Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ước mơ lấp lánh sắc màu của trẻ khuyết tật thể hiện qua tranh

Bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH trao giải Nhất cho các em (em Liêu Tuệ Lâm – Cung Thiếu nhi Hà Nội, và em Trần Tuấn Khải – Lớp 7A2, Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội).


Đến tham dự hội nghị có bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH; ông Phùng Quốc Việt – Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em; ông Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục trẻ em; Bà Lê Minh Giang – Giám đốc Làng trẻ em SOS Việt Nam; Ông Vũ Văn Dũng – Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông (Cục Trẻ em); Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - Trưởng ban Giám khảo và các thành viên trong Ban Giám khảo; Ban Tổ chức cuộc thi vẽ tranh; đại diện Hội Bảo vệ quyền Trẻ em VN, các trường đại học liến quan; các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em; các cơ quan thông tấn báo chí, và đặc biệt - các em học sinh đoạt giải cuộc thi vẽ tranh.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: "Cuộc thi đã tạo ra sức lan toả trong đời sống xã hội của chúng ta, nhất là đối với những người yếu thế, những trẻ khuyết tật. Tôi tin rằng sự lan toả và ảnh hưởng truyền thông từ các bài báo viết, báo hình, báo ảnh cùng hàng ngàn tranh vẽ của các em thiếu nhi có ý nghĩa rất thiết thực, đem lại hiệu quả tích cực cho trẻ khuyết tật. Cuộc thi vẽ tranh “Ước mơ vượt khó” về trẻ em khuyết tật năm 2020 và Hội thảo Trị liệu đối với một số nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thông qua hoạt động vẽ tranh là một trong những hoạt động đầu tiên hưởng ứng việc thực hiện Quyết định 1929/QĐ-TTg về Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030.

Cả nước cùng hướng về các trẻ em khuyết tật

Ông Phùng Quốc Việt - Tổng biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em – Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết, sau gần 2 tháng phát động cuộc thi Vẽ tranh “Ước mơ vượt khó” về trẻ em khuyết tật năm 2020, Ban Tổ chức đã nhận được gần 5.000 tranh vẽ của trẻ em ở nhiều tỉnh, thành phố, một số Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội, Làng trẻ em SOS trên toàn quốc gửi về dự thi. Đặc biệt, còn có các em là những đối tượng khuyết tật ở các Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm Công tác xã hội, Làng SOS, Mái ấm... (một số em là người dân tộc ít người như Mông, Sán Dìu, một số em là trẻ tự kỷ...) cũng gửi tác phẩm tham gia dự thi. Các em đã vẽ nên ước mơ về cuộc sống của chính mình. Ban Giám khảo đã lựa chọn được 120 bức tranh từ gần 5.000 bức tranh có hình thức đẹp và giàu ý nghĩa nhân văn, đúng chủ đề dự thi vào vòng chung khảo. Kết quả chấm chung khảo đã chọn lựa được 22 bức tranh xuất sắc nhất của cuộc thi để đề xuất trao giải. Có thể thấy ở cuộc thi này, trẻ em ở 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Bắc Giang và Hải Dương có lượng tranh vẽ dự thi đông đảo và có chất lượng nhất.

Các tranh vẽ vào chung khảo đều có nội dung phản ánh về các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em khuyết tật. Các thông điệp truyền tải trong tranh của các em đều xoay quanh ước muốn được yêu thương, giúp đỡ và chăm sóc về sức khỏe, giáo dục, dinh dưỡng, vui chơi giải trí, không phân biệt kỳ thị… với những khát khao ước muốn thật dung dị, đời thường là được sống trong môi trường yêu thương, hoạt động, học tập, vui chơi… giống như những trẻ em bình thường khác.

Ông Phùng Quốc Việt – Tổng biên tập Tạp chí GĐ&TE – Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi và Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi trao 04 Giải Nhì cho các em.

Cuộc thi là tín hiệu nhân văn lay động ý thức của cộng đồng dành cho trẻ khuyết tật

Họa sỹ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi chân thành chia sẻ: “Tôi rất xúc động cảm nhận rõ những tình cảm hồn nhiên, sâu sắc, những cử chỉ nhân văn từ trong ý nghĩ của các em thổi hồn qua nét vẽ trong tranh. Qua đó thấy được tình cảm của những người bạn nhỏ với nhau rất đằm thắm, cứ yên lặng mà đằm thắm thể hiện qua từng tác phẩm, cũng là sự chia sẻ với những bạn nhỏ cùng trang lứa với mình không may bị khuyết tật. Có lẽ đây là tiếng lòng đẹp đẽ nhất của tất cả chúng ta dành cho trẻ em khuyết tật. Tôi nghĩ tiếng nói của thị giác bao giờ cũng có xúc cảm mạnh mẽ nhất đến với tất cả mọi người. Cuộc thi diễn ra trong gần 2 tháng, bằng sự công tâm của BGK, cân nhắc lựa chọn để có thể tìm ra tác phẩm đại diện cho tất cả những tấm lòng của các em học sinh trên cả nước cùng hướng về các trẻ em khuyết tật, thể hiện những ước ao của các em khuyết tật. Tôi nghĩ rằng, cuộc thi còn là dịp để các em chia sẻ tình cảm, tấm lòng của mình tới các bạn bè bị thiệt thòi, đó là ý nghĩa nhân văn mà Bộ LĐTBXH nên tiếp tục duy trì thường niên”.

Ông Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội – thành viên BGK và bà Nguyễn Thị Nga – Phó Cục trưởng Cục Trẻ em trao 06 giải Ba cho các em.


Cuộc thi là một trong những hoạt động đầu tiên hưởng ứng việc thực hiện Quyết định 1929/QĐ-TTg 

Bà Nguyễn Thị Hà – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH chia sẻ, lễ trao giải lần này là lần thứ ba, tôi tin và hi vọng cuộc thi cũng đã tạo ra sức ảnh hưởng lan toả trong đời sống xã hội của chúng ta, nhất là đối với những người yếu thế, những trẻ khuyết tật. Tôi tin rằng sự lan toả và ảnh hưởng truyền thông từ các bài báo viết, báo hình, báo ảnh cùng hàng ngàn tranh vẽ của các em thiếu nhi có ý nghĩa rất thiết thực, đem lại hiệu quả tích cực cho trẻ khuyết tật. Tôi nghĩ rằng cuộc thi vẽ tranh “Ước mơ vượt khó” về trẻ em khuyết tật năm 2020 và Hội thảo Trị liệu đối với một số nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thông qua hoạt động vẽ tranh là một trong những hoạt động đầu tiên hưởng ứng việc thực hiện Quyết định 1929/QĐ-TTg về Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030.

 

Em Nguyễn Ngọc Minh Châu, lớp 7A4, Trường THCS thị trấn Đồi Ngô, số 1 Bắc Giang và tác phẩm đoạt giải của mình.

“Em mong các bạn khuyết tật thực hiện được những ước mơ bừng sáng” em Nguyễn Ngọc Minh Châu, lớp 7A4, Trường THCS thị trấn Đồi Ngô, số 1 Bắc Giang, không giấu được niềm vui khi nhận giải Nhì với tác phẩm “Hòa ca cuộc sống”. Em thổ lộ, em vẽ các bạn khuyết tật cũng hoàn toàn có thể thực hiện được những ước mơ bừng sáng như những bạn bình thường như đọc sách, đi lại được, và bộc lộ năng khiếu nghệ thuật vẽ, đàn hát, giống như các bạn đang được hòa ca trong những nốt nhạc hạnh phúc, để cùng hát lên bản nhạc rực rỡ sắc màu. Qua tranh, em muốn tất cả các bạn thiếu nhi đều có động lực vươn lên để đạt được ước mơ của mình, và có tương lai tốt đẹp.

Không khí đầm ấm, vui vẻ trong Lễ trao giải Cuộc thi.

Họa sĩ Mai Thị Ngọc Oanh - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó Trưởng  Ban Giám khảo Thường trực và ông Vũ Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Truyền thông (Cục Trẻ em) trao giải Khuyến khích cho 7 trong số 10  tác giả đoạt giải.


Họa sĩ Tô Chiêm - Hội mỹ thuật VN và Họa sĩ Nguyễn Xuân Quang - Tạp chí Gia đình và Trẻ em tặng Giấy khen cho Trường THCS Lương Yên và Trường Tiểu học Tây Sơn (Hà Nội) là 2 tập thể có nhiều tranh gửi dự thi nhất.


Bà Nguyễn Thúy Hằng - Phó Tổng Biên tập Tạp chí Gia đình và Trẻ em - Phó Trưởng ban Tổ chức Thường trực cuộc thi, Thành viên Ban Giám khảo tặng Giấy khen cho em Quách Bảo Anh, lớp 1H, Trường Tiểu học Kim Liên, Q. Đống Đa. Hà Nội là tác giả nhỏ tuổi nhất (6 tuổi) có tranh vẽ dự thi chất lượng, đồng thời đoạt giải Ba của cuộc thi.

Các tác giả đoạt giải chụp ảnh lưu niệm cùng Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi, Ban Tổ chức, Ban Giám khảo và các đại biểu tham dự Lễ trao giải.


Cuộc thi là tín hiệu nhân văn lay động ý thức của cộng đồng xã hội dành cho trẻ em khuyết tật Việt Nam. Chúng ta hãy cố gắng tạo mọi điều kiện tốt nhất để động viên khích lệ cho các em khuyết tật vươn lên.

Hồng Nga. Ảnh Thuỳ Hương, Tống Giáp, Hoàng Hiếu/TC GĐ&TE