Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Ưu tiên thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh biến đổi khí hậu

(Dân sinh) - Khóa họp thường kỳ lần thứ 42 Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc diễn ra từ 9 - 27/9/2019 tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Giơnevơ (Thụy Sỹ) dự kiến thông qua hơn 25 dự thảo nghị quyết về các vấn đề đa dạng liên quan đến quyền con người.

Khóa họp có sự tham dự của đại diện 47 nước thành viên, hơn 100 nước quan sát viên, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ.

Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Khóa họp.

Bà Michelle Bachelet, Cao ủy nhân quyền Liên hợp quốc một lần nữa khẳng định ưu tiên thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh biển đổi khí hậu. Bà Bachelet cho rằng, chưa bao giờ thế giới phải đối mặt với thách thức lớn như hiện nay. Biến đổi khí hậu là tác nhân thúc đẩy nạn đói, di cư, làm trầm trọng thêm các cuộc xung đột, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và làm tăng bất bình đẳng, căng thẳng xã hội…

Biến đổi khí hậu tác động mạnh đến việc thụ hưởng quyền của tất cả mọi người, đặc biệt phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương, ở tất cả các nước và khu vực. Bà cho rằng đây là vấn đề không một nước riêng lẻ nào có thể giải quyết mà cần thúc đẩy hợp tác, sự chung tay của tất cả các nước và các đối tác, thông qua các cam kết mạnh mẽ, các biện pháp sử dụng các nguồn lực tự nhiên một cách sáng tạo.

Bà Bachelet cho rằng Hội đồng nhân quyền LHQ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc đối phó với biến đổi khí hậu. Bà nêu năm điểm có thể định hướng cho hành động của Hội đồng trong lĩnh vực, bao gồm: nhận thức rõ biến đổi khí hậu tác động xấu đến thụ hưởng các quyền, phát triển và hòa bình; khuyến khích sự tham gia rộng rãi và tích cực của các chủ thể khác nhau, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, người bị tác động trực tiếp bởi biến đổi khí hậu như phụ nữ, người bản địa; bảo vệ những người hoạt động bảo vệ môi trường, bao gồm thông qua hợp tác với các cơ quan LHQ về môi trường, thúc đẩy các sáng kiến liên khu vực về vấn đề này;

Tăng cường hỗ trợ các nước đảo nhỏ, vốn bị tác động nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu, trong các nỗ lực của các nước này nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm cả lồng ghép yếu tố quyền con người trong các chương trình nghị sự về biến đổi khí hậu của các nước; huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, thông qua các cam kết tự nguyện của doanh nghiệp, cũng như xây dựng các Kế hoạch hành động quốc gia về doanh nghiệp và quyền con người để điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp.

Bên cạnh tập trung đề cập về biến đổi khí hậu, Cao ủy cũng bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền cụ thể tại một số nơi trên thế giới như căng thẳng tại Kashmir, biểu tình hòa bình tại Hồng Công (Trung Quốc), trẻ em các gia đình di cư ở Hoa Kỳ, Mexico, vấn đề người di cư quanh Địa Trung Hải.

Tại Đông Nam Á, bà bày tỏ quan ngại về tình hình người Rohynga tại Myanmar và tình hình Campuchia. Đồng thời, bà cũng hoan nghênh các tiến bộ về bảo đảm quyền con người tại các nước và khu vực khác như thỏa thuận trao trả tù binh giữa Nga và Ukraina, thỏa thuận chính trị tại Sudan...

Bày tỏ tin tưởng với sự hợp tác, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ, các nước sẽ bảo vệ được những thành quả về bảo đảm quyền con người trước đây, bà Bachelet tin tưởng, sẽ cùng nhau vượt qua được các thách thức hiện tại, bao gồm cả thách thức về biến đổi khí hậu, hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

Theo chương trình nghị sự, Khoá họp có ba phiên thảo luận chuyên đề về các chủ đề như bảo đảm quyền con người trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt đơn phương, quyền người bản địa, lồng ghép cách tiếp cận về giới trong công việc của Hội đồng nhân quyền.

Đồng thời tổ chức đối thoại về quyền của người cao tuổi, quyền nước sạch và vệ sinh, các biện pháp trừng phạt đơn phương, tình hình nhân quyền tại Myanmar… và xem xét thông qua các báo cáo cuối cùng của Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát của 14 nước.