Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tương lai của Apple không thể mãi là iPhone

Dù iPhone 7 có thể bán được hàng chục triệu chiếc nhưng tương lai của Apple không thể chỉ xây dựng trên các chu kỳ nâng cấp phần cứng.

Apple có quý kinh doanh không mấy ấn tượng. 

Trong bản báo cáo tài chính quý II/2016, Apple đem đến thông tin gây sốc khi lần đầu tiên kể từ năm 2003, hãng bị giảm doanh số. "Đây chỉ là một bước nghỉ trong quá trình tăng trưởng. Tương lai của Apple vẫn rất tươi sáng", CEO Tim Cook phát biểu đầy lạc quan nhưng không khiến các nhà đầu tư cảm thấy an lòng. Cổ phiếu của hãng bị lao dốc khoảng 8% ngay sau đó, thiệt hại lên tới 46 tỷ USD. 

"Con gà đẻ trứng vàng" của Apple - iPhone - có doanh thu thấp hơn cùng kỳ năm ngoái tới 18%. Nguyên nhân được cho là bởi cả iPhone 6s lẫn iPhone SE đều không có yếu tố mang tính đột phá, không đáp ứng được sự kỳ vọng của người dùng. Hãng cũng gặp phải bất lợi khi chính sách bán kèm hợp đồng 2 năm của một số nhà mạng tại Mỹ bị khai tử khiến người dùng rụt rè hơn khi quyết định đổi máy. 

iPhone SE với màn hình 4 inch được Apple hướng đến thị trường "ngách" ở Mỹ cũng như được định giá ở mức hấp dẫn với các thị trường mới nổi. Đây được coi là sản phẩm mở lối cho Apple cạnh tranh ở phân khúc giá thấp hơn. Tuy nhiên, tất cả những gì hãng nhận được là doanh thu giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái tại Trung Quốc, Nhật Bản. Trong khi tại châu Âu cũng giảm 5% còn châu Mỹ là 10%. 

Mashable cho rằng Apple thực tế vẫn còn cơ hội ở Ấn Độ, một thị trường mới với hãng nhưng cũng đông dân không kém Trung Quốc. Nếu khai thác mạnh hơn tại đây, Apple có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng vốn có nhưng bài toán đặt ra là hiện hãng không có sản phẩm tầm trung nào đúng nghĩa. 

Tương lai của Apple không thể chỉ dựa vào các chu kỳ nâng cấp phần cứng. 

Khoảng hai năm trở lại đây, Apple dần rơi vào trạng thái "bí ý tưởng" khi các sản phẩm mới chưa tạo được dấu ấn trong khi các sản phẩm cũ dần đi theo lối mòn. Ngoại trừ iPhone, iPad cũng sụt giảm doanh số mạnh dù vẫn giữ ngôi vị tablet phổ biến nhất thế giới. Dòng iPad Pro mới ra mắt năm ngoái cũng chưa cho thấy những khác biệt thật sự để khiến người dùng quyết định "móc hầu bao". 

Trở lại vào cuối những năm 1990 khi các tập tin nhạc mp3 và máy nghe nhạc kỹ thuật số bắt đầu xuất hiện nhưng người dùng vẫn không rời bỏ thói quen sử dụng máy nghe đĩa CD. Sau đó, Apple xuất hiện với chiếc iPod, tiếp đó là iTunes và khiến mọi thói quen của người dùng thay đổi. Hãng lặp lại kỳ tích đó với iPhone và điều tương tự cũng diễn ra với iPad dù ở cấp độ thấp hơn.

Năm ngoái, Apple Watch trình làng với kỳ vọng thay đổi cả thị trường đồng hồ thông minh. Patrick Moorhead, một nhà phân tích từ công ty Insights & Stragegy nhận định đây thực sự là một sản phẩm tốt, đáng mua nhưng không có sự khác biệt lớn so với phần còn lại. "Tôi thích Apple Watch nhưng nó chỉ đơn giản là một tiện ích với thứ tự quan trọng xếp sau iPhone thay vì vật dụng không thể thiếu như iPod ở thời điểm mới ra mắt", Moorhead nhận định. 

Apple thời gian gần đây được cho là đang nghiên cứu xây dựng một chiếc xe hơi của riêng mình. "Nếu Apple tìm cách làm một chiếc xe, nó sẽ chạy điện, tuyệt đẹp và cực kỳ tốn kém", Mashable dự đoán. Nhưng công ty cũng phải có những công nghệ khác biệt và hệ thống phân phối đủ mạnh. Nói một cách đơn giản, chiếc xe Apple sẽ khó "cứu" được Apple. 

Đến mùa thu năm nay, Apple sẽ có một thiết bị mới, iPhone 7 với doanh số có thể đạt được hàng chục triệu chiếc. Nhưng nó chắc chắn không thể giúp thay đổi xu hướng của thời đại. Tương lai lâu dài của Apple không thể xây dựng trên các chu kỳ nâng cấp phần cứng. "Hãng cần một cái gì đó khác", Moorhead khẳng định.