Lực lượng lao động toàn cầu trong đó có Việt nam đang đứng trước những thách thức lớn từ cuộc cách mạng 4.0, tự động hóa, sử dụng robots, trí tuệ nhân tạo và số hóa. Theo số liệu theo số liệu của tổ chức Manpower Group tự động hóa có thể thay thế 45% tác vụ trong công việc và 5% toàn bộ công việc, theo khảo sát tại 19.000 doanh nghiệp ở 44 quốc gia thì có tới 44% các công ty có kế hoạch tự động hóa một số tác vụ trong 2 năm tới. Đặt ra yêu cầu cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong quá trình dạy và học nghề, để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động.
Nhằm hỗ trợ đổi mới căn bản của giáo dục nghề nghiệp, Chính phủ đã phê duyệt chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 - 2020 , trong đó nội dung "Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp", góp phần thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp cho khoảng 1,35 triệu người (trong đó khoảng 5% đạt ở các cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia) đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập.
Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường nghề theo Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23 tháng 5 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 và khoảng 30 trường chuyên biệt đủ điều kiện để đào tạo cho một số nghề trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế biển và các đối tượng là người dân tộc thiểu số học nội trú, người khuyết tật…
TS. Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kỹ nghệ II cho biết: " Trước bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động trực tiếp đến giáo dục làm thay đổi nội dung, phương thức đào tạo, nghề đào tạo, vị trí việc làm của người học tại doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc vận dụng công nghệ hiện đại có thể xem là giải pháp tối ưu trong việc đào tạo nghề trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".
"Hình thức face to face đang gặp phải một thách thức lớn trong việc cập nhật nội dụng, đáp ứng nhu cầu học tập và yêu cầu đổi mới phương pháp đào tạo. Chính vì vậy, nhằm đổi mới toàn diện công tác đào tạo, trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đã ứng dụng cộng nghệ IoT trong đào tạo, linh hoạt cả về thời gian, địa điểm, nội dung và hình thức học tập", bà Hằng nhấn mạnh.
IoT (Internet of Things) được hiểu là một mạng kết nối các đối tượng vật lý với nhau như: "Thiết bị điện tử, phương tiện giao thông, các tòa nhà; hoặc bất kỳ thiết bị nhúng khác. IoT cho phép các đối tượng được cảm nhận và điều khiển từ xa trên cơ sở hạ tầng mạng hiện có, cho phép tích hợp trực tiếp thế giới vật lý vào hệ thống máy tính, nhằm cải thiện tính hiệu quả, độ chính xác và lợi ích kinh tế".
Các yếu tố cơ bản của công nghệ IoT được ứng dụng trong quá trình đào tạo tại trường Cao đẳng Kỹ nghệ II đó là việc giúp học viên tối ưu hoá khả năng học tập di động, bằng các bài giảng, tài liệu học tập đã được điện tử hóa, sử dụng các thiết bị thông minh trong quá trình giảng và dạy nhằm tăng cường tính trực quan sinh động cho các nội dung đào tạo.
Hệ thống internet được đầu tư bài bản tại các đơn vị trường, bước đầu nhà trường đã triển khai các hoạt động như tuyển sinh, thông tin nhà trường thông qua mạng xã hội, website. Bước đầu đã tạo lập cơ sở dữ liệu số trong việc triển khai các hoạt động của các đơn vị.
Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã lan tỏa trong toàn hệ thống giáo dục nghề nghiệp; bước đầu người học đã tiếp cận được các thông tin về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, theo bà Hằng trước sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, cũng đặt ra không ít thách thức cho hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như: Cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực còn hạn chế. Đa phần học sinh tiếp cận đến học tập tại các trường là đối tượng khó khăn, vùng sâu vùng xa, hệ thống internet ở các vùng nông thôn chưa được triển khai rộng rãi.
Định hướng đào tạo nghề gắn với công nghệ IoT tại trường Cao đẳng Kỹ nghệ II là thành lập phòng truyền thông như một kênh trung tâm để xử lý mọi thông tin, những vấn đề nảy sinh trong quá trình đào tạo; xây dựng hệ thống dữ liệu từng nghề đào tạo theo số hóa; quản lý đào tạo nghề theo hướng số hóa...
Và để làm được điều đó, việc phát triển đội ngũ giáo viên nắm vững công nghệ IoT là điều vô cùng quan trọng, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đồng bộ bộ hóa với công nghệ IoT, ứng dụng công nghệ IoT vào trong dạy học thông qua các lớp học số (tích hợp dạy học trên lớp với dạy học trực tuyến), phát triển mô hình cung cấp thông tin qua SMS, xây dựng chính sách phát triển bền vững ứng dụng công nghệ IoT trong quản lý của nhà trường. Phát triển sàn giao dịch việc làm gắn với công tác đào tạo nghề, giám sát các hoạt động đào tạo nghề thông qua camera.