Ngày 1/8 là ngày đầu tiên các trường đại học (ĐH) trên cả nước chính thức nhận hồ sơ xét tuyển của thí sinh.
Từ 7h30’ sáng, nhiều thí sinh đã có mặt tại các trường ĐH để nhận phiếu, ghi dữ liệu cá nhân và mã ngành đăng ký xét tuyển.
Thức dậy từ 4h sáng, hai mẹ con bác Nguyễn Thị Ngà, quê ở Nam Định đã bắt kịp chuyến xe đến trường ĐH Bách Khoa Hà Nội.
Trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, con gái bác Ngà đạt 19 điểm nên khi có đợt xét tuyển ĐH, cháu quyết định nộp hồ sơ vào khoa Công nghệ thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội. Nguyện vọng 2 đăng ký vào khoa Công nghệ kỹ thuật hóa học của ĐH Công nghiệp Hà Nội.
Cho biết về quyết định viết phiếu đăng ký xét tuyển ngay trong ngày đầu tuyển sinh, em Lê Thu Hà (con bác Nguyễn Thị Ngà) nói: “Em yêu thích khoa Công nghệ thực phẩm từ rất lâu và đã xem xét kỹ điểm chuẩn các năm ở ĐH Bách Khoa Hà Nội nên đã quyết định nộp phiếu đăng ký từ ngày đầu tiên chứ không phải đợi thêm nữa. Ngoài ra, vì không muốn đi lại đường sá xa xôi nên em muốn hoàn thành xong việc đăng ký trong ngày đầu tiên”.
Ngày 1/8, thí sinh trên cả nước bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 1 vào các trường đại học.
Tuy nhiên, không phải là trong ngày đầu đăng ký xét tuyển ĐH, thí sinh nào cũng đến trường là nộp hồ sơ luôn như em Lê Thu Hà. Nhiều em đến trường là để nghe ngóng việc tuyển sinh năm nay sẽ như thế nào, có nhiều người cùng đăng ký với ngành với mình hay không.
Thậm chí có thí sinh vẫn ghi phiếu đăng ký thi, điền đầy đủ thông tin mã ngành và các nguyện vọng nhưng chỉ để cho gửi cho các cán bộ đào tạo ở trường ĐH xem xét, đối chiếu xem có sai sót gì trước khi nộp phiếu đăng ký xét tuyển chính thức.
Thí sinh Nguyễn Văn Đông, ở huyện Hoài Đức, Hà Nội viết phiếu đăng ký dự thi vào 2 ngành Kỹ thuật hàng không và Cơ điện tử của ĐH Bách Khoa Hà Nội trong các trường ĐH xét tuyển theo nhóm (GX). Ngoài các nguyện vọng trong nhóm GX, em đăng ký vào Học viện Bưu chính viễn thông.
Mặc dù đã viết đầy đủ thông tin cá nhân và các ngành đăng ký nhưng Đông chỉ nộp giấy đăng ký cho cán bộ tiếp nhận hồ sơ xem giúp có sai sót hay cần bổ sung gì trước khi viết vào bản chính phiếu đăng ký xét tuyển ĐH.
Nguyễn Văn Đông cho biết: “Từ nhà em tới trường chỉ khoảng 30 phút nên hôm nay đến trường chủ yếu là để tham khảo ý kiến, nghe tư vấn chọn ngành phù hợp cũng như thử viết thông tin xem có thiếu sót gì trước khi đăng ký xét tuyển chính thức. Sau ngày hôm nay, em sẽ về trao đổi thêm với gia đình rồi khoảng 1 tuần nữa mới nộp hồ sơ đăng ký xét tuyền vào trường và ngành học”.
Cùng với quan điểm đến trường ĐH trong ngày xét tuyển đầu tiên chỉ để thăm dò và quan sát lượng thí sinh đăng ký thi, thí sinh Đặng Thị Thu Thủy, quê ở Thái Nguyên đã lên Hà Nội từ Chủ nhật nhưng em lại ở nhà của người quen, không ngại đi lại nên chỉ đến trường để nghe ngóng xem năm nay có bao nhiêu thí sinh đăng ký xét tuyển vào khoa Tài chính-ngân hàng của ĐH Kinh tế Quốc dân.
Chia sẻ về ngày đầu đến trường đăng ký xét tuyển, Thu Thủy hồ hởi: “Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay, em đạt 25,5 điểm nên muốn đăng ký vào khoa Tài chính-ngân hàng của ĐH Kinh tế Quốc dân.
Năm ngoái, khoa này lấy 25,25 điểm và thí sinh được rút-nộp hồ sơ đăng ký nên điểm xét tuyển có biến động. Còn năm nay không như vậy nhưng em vẫn muốn đến trường là để quan sát xem có nhiều thí sinh đăng ký vào khoa này không trước khi chọn ngành đăng ký chính thức để đảm bảo xác suất trúng tuyển.
Khẳng định là thí sinh trong ngày đầu tiên đến trường ĐH chỉ để thăm dò ý kiến, quan sát và tham khảo cách thức đăng ký xét tuyển, PGS.TS Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Khảo thí và đảm bảo chất lượng đào tạo (ĐH Giao thông Vận tải) cho biết, trong ngày có hàng trăm thí sinh đến trường để hỏi về đăng ký xét tuyển nhưng chủ yếu là các em đến chỉ để được tư vấn vào ngành học phù hợp với số điểm cũng như phương thức xét tuyển theo nhóm GX.
Mặc dù lượng thí sinh đến trường rất đông nhưng trong buổi sáng, nhà trường chỉ nhận được 120 hồ sơ, buổi chiều khoảng 100 hồ sơ.
Thí sinh không “mặn mà” với đăng ký xét tuyển trực tuyến
Trong các đợt tuyển sinh ĐH năm 2016, ngoài việc được phép đăng ký xét tuyển vào các trường qua đường Bưu điện, thí sinh có thể sử dụng phương thức xét tuyển trực tuyến.
Tuy nhiên, theo quán sát của phóng viên VOV.VN, đa phần thí sinh đến các trường ĐH là để đăng ký xét tuyển bằng cách nộp hồ sơ trực tiếp, chứ không đăng ký xét tuyển trực tuyến.
Thí sinh Ngô Văn Diện, tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Em đến ĐH Giao thông Vận tải để nghe thông tin xét tuyển vào khoa Công nghệ kỹ thuật giao thông. Mặc dù Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn về cách thức đăng ký xét tuyển trực tuyến nhưng em cảm thấy không yên tâm vì nếu chỉ một nút bấm chuột nhầm vào mã ngành hay chọn trường sai là không thể rút lại nguyện vọng được”.
Cũng lo lắng khi thao tác sai có thể sẽ bị mất nguyện vọng, thí sinh Nguyễn Duy Khánh đăng ký vào khoa Quản lý công nghiệp (ĐH Bách Khoa Hà Nội) bày tỏ: “Trong hướng dẫn đăng ký xét tuyển trực tuyến có lưu ý thí sinh cần thận trọng trong muỗi bước đăng ký và xác nhận mã ngành học nhưng em vẫn thấy lo lắng vì có thể mình sẽ quên mất một công đoạn nào đó nên có thể đăng ký sai hay vượt quá nguyện vọng thì sẽ mất cơ hội xét tuyển vào trường khác”.
Không chọn đăng ký xét tuyển trực tuyến vì đến trường còn thăm dò được lượng thí sinh xét tuyển vào từng ngành cũng như có thể nộp luôn được lệ phí, thí sinh Trần Ngọc Anh, quê ở Bắc Giang, đăng ký tuyển sinh vào ĐH Kinh tế Quốc dân chia sẻ: “Khi đăng ký xét tuyển trực tuyến, thí sinh vẫn phải ra bưu điện hay đăng ký chuyển tiền để nộp lệ phí tuyển sinh vào các trường ĐH.
Em không thích như vậy nên chọn đến trực tiếp trường để nộp hồ sơ xét tuyển và đóng tiền đăng ký luôn. Như vậy sẽ đỡ mất nhiều thời gian và không bị rơi vào tâm trạng hồi hộp, lo lắng các nguyện vọng của mình đã đăng ký có được chấp nhận hay không.
Khi nộp hồ sơ trực tiếp ở trường, em sẽ được cán bộ đào tạo cấp cho 1 giấy biên nhận là bằng chứng đã nộp phiếu xét tuyển vào trường. Còn nếu xét tuyển trực tuyến mà phần mềm tuyển sinh có trục trặc gì thì khó có thể biết được là nguyện vọng đăng ký như thế nào. Hơn nữa, em vẫn phải mất công ra bưu điện hay chuyển khoản nộp lệ phí xét tuyển”.
Theo Bộ GD-ĐT, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH sẽ kéo dài đến ngày 12/8. Từ ngày 13-14/8, các trường ĐH phải công bố kết quả xét tuyển cho thí sinh.
Trong vòng 5 ngày (từ 14-19/8), thí sinh nào trúng tuyển vào trường ĐH mà mình đã đăng ký phải đến trường xác nhận sẽ học và nộp bản chính giấy chứng nhận kết quả điểm thi THPT Quốc gia. Nếu thí sinh không nộp bản chính này thì coi như không đăng ký vào học tại trường đó.