Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tuyên Quang: Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Năm 2020, Tuyên Quang sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Trung bình mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 6000 lao động nông thôn

Tỉnh Tuyên Quang với nền kinh tế sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, lao động nông thôn chiếm khoảng 80% lực lượng lao động. Trong những năm qua công tác đào tạo nghề và đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Tuyên Quang đã được triển khai thực hiện có tác dụng chuyển đổi nhận thức về học nghề, việc làm, nâng cao tay nghề cho người lao động góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu, vẫn còn tình trạng nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học, chưa gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp; tình trạng thiếu lao động có trình độ tay nghề vẫn còn phổ biến; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nghề còn cao, nhất là lao động khu vực nông thôn; nhiều lao động sau đào tạo vẫn chưa tìm kiếm được việc làm hoặc chưa áp dụng kiến thức vào thực tiễn; vẫn còn thiếu lực lượng lao động lành nghề phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn.

Tuyên Quang: Đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Trước thực trạng trên tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện các chương trình, dự án, phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế và nhiều chương trình, dự án trên địa bàn, đặc biệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Việc đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho lao động, nhất là lao động nông thôn để họ trở thành lao động làm các công việc trong các lĩnh vực nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu lao động sang phi nông nghiệp, xuất khẩu lao động là một yêu cầu cấp thiết để tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm xoá đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư nông thôn góp phần xây dựng Tuyên Quang trở thành một tỉnh có công nghiệp và dịch vụ phát triển.

Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn cho trên 30.000 lao động, bình quân mỗi năm đào tạo nghề trên 6.000 lao động.

Qua triển khai thực hiện từ năm 2010- 2019 trên địa bàn tỉnh có rất nhiều các mô hình đạt hiệu quả đến nay đã có 59 mô hình điển hình. Trong đó mô hình cá nhân điển hình có 55 mô hình và 4 mô hình tổ chức điển hình.

Từ các cơ chế chính sách về giáo dục nghề nghiệp công tác đào tạo đã gắn kết với công tác giải quyết việc làm cho lao động, góp phần giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, ổn định tình hình trật tự xã hội của địa phương đồng thời tạo lợi thế để cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ, tăng cường xuất khẩu lao động; nhiều lao động đã tiếp cận với khoa học công nghệ, tác phong làm việc công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động.

Lao động nông thôn sau khi học nghề đã áp dụng kiến thức đã học vào phát triển kinh tế, góp phần nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm được chi phí sản xuất; có việc làm được các doanh nghiệp, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ tuyển dụng, được chuyển nghề, có thu nhập, tăng năng xuất lao động, nhiều hộ biết vận dụng kiến thức được học vào phát triển kinh tế hộ gia đình, bước đầu thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới. Góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đến cuối năm 2019 lên trên 57%, trong đó qua đào tạo nghề trên 35%.

Ưu tiên đào tạo các đối tượng hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số

Bà Mai Thị Thanh Bình- Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Tuyên Quang cho biết, năm 2020, Tuyên Quang tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" tỉnh Tuyên Quang, đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; nhằm thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất công nghệ cao và an sinh xã hội nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, thực hiện công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tỉnh tập trung ưu tiên đào tạo tại các địa phương xây dựng nông thôn mới trong năm 2020, các đối tượng thuộc hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

"Yêu cầu mà tỉnh đặt ra trong năm 2020 là nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Đào tạo theo nhu cầu học nghề của người lao động, yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; đảm bảo đào tạo nghề đúng đối tượng, thực hiện đúng chế độ chính sách quy định; Cơ sở tham gia đào tạo nghề phải có đủ điều kiện, được hoạt động giáo dục nghề nghiệp; không tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi chưa dự báo được nơi làm việc và mức thu nhập của người lao động sau khi học nghề." Bà Mai Thị Thanh Bình cho biết.