Tin tức cập nhật cho biết, trên Diễn đàn Nhà báo trẻ (do Mai Phan Lợi - PV báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh - làm admin), gần đây đã làm cuộc thăm dò dư luận với câu hỏi “Vì sao CASA tan xác?”. Ngay lập tức, dư luận xã hội dậy sóng phản ứng về từ “tan xác” và phát ngôn của một người có chức danh nhà báo, nhất là khi thời điểm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6) đang cận kề.
Anh hùng LLVTND, Trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh Quân khu I (Ảnh: N.Minh).
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tư lệnh Quân khu I về vấn đề đang khiến dư luận bức xúc này.
Trung tướng Phạm Xuân Thệ đưa quan điểm: “Dùng từ “tan xác” như vậy là quá phản cảm. Trong khi cả nước đau thương, chờ ngóng tin tức tốt đẹp từ những người công dân chân chính, những quân nhân dũng cảm đi làm nhiệm vụ vì Tổ quốc trên chiếc máy bay CASA 212, số hiệu 8983, không may bị nạn mà người mang chức danh “nhà báo” lại có những hành động như vậy, những lời lẽ, tư duy như vậy là không ổn chút nào.
Đã vậy, sự việc lại được đưa ra tại một diễn đàn có rất nhiều nhà báo, phóng viên thì lại càng không được. Nó ảnh hưởng sâu sắc và làm hoen ố hình ảnh của những người làm nghề báo chân chính".
Trung tướng Phạm Xuân Thệ cũng đưa quan điểm: “Nhà báo cần định hướng dư luận một cách khách quan, tích cực trên cơ sở của sự thật và công tâm. Vậy mà, mang danh một nhà báo công tác tại một cơ quan ngôn luận chính thống lại có phát ngôn một cách đầy ẩn ý, khó hiểu như vậy là rất đáng ngại.
Không chỉ vậy, dùng tư “tan xác” trong khi cả triệu trái tim Việt Nam đang ngóng trông về Biển Đông từng giờ từng phút đầy lo âu, thổn thức, đau xót mong tin người đi là rất đáng lên án. Mai Phan Lợi đã khơi thêm lòng đau thương, khoét sâu sự mất mát của người dân cũng như thân nhân phi công Trần Quang Khải vừa hy sinh và 9 cán bộ chiến sỹ đang còn mất tích. Những nghi ngờ hay giả thuyết nào đó trong lúc này đều là không nên.
Một người được cho là có văn hóa, có học thức (vì chí ít cũng mang danh nhà báo), mà lại dùng những từ ngữ mang tính chất có cái gì đó không phù hợp với Đảng, Nhà nước, với nhân dân, rất phản cảm”.
Từng là người lính, thấy đồng đội vẫn đang tìm kiếm đồng đội ngoài Biển Đông, Tướng Thệ bày tỏ xúc động: “Hai máy bay gặp sự cố trong khoảng thời gian ngắn ngủi là một mất mát quá lớn của dân tộc Việt Nam cũng như của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam. Họ đã hy sinh vì nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả, họ quên mình khi ứng cứu đồng đội, đồng chí.
Tai nạn xảy ra là điều không ai mong muốn và cũng nằm ngoài ý muốn chủ quan của mỗi người. Đây là nỗi đau xót không chỉ của công dân Việt Nam mà tôi tin, đã là con người, là đồng loại thì ai nghe tin cũng đều thương tiếc, xót xa.
Ở đây, một người có học thức, làm trong nghề mang tính tuyên truyền, định hướng dư luận lại dùng từ ngữ khơi gợi những điều phũ phàng là đáng lên án. Bởi, không gì quý bằng tính mạng con người. Tiền bạc có thể mua được tất cả nhưng không mua được tính mạng con người. Mất mát con người là sự mất mát lớn nhất.
Hơn 90 triệu người đang nóng ruột hướng ra Biển Đông và cố gắng làm điều gì đó xoa dịu mất mát đau thương trong lòng thân nhân các phi công, chiến sỹ. Thậm chí, khi thấy thi hài phi công Trần Quang Khải được đưa vào đất liền, nhiều người đã khóc òa vì cảm thấy được an ủi phần nào khi anh về được với đất mẹ.
Còn Mai Phan Lợi dùng từ ngữ “tan xác” là rất phản cảm, xoáy vào nỗi đau, chạm vào tâm linh mỗi người. Từ “tan xác” trong trường hợp này là rất tàn nhẫn, rất ác ý".
“Đã là người làm báo cần chân thực, nếu ai đó mang ý kiến cá nhân vào ngòi bút là cực kỳ nguy hiểm.
Dù thế nào thì cơ quan chức năng cũng phải xem xét và xử lý nghiêm. Bởi, người dân bình thường phát ngôn làm sai lệch một sự việc đã bị lên án, người làm báo lại càng phải lên án hơn. Không thể để một vài tư tưởng hẹp hòi của cá nhân ảnh hưởng đến những người làm báo chân chính”, Tướng Thệ nhấn mạnh.