Lũ quét, sạt lở đất đang là thách thức lớn trong công tác phòng chống thiên tai. Năm 2017, lũ quét và sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của 71 người ở miền núi. Ngay vừa qua, sạt lở đất xảy ra tại Lai Châu, Hà Giang làm 33 người chết, mất tích và thiệt hại kinh tế hơn 500 tỷ đồng.
Lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề tại các tỉnh miền núi phía Bắc.
Hiện nay, tại khu vực miền núi phía Bắc còn hàng ngàn điểm có nguy cơ cao xảy ra trượt lở đất, lũ quét, gây rủi ro lớn về người và tài sản nhất là khi mưa lũ sắp vào mùa cao điểm. Chính vì vậy, việc ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ từ cảnh báo đến sơ tán để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra luôn được ưu tiên hàng đầu.
Theo thống kê của Tổng cục Khí tượng thủy văn, mỗi năm Việt Nam xảy ra khoảng 10 – 15 trận lũ quét, sạt lở đất. Có 4 khu vực thường xuyên xảy ra lũ quét là: Vùng núi phía Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.
Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Đặng Thanh Mai cho biết, mưa lớn luôn là nguyên hân kích hoạt lũ quét, sạt lở đất.
Bà Mai chia sẻ, có một số dấu hiệu cảnh báo lũ quét, sạt lở đất trên thực địa như: Cây cối nghiêng đổ, các vết nứt trên sườn núi, dưới nền nằm gần đường nước chảy, sự chuyển dịch trên mặt sườn đồi núi, những khối lở đất nhỏ, sự bất ngờ tăng hay giảm lưu lượng dòng chảy, sự thay đổi màu sắc của nước, có tiếng mảnh vỡ di chuyển của dòng bùn đá. Tuy nhiên, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra mà không có bất cứ dấu hiệu nào nên luôn phải chuẩn bị sẵn sàng để di chuyển một cách nhanh chóng.
Để tăng cường công tác dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, Bộ TNMT đã tăng mật độ mạng lưới trạm đo mưa tự động và được đặt ở những nơi có nguy cơ sinh ra lũ quét, sạt lở đất. Lắp đặt rada tại vùng có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất. Đồng bộ hóa việc tiếp nhận, xử lý, lưu giữ và truyền tin các loại số liệu đo đạc tự động với số liệu vệ tinh, rada thời tiết. Đồng thời, đầu tư công nghệ hiện đại, tự động cho phép tích hợp các số liệu mưa tự động; thiết lập các hệ thống tự động cảnh báo lũ quét, sạt lở đất ở các vùng có nguy cơ cao kết hợp với nâng cao ý thức, tập huấn cho cộng đồng dân cư khu vực có nguy cơ cao.
Phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia) tổng hợp số liệu, theo dõi diễn biến thời tiết.
Bà Mai cho biết, các biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét tập trung theo hướng phòng là chính, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng.
Ứng phó với lũ quét sạt lở đất thường theo phương châm “phòng hơn chống”. Vì thế, bà Mai đưa ra lời khuyên: Cần nhận biết nguy cơ lũ quét, sạt lở đất thông qua các bản đồ nguy cơ và kế hoạch điều tra khảo sát đã được công bố, tìm hiểu đánh giá mức độ nguy hiểm nơi sinh sống. Không nên xây dựng nhà sát vách sườn núi dốc, bên cạnh hoặc gần đường dẫn nước như suối, lạch. Cần lắng nghe, quan sát các hiệu cảnh quan liên quan đến trượt lở đất, đường thoát lũ.
Cần lập kế hoạch của cá nhân, gia đình để phòng, chống, chuẩn bị cho các trường hợp lũ quét và sạt lở đất. Trang bị cho người dân những kỹ năng thoát hiểm nhanh nhất đến địa điểm an toàn khi có lũ quét và sạt lở đất.
Trong giai đoạn từ 2000 – 20115, đã có hơn 50 dự án, đề tài điều tra, khảo sát nghiên cứu về lũ quét, sạt lở đất. Theo đánh giá của Tổng cục Phòng chống thiên tai, bên cạnh một số thành tựu, các dự án đã và đang thực hiện hiệu quả phục vụ công tác phòng tránh lũ quét chưa cao. Các bản đồ có tỷ lệ nhỏ nên gặp khó khăn khi lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, trượt lở đất. Bên cạnh đó, các giải pháp công trình và phi công trình nhằm phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại lũ quét bùn đá khu vực dân cư miền núi chưa được nghiên cứu một cách tổng thể, tiêu chuẩn hóa và đưa ra được các giải pháp vừa kinh tế, hiệu quả và phù hợp với điều kiện dân cư miền núi.
Một trong những giải pháp được đưa ra là nghiên cứu, hướng dẫn, phổ biến các giải pháp, mô hình công trình và phi công trình hiệu quả với chi phí phù hợp để phòng, chống lũ quét, sạt lở đất.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNN Điện Biên Trần Hà Sơn cho rằng, hoạt động con người đang phá vỡ thảm thực vật là một trong những nguyên nhân gây nên lũ quét, sạt lở đất. "Nếu cứ phá rừng làm thủy điện, nương rẫy, khai thác, đào đường, xây dựng nhà sẽ phá vỡ tự nhiên thì hậu quả trượt sạt, lũ ống, lũ quét sẽ xảy ra. Hơn nữa việc thói quen, tập quán của người dân xây dựng ở ven sông, suối làm cản trở khẩu độ thoát lũ, vì vậy các ngành chức năng cần xem xét di dời, cắm mốc để đảm bảo khẩu độ thoát lũ cho sông suối là cực kỳ quan trọng" - ông Sơn phân tích
Ông Sơn cũng cho rằng, việc triển khai thí điểm các giải pháp phòng chống sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở các tỉnh miền núi phía bắc là rất quan trọng để từ đó có hướng xử lý giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra. Tuy nhiên cũng cần phải xem xét tính thực tế về địa hình, kinh tế để tìm ra các giải pháp phù hợp.
Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhận định: Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy các cấp, ngành triển khai khẩn cấp các giải pháp công trình và phi công trình trong phòng chống rủi ro do lũ quét, sạt lở đất như thí điểm các hệ thống quan trắc, cảnh báo, công nghệ đập ngăn bùn đá… Cảnh báo kịp thời để người dân vùng chịu ảnh hưởng biết, có biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ ứng phó với thiên tai, nhất là trong lĩnh vực quan trắc, giám sát, đánh giá, cảnh báo sớm nguy cơ lũ quét, sạt lở đất…