Từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Về các vấn đề xã hội đổi tên thành Ủy ban Xã hội.
Chiều tối ngày 21/7, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã dự Phiên họp toàn thể lần thứ nhất của Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh chủ trì Phiên họp. Tham dự phiên họp có: Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan; Thường trực Ủy ban và các thành viên Ủy ban Xã hội và một số đại biểu Quốc hội Khóa XIV.
Thay mặt Lãnh đạo Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chúc mừng Chủ nhiệm, Thường trực và các thành viên Ủy ban Xã hội nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV bắt đầu trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân, toàn dân triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta.
Đặc biệt, đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.
"Trong bối cảnh đó, vấn đề phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải giải quyết tốt những vấn đề xã hội như: y tế, việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội, người có công, bình đẳng giới… nhằm đáp ứng những nhu cầu thiết yếu và cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm công bằng xã hội", ông Mẫn nhấn mạnh.
Theo đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Ủy ban Xã hội tập trung nghiên cứu đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, định hướng, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực xã hội và liên quan trực tiếp đến lĩnh vực của Ủy ban;
Thúc đẩy các dự án luật kịp thời thể chế hóa các Nghị quyết của Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết liên quan về tăng cường công tác bảo vệ, nâng cao và chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới; cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp; cải cách chính sách bảo hiểm xã hội...
Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan hữu quan nhằm xây dựng định hướng công tác lập pháp cả nhiệm kỳ với lộ trình phù hợp và có thứ tự ưu tiên để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; thúc đẩy đánh giá tác động xã hội và tác động giới của chính sách trong tất cả các đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh.
Đồng thời, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong hoạt động thẩm tra, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh; các hoạt động nghiên cứu độc lập, đánh giá dựa trên bằng chứng, tham vấn công chúng, thẩm tra ...
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng lưu ý, Ủy ban cần quan tâm hoạt động giám sát, khảo sát việc thực hiện các quy định về hỗ trợ người lao động, đối tượng bảo trợ xã hội bị ảnh hưởng bởi đại dịch;
Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 đến việc thực hiện chính sách trong các lĩnh vực mà Ủy ban được giao phụ trách để tham mưu cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có các quyết sách kịp thời và hiệu quả.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội tin tưởng: "Với những thành quả và kinh nghiệm của Ủy ban các nhiệm kỳ trước đây, Ủy ban Xã hội sẽ có nhiều đổi mới trong cách thức hoạt động; mỗi thành viên Ủy ban sẽ là cầu nối phản ánh ý chí, nguyện vọng của Nhân dân trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực xã hội, nhằm mục tiêu thúc đẩy tiến bộ và công bằng và xã hội".
Tại Phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thuý Anh nhiệt liệt chào mừng 46 thành viên Uỷ ban Xã hội khoá XV; mong muốn các thành viên Ủy ban tiếp tục phát huy trí tuệ, tâm huyết để Ủy ban hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền.
Phiên họp đầu tiên này, Uỷ ban tiến hành thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;
Đồng thời, xem xét cho ý kiến dự thảo báo cáo của uỷ ban về các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu ảnh hưởng của Covid-19.