnh Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: hưởng ứng Giờ Trái đất, ngày Nước thế giới; hoạt động ngày Chủ nhật xanh; ra quân thu gom rác thải... Cùng với đó, ý thức về “sống xanh” đang ngày càng lan tỏa trong xu hướng sống của các bạn trẻ đã tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội. Thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ tăng cường việc tuyên truyền về lối sống đẹp này qua các kênh thông tin của đoàn, hội để nhiều người biết đến và hưởng ứng.