Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ưu tiên nguồn lực giải quyết các nhu cầu cấp thiết đối với người có công

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong tổng thể các hoạt động kỷ niệm 72 năm ngày thương binh liệt sỹ, ngày 25.7, Chính phủ tổ chức cuộc gặp mặt, tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc với sự tham dự của 500 thương binh nặng, đại diện cho 12.000 thương binh nặng, mất sức lao động từ 81% trở lên. “Có thể nói rằng đây là một cuộc gặp mặt có ý nghĩa lịch sử, rất xúc động, cuộc gặp mặt của những người thương binh nặng, những người đã chiến thắng bệnh tật. 500 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc là những tấm gương tiêu biểu trong thương binh, trong gia đình chính sách và người có công, những người đã vượt qua thương tật, vươn lên trong cuộc sống để sống vui, sống khỏe, sống có ích. Nhiều trường hợp đã trở thành những tấm gương làm kinh tế giỏi, trở thành doanh nhân, tạo công ăn việc làm cho con cháu của đồng đội và các gia đình chính sách trên địa bàn, nhiều trường hợp trực tiếp tham gia việc tìm kiếm, quy tập hài cốt của đồng đội, tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện... Đây là những điển hình trong phong trào thi đua yêu nước, có sức lan tỏa và lay động trong xã hội", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
 

 

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn ưu tiên nguồn lực để thực hiện chính sách đối với người có công
 
Chia sẻ tại cuộc gặp mặt, đại diện các thương binh nặng cho biết, dù bị thương tật thế nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều luôn khắc ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thương binh tàn nhưng không phế”. Khi trở về địa phương, các thương binh, bệnh binh luôn xác định phải cố gắng vượt qua khó khăn, chăm lo tăng gia sản xuất để giúp mình và gia đình.
 
“Trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, chúng tôi đóng góp một phần máu thịt và xác định đó là niềm hạnh phúc khi được cống hiến cho tổ quốc. Kết thúc chiến tranh, dù thù trong giặc ngoài vẫn còn, cả dân tộc gồng lên chống đói nghèo, chúng tôi xác định  phải vượt khó khăn, tự lo cho bản thân và gia đình, tích cực tham gia công tác tại địa phương.  Dù ở lĩnh vực nào khó khăn đến mấy, thương binh chúng tôi vẫn xác định vươn lên”, ông Nguyễn Văn Thuận, thương binh nặng ở quận Ngô Quyền-Hải Phòng nói.
 
 
 
Đề đạt nguyện vọng với Chủ tịch Quốc hội, ông Phạm Bá Bẩy, thương binh1/4 ở Chí Linh, Hải Dương bày tỏ mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội sẽ tiếp tục thực hiện chính sách đối với người có công, hỗ trợ thương binh nặng,  đặc biệt là quan tâm thực hiện chính sách dành cho các thế hệ thứ hai, thứ ba bị nhiễm chất độc hóa học...
 
 
 

Chủ tịch Quốc hội tặng quà cho các thương binh nặng tại buổi gặp mặt
 
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ xúc động được gặp mặt các đại biểu thương binh nặng tiêu biểu và  trân trọng gửi lời thăm hỏi, tri ân sâu sắc tới tất cả các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng trong cả nước.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn coi trọng, quan tâm, chăm lo, thực hiện đền ơn, đáp nghĩa đối với người có công và gia đình có công với cách mạng. Hệ thống chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công với nước đã từng bước được hoàn thiện. Đối tượng người có công ngày càng mở rộng, chế độ ưu đãi được từng bước nâng cao gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội và luôn là chính sách ưu đãi nhất và bảo đảm ngày một tốt hơn đời sống của thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng được xã hội đồng thuận cao. Năm 2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng và đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 100% gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.
 
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chụp ảnh lưu niệm cùng các thương binh
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và biểu dương nghị lực, ý chí vươn lên của các thương binh, bệnh binh, thân nhân gia đình người có công với cách mạng, đặc biệt là vợ, chồng, con em, những người đã và đã trực tiếp chăm sóc, động viên các đồng chí thương binh, bệnh binh.
 
Chủ tịch Quốc hội cũng biểu dương và đánh giá cao kết quả thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, tri ân người có công với cách mạng của các cấp, các ngành, cơ quan, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương; đánh giá cao những cố gắng, sự tích cực và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là Bộ LĐ-TB&XH trong việc tham mưu cho Nhà nước ban hành kịp thời các chính sách ưu đãi người có công.
 
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung với các đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc
 

“Kỷ niệm 72 năm Ngày thương binh, liệt sĩ năm nay đúng vào dịp toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang sôi nổi tổ chức các hoạt động thi đua hướng tới kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi mong rằng các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể cùng các thương binh, bệnh binh, gia đình các đồng chí càng thêm thấm nhuần và thực hiện tốt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác thương binh, liệt sĩ, chăm lo tốt hơn nữa thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng. Các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm các đồng chí thương binh nặng, các gia đình người có công hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa, người có công có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số … Ưu tiên nguồn lực giải quyết các nhu cầu cấp thiết đối với người có công, đẩy mạnh phong trào xã hội hóa, chăm lo đối với người có công với cách mạng”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh. 

Theo Châu Giang - Mạnh Dũng/Baodansinh.vn