Những lưu ý quan trọng về công tác tuyển sinh năm 2020 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại Hội nghị tổng kết tuyển sinh năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 trình độ đại học hệ chính quy, trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non hệ chính quy.
Vì chất lượng của người học
Về công tác chuẩn bị tuyển sinh, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các Sở GD&ĐT phải chỉ đạo các trường THPT tập trung dạy học, ôn tập cho học sinh thi THPT quốc gia theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tránh tình trạng học lệch, học tủ. Việc cho điểm trong học bạ phải đảm bảo trung thực, khách quan, để đảm bảo độ chính xác và chất lượng cho công tác tuyển sinh theo hình thức xét học bạ mà nhiều trường đại học, cao đẳng đang áp dụng.
Các trường đại học, cao đẳng trong công tác tư vấn hướng nghiệp cần cung cấp thông tin trung thực nhà trường, không "đánh bóng danh tiếng" gây nhiễu thông tin để thí sinh đăng ký xét tuyển. Việc tư vấn tuyển sinh cần đổi mới phương thức, có sự phối hợp chặt chẽ với đơn vị sử dụng lao động để đưa ra các yêu cầu nghề nghiệp chính xác cho học sinh, phụ huynh tham khảo, lựa chọn.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19, Bộ trưởng GD&ĐT đánh giá cao các trường đại học đã chủ động, tích cực, có nhiều sáng kiến tốt trong công tác phòng chống. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý, các nhà trường cần có thái độ bình tĩnh; phòng, chống dịch quyết liệt nhưng vẫn phải quan tâm thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên. Hiện nay, trường nào ở khu vực không có dịch thì có thể tổ chức dạy học. Những nơi nào ngành y tế còn khuyến cáo thì phải đặt an toàn người học lên trên hết và tính toán cho sinh viên học bù vào thời điểm phù hợp. Về phía Bộ GD&ĐT, căn cứ tình hình thực tiễn sẽ quyết định thời gian thi THPT quốc gia và công bố theo đúng quy định.
Mở ngành mới phải có cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn
Liên quan đến công tác tuyển sinh, theo Bộ trưởng GD&ĐT, Việc xây dựng phương án tuyển sinh được đánh giá là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của cơ sở giáo dục đại học, ảnh hưởng lớn tới chất lượng tuyển sinh và công tác đào tạo của trường. Do đó, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học phải tính toán kỹ lưỡng, có nghiên cứu và phân tích thị trường để đưa ra quyết định về việc mở ngành mới.
"Các ngành đạo tạo khi mở ra cần được tính toán kỹ lưỡng, có căn cứ khoa học và thực tiễn, tránh tình trạng chỉ căn cứ vào nhu cầu nhất thời của một số đơn vị để mở ngành. Việc làm đó sẽ khiến quyền lợi người học không được bảo đảm, ảnh hưởng đến chất lượng và uy tín của nhà trường, uy tín của hệ thống cũng bị rủi ro. Năm 2020 phải chấm dứt tình trạng này", Bộ trưởng GD&ĐT nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng GD&ĐT, việc một số cơ sở giáo dục đại học đưa ra những tổ hợp xét tuyển không phù hợp với ngành đào tạo, dẫn đến băn khoăn, bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục đại học, cũng được yêu cầu không để lặp lại trong năm 2020.
Năm 2019, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 cao (115,39% chỉ tiêu) nhưng nhập học thấp (63,89% so với số trúng tuyển), theo Bộ trưởng GD&ĐT có nguyên nhân của việc trường đại học xây dựng chỉ tiêu chưa sát với thực tiễn. Từ việc nhu cầu của người học ít, một số trường căn cứ vào đó để hạ ngưỡng đầu vào. Bộ trường Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các trường đã và có ý định áp dụng "kỹ thuật" này trong tuyển sinh phải thay đổi cách tiếp cận.
"Bây giờ không phải là tiếp cận theo hướng nhất quyết phải tuyển đủ chỉ tiêu, đông người học mà là tuyển người học có chất lượng không. Người học đông nhưng quá trình đào tạo thì đào thải nhiều, chất lượng đầu ra không đảm bảo thì cũng sẽ khó được thị trường lao động chấp nhận". Bộ trưởng GD&ĐT nhấn mạnh.