Và còn nhiều tỉnh, thành khác nữa cũng đang lăm le xin xây tượng đài với nhiều lý do viện dẫn kèm theo thoạt nghe thấy rất chính đáng, nhất là khi nó chạm vào điều thiêng liêng của quốc dân, đồng bào. Nhưng rồi ngẫm lại thì nó không hoàn toàn như vậy.
Trung Quốc rộng lớn có Vạn Lý Trường Thành, có Tử Cấm Thành. Ai Cập có kim tự tháp, tượng nhân sư. Một quốc gia không lớn như Campuchia cũng có Angkor Wat, Angkor Thom… Có người thắc mắc tại sao Việt Nam không có những công trình kỳ vĩ tầm cỡ thế giới như các nước trên. Thưa rằng, đó là đại phúc của dân tộc Việt Nam.
Lịch sử đã thật trớ trêu khi đặt dân tộc ta cạnh một đế chế vô cùng to lớn với dã tâm muôn đời không thay đổi là luôn rình mò, thôn tính Việt Nam. Một dân tộc mà suốt hàng ngàn năm lịch sử, biết bao thế hệ đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc thân yêu này. Bởi vậy từ xưa các bậc minh quân đã thấu hiểu chân lý đơn giản rằng sức mạnh vĩ đại nhất chính là lòng dân chứ không phải thành cao hào sâu, không ở những công trình hoành tráng.
Thực ra chúng ta cũng đã từng có các công trình kỳ vĩ - nếu không bị nhân dân đứng lên đạp đổ - như Cửu Trùng Đài ở đời Lê Tương Dực. Khi xây lăng cho mình, vua Tự Đức đặt tên cho công trình là Vạn Niên Cơ. Công trình vắt kiệt sức dân, vì vậy người dân đã nổi dậy với những lời ca ai oán còn mãi đến hôm nay: Vạn Niên là vạn niên nào?/ Thành xây xương lính, hào đào máu dân. Một vị vua am hiểu lịch sử, văn học như Tự Đức sau này đã quyết định đổi tên công trình thành Khiêm Cung, sau khi vua băng hà thì đổi tên thành Khiêm Lăng - lăng Tự Đức hiện nay.
Những ai am tường lịch sử đều hiểu rằng chính những điện Lạc Thanh, hồ Lạc Thanh cùng các công trình kỳ vĩ dưới thời trị vì của vua Trần Dụ Tông (1341-1369) và cả thành Tây Giai (thành Nhà Hồ) chính là công trình vắt kiệt sức dân đến tận cùng. Vì vậy không lạ gì khi giặc tràn sang, đất nước nhanh chóng rơi vào tay quân thù. Có lẽ thấu hiểu sâu sắc điều này nên khi chiến thắng giặc Minh xâm lược, đất nước trở lại thái bình, khi vua Lê Thái Tông giao soạn nhạc cho triều đình, Nguyễn Trãi đã khẩn thiết tâu vua: “Cúi mong bệ hạ rủ lòng thương yêu chăm lo cho muôn dân, khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không còn một tiếng hờn giận oán sầu. Như thế tức là giữ được cái gốc của nhạc”.
Năm 2015, thế giới đã chứng kiến người dân Singapore tiễn đưa vị lãnh tụ kính yêu của họ về cõi vĩnh hằng. Lý Quang Diệu không chỉ là người lập quốc mà còn là nhà lãnh đạo tài ba đưa Singapore thành đất nước thịnh vượng. Thế nhưng sinh thời ông không đồng ý cho người ta đúc tượng của mình. Trong bài điếu văn tiễn biệt ông, Thủ tướng Lý Hiển Long đã nói: “Những ai đến Singapore hỏi tượng đài Lý Quang Diệu ở đâu, người dân Singapore có thể tự hào đáp lại: Hãy nhìn xung quanh bạn”.
Không phải mọi công trình đều “trơ gan tuế nguyệt”. Quy luật của mọi sự vật là thành, trụ, hoại, diệt. Chỉ có sự kính trọng và biết ơn lưu giữ trong lòng dân là vĩnh cửu. Như Tố Hữu đã viết về Bác Hồ: Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn.
Trong bối cảnh ngân sách quá hạn hẹp như hiện nay, Chính phủ đã phải chật vật gồng mình để dành ra 11.000 tỉ đồng tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Mặc dù quyết định đã thông qua, song phải đến tận tháng 5-2016 đồng lương tăng này mới chính thức vào túi người nhận. Điều ấy đủ để nói lên tình hình ngân sách đến mức nào.
Thế nhưng nếu đem so sánh với những tượng đài ngàn tỉ bỏ hoang kia, những bảo tàng hàng chục ngàn tỉ thì con số 11.000 tỉ đồng chẳng bõ bèn gì. Nó chỉ hơn bảy tượng đài đang dãi gió dầm mưa ở tỉnh Ninh Bình kia mà thôi.
Và nếu đem con số tăng thu nhập cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức sắp tới chỉ khoảng 76.000 đồng/tháng mà đặt bên những số tiền để đầu tư xây dựng tượng đài thì quả thật xót xa biết dường nào!
Khi quyết xây tượng đài hoành tráng cho kỳ được, xin ai đó hãy nhớ lời Nguyễn Trãi đã viết trong Bình Ngô đại cáo: Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân.