Trả lời câu hỏi này, luật sư Vũ Văn Biên, Giám đốc Công ty Luật An Phước cho biết, điểm c khoản 2 Điều 6 Thông tư 32/2023/TT-BCA quy định, các tuyến đường làng/xã thuộc tuyến đường, địa bàn tuần tra, kiểm soát của công an cấp huyện.
Do đó, công an cấp huyện sẽ có quyền xử lý các vi phạm về hành chính của người dân khi tham gia giao thông ở đường làng.
Vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông là một trong những lỗi mà cảnh sát giao thông (CSGT) có thẩm quyền xử lý.
"Vì thế việc sử dụng rượu bia sau đó đi chúc Tết bằng xe máy ở đường làng (hoặc điều khiển phương tiện giao thông khác) như câu hỏi của bạn Long ở trên là vi phạm pháp luật giao thông, theo thẩm quyền thì lực lượng CSGT có quyền xử phạt", luật sư Biên nói.
Mức phạt người đi xe máy vi phạm nồng độ cồn
Về mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn với người điều khiển xe máy, luật sư Vũ Văn Biên cho biết, có ba mức xử lý khác nhau.
Cụ thể, phạt tiền từ 2–3 triệu đồng đối nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 10-12 tháng.
Phạt tiền từ 4-5 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 16-18 tháng.
Phạt tiền từ 6-8 triệu đồng đối nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.
"Lỗi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đang được lực lượng CSGT tập trung cao điểm xử lý. Chính vì để tránh mất tiền, tránh bị tạm giữ phương tiện, tạm giữ bằng lái dịp đầu năm thì mọi người nên tuân thủ nghiêm quy định "đã uống rượu, bia thì không lái xe", luật sư Vũ Văn Biên đưa ra lời khuyên.