Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tuyên Quang: Tín hiệu mừng trong công tác thực thi pháp luật về ATVSLĐ

Mặc dù là tỉnh miền núi, công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát pháp luật về ATVSLĐ của các cấp ngành còn gặp nhiều khó khăn, song số vụ tai nạn lao động chết người trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể, từ 18 vụ năm 2015 xuống còn 4 vụ năm 2016 và trong quý I/2017 chưa để xảy ra vụ nào.

Hệ quả nặng nề

Ông Phạm Minh Tuấn, Chánh Văn phòng Sở LĐ-TB&XH cho biết, thực hiện chức năng nhiệm vụ, năm qua Sở đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động đối với 35 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó đã kịp thời chấn chỉnh những sai phạm của doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. “Qua thanh tra, kiểm tra đã có 180 kiến nghị các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện khắc phục những sai phạm, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về ATVSLĐ”, ông Tuấn cho biết.

Diễn tập ATVSLĐ-PCCN tại Công ty CP Xi măng Tân Quang

Tuyên Quang hiện có khoảng trên 32.000 lao động, làm việc, hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Điểm qua một số vụ có thể thấy nguyên nhân dẫn đến TNLĐ một phần là do môi trường làm việc của người lao động thiếu đảm bảo an toàn, trong đó có các công trình, các điểm khai thác khoán sản. Như tại Nhà máy Thủy điện Tuyên Quang, vụ tai nạn khiến anh Nguyễn Hữu Hưởng bị chấn thương nặng dẫn đến tử vong; tại mỏ khai thác đá Lũng Mần, xã Tràng Đà (TP. Tuyên Quang) do Doanh nghiệp tư nhân Tiến Hải Tuyên Quang quản lý, vụ tai nạn khiến anh Hà Văn Dũng, công nhân khoan, nổ mìn tử nạn; mới đây nhất là ngày 13/12/2016, anh Hà Văn Đảm (trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) đang khoan đá để nổ mìn tại mỏ đá Yên Lĩnh của Công ty cổ phần xi măng Tuyên Quang thì bất ngờ đá từ trên núi lăn xuống trúng đầu, anh Đảm đã được đưa đi cấp cứu nhưng tử vong sau đó một ngày.

Hệ quả của những vụ TNLĐ là rất nặng nề, nhiều gia đình vốn đã khó khăn, nay lại rơi vào bế tắc hơn. Như trường hợp chị Phạm Thị Hoàn ở huyện Yên Sơn, nguyên là công nhân tại Công ty cổ phần Chè Sông Lô, chị bị máy vò chè nghiến cụt mất mấy ngón tay, giờ mọi sinh hoạt, làm việc đều trở nên khó khăn, phải chịu nhiều thiệt thòi; Hoặc như chị Hoàng Thị Trang, vợ nạn nhân Nguyễn Hữu Hưởng, chồng mất, mẹ con chị luôn phải sống trong tình trạng thiếu thốn, phải nhờ đến sự đùm bọc, giúp đỡ, cưu mang của xã hội.

Giảm thiểu các hành vi vi phạm

Năm 2016, Thanh tra Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức đoàn điều tra TNLĐ cấp tỉnh, tiến hành điều tra 04 vụ tai nạn chết người, chuyển hồ sơ đề nghị cơ quan cảnh sát điều tra xem xét khởi tố 01 vụ TNLĐ xảy ra tại Doanh nghiệp tư nhân Tiến Hải Tuyên Quang, đồng thời ra quyết định xử lý vi phạm hành chính một số doanh nghiệp vi phạm về ATVSLĐ, phạt và thu nộp ngân sách hơn 100 triệu đồng.

Công nhân nhà máy đường được trang bị bảo hộ đầy đủ khi làm việc

Thống kê cho thấy các hành vi vi phạm nghiêm trọng về ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh đã giảm thiểu đáng kể, các đối tượng thanh tra sau khi bị nhắc nhỡ hoặc xử phạt đã nghiêm túc rút kinh nghiệm và thực hiện theo đúng quy định, như tại Công ty TNHH MTV Seshin VN2 là một ví dụ.

“Ngay sau khi có kết luận, kiến nghị của đoàn thanh tra về 7 nội dung thực hiện chưa đúng, Công ty đã khắc phục ngay và thực hiện xây dựng nội dung, lập hồ sơ theo dõi huấn luyện ATVSLĐ, trang bị và cấp đầy đủ các phương tiện bảo hộ cho người lao động, bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động nặng nhọc, độc hại theo quy định của Bộ luật Lao động. Đối với việc kỷ luật lao động không đúng quy định, Công ty đã sửa đổi và thực hiện theo quy định; đăng ký tham gia và trích nộp BHXH, BHTN, BHYT đầy đủ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam”, ông Baek Jung Hyun, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Seshin VN2 cho biết.

Nhằm giảm thiểu các vụ TNLĐ hướng tới chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSLĐ, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng đã ban hành Kế hoạch số 23/KH-UBND tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2017 với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”. Theo đó, các sở, ban, ngành, các tổ chức, chính quyền cơ sở phải tổ chức các hoạt động tuyên truyền, xây dựng, gửi, phát các thông điệp, tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền chủ đề, nội dung hoạt động của Tháng hành động trong phạm vi địa phương, đơn vị, doanh nghiệp mình quản lý; Bên cạnh đó là tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành về ATVSLĐ, nội dung tập trung vào các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và việc thưc hiện các quy định pháp luật ATVSLĐ như huấn luyện, sử dụng, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ trong các tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh; Đồng thời, tổ chức tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc tổ chức huấn luyện và tư vấn cải thiện điều kiện lao động, tổ chức các cuộc tọa đàm đối thoại chính sách, hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ, đặc biệt là lồng ghép các chương trình khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động, các chương trình hoạt động xã hội, cộng đồng như thăm hỏi, động viên các nạn nhân bị TNLĐ, bệnh nghề nghiệp…