Báo Tiền phong thông tin, rút kinh nghiệm từ vòng chung kết U23 Đông Nam Á vừa diễn ra tại Campuchia hồi tháng trước, ban tổ chức SEA Games 31 đã đưa ra giải pháp để giúp môn bóng đá nam tránh nguy cơ “vỡ trận” vì dịch COVID-19.
Cụ thể, mỗi đội tham dự sẽ được đăng ký danh sách sơ bộ tối đa 50 cầu thủ, trong đó 20 cầu thủ chính thức (bao gồm 3 cầu thủ quá tuổi) và 30 cầu thủ dự phòng trường hợp khẩn cấp. Các cầu thủ thuộc danh sách dự phòng buộc phải dưới 23 tuổi.
Tùy theo khả năng, các đội có thể mang toàn bộ 50 cầu thủ này sang Việt Nam tham dự SEA Games 31. Các cầu thủ dự phòng sẽ được đăng ký nếu có cầu thủ ở đội chính mắc COVID-19. Trong trường hợp 3 cầu thủ quá tuổi bị loại, các đội sẽ phải dùng cầu thủ U23 thay thế.
Quy định này giúp các đội bóng tránh khỏi trường hợp bị xử thua, bỏ giải vì không đủ người thi đấu. Ngoài ra, nó cũng đảm bảo cho họ có đủ cầu thủ dự bị cho mỗi trận đấu và có sự cạnh tranh tốt nhất.
Trong quá khứ, HLV Park Hang-seo từng có nhiều lần tập trung số đông cầu thủ lên đội U23 cũng như tuyển Việt Nam. Vì vậy, quy định mới của SEA Games 31 sẽ giúp HLV người Hàn Quốc thoải mái hơn trong việc tính toán giúp U23 Việt Nam bảo vệ huy chương vàng.
Logo và linh vật của SEA Games 31.
Ban tổ chức SEA Games 31 sẽ bốc thăm chia bảng môn bóng đá nam vào ngày 6/4 tới. Giống như AFF Cup, U23 Việt Nam và U23 Thái Lan nằm cùng nhóm hạt giống nên chắc chắn không gặp nhau tại vòng bảng.
Liên quan đến SEA Games 31, Tạp chí Zing cho hay, U23 Việt Nam và U23 Thái Lan được xếp hạng hạt giống số một. Nhóm 2 gồm Indonesia và Malaysia. Nhóm 3 có Myanmar và Campuchia. Nhóm 4 gồm Philippines và Singapore, nhóm 5 có Lào và Timor Leste.
Vòng bảng sẽ khởi tranh từ ngày 6-16/5. Trong đó, bảng A của U23 Việt Nam sẽ thi đấu vào ngày 6, 8, 10, 13 và 15/5 trên sân Việt Trì (Phú Thọ) và bảng B của Thái Lan tranh vào ngày 7, 9, 11, 14, 16/5 trên sân Thiên Trường (Nam Định).