Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội tại Việt Nam cao hơn mức trung bình của toàn cầu

Ngày 6/5, tại Hải Phòng, Bộ LĐ-TB&XH với sự hỗ trợ của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức hội thảo rà soát toàn diện cấp quốc gia sau 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, một trong những văn kiện toàn diện nhất của thế giới về bình đẳng giới và trao quyền của phụ nữ.

 

Năm 2020, cả thế giới sẽ kỷ niệm 25 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, đồng thời 5 năm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Tại Việt Nam, năm 2020 cũng là năm cuối cùng của Chiến lược quốc gia đầu tiên về bình đẳng giới và Chính phủ sẽ chuẩn bị chiến lược bình đẳng giới mới trong giai đoạn 2021-2030. Vì vậy, quá trình chuẩn bị trong năm 2019 để đánh giá và rà soát toàn diện việc thực thi bình đẳng giới với sự tham qua của tất cả các bên liên quan là đặc biệt quan trọng.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nêu nhiều nội dung cần phân tích tại Hội thảo 


Thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, thời gian qua Việt Nam đã quyết tâm trong thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh thông qua việc đẩy mạnh công tác lồng ghép giới trong xây dựng và thực thi luật pháp; ban hành chương trình và đề án cụ thể về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của của phụ nữ trong toàn xã hội.  Những nỗ lực này đã giúp cho vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam ngày càng được cải thiện. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1% cao hơn mức trung bình của cả khu vực lẫn toàn cầu. Theo đánh giá của quốc tế, hiện nay, tỷ lệ nữ chủ doanh nghiệp của Việt Nam đạt 31,3% trên tổng số chủ doanh nghiệp. Tỷ lệ tạo việc làm mới cho lao động nữ luôn đạt ở mức hơn 48% trong 5 năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn gặp khó khăn và thách thức trong quá trình thực hiện. Bất bình đẳng giới còn tồn tại rõ rệt trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; nhiều vụ bạo lực và xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái xảy ra có diễn biến hết sức phức tạp; việc xử lý và can thiệp các vụ việc bạo lực này vẫn còn gặp khó khăn và đôi khi chưa được xử lý kịp thời, thỏa đáng đã gây ra bất bình trong xã hội…

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà đề nghị các chuyên gia quốc tế và trong nước, các thành viên Ban soạn thảo và các đại biểu tham dự Hội thảo trên cơ sở rà soát và phân tích số liệu cụ thể tập trung thảo luận vào những kết quả đạt được, vấn đề đặt ra, những khó khăn trong quá trình thực hiện 12 lĩnh vực của Cương lĩnh. Đặc biệt, trong phương hướng thực hiện Cương lĩnh hành động này giai đoạn tiếp theo, cần chú trọng giải pháp truyền thông, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về bình đẳng giới, đề xuất các giải pháp mang tính chiến lược, toàn diện và cụ thể trên các lĩnh vực như giáo dục – đào tạo, sức khoẻ, chống đói nghèo, tạo việc làm và thu nhập để cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống của phụ nữ, ưu tiên thảo luận các giải pháp về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái và thực thi quyền con người của phụ nữ.

Bà Elisa Fernandez, Trưởng văn phòng UN Women Việt Nam.


Là cơ quan hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam soạn thảo báo cáo, bà Elisa Fernandez, Trưởng văn phòng UN Women Việt Nam cho biết “UN Women tin rằng quá trình đánh giá việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh mang đến một cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam để trẻ hóa các cam kết và hành động vì bẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Quá trình xem xét này nên huy động tất cả phụ nữ và nam giới, ở mọi lứa tuổi và hoàn cảnh khác nhau để đảm bảo tiếng nói và nhu cầu khác nhau của tất cả các giới được lắng nghe và loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử. UN Women cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thực thi bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ.”

Với sự tham gia của các đại biểu thuộc Ban soạn thảo của báo cáo quốc gia, các chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu về kinh tế xã hội, các tổ chức xã hội, cơ quan của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức quốc tế, Hội thảo cũng sẽ nâng cao hiểu biết cho các đại biểu về tiêu chuẩn quốc tế đối với việc soạn thảo báo cáo Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, và ghi nhận những quan điểm, kinh nghiệm khác nhau của tất cả các bên trong quá trình thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ ở Việt Nam.