Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

V-League 2021: Mối lo nhất là dịch Covid-19

(Dân sinh) - V-League 2020 về đích thành công trong tiếng thở phào nhẹ nhõm của nhà tổ chức, tuy nhiên năm 2021 được dự báo có khó khăn, thách thức hơn, vì thế công tác chuẩn bị đã được công ty VPF sẵn sàng ngay từ thời điểm này.

Bóng lăn sớm

Mùa giải 2021 dự kiến lăn bóng bằng trận Siêu cúp Quốc gia 2020 Viettel vs Hà Nội FC trên sân Hàng Đẫy, ngày 9/1/2021. V-League dự kiến khai mạc ngày 16/1/2021, trong khi khoá sổ mùa giải 2021 bằng trận chung kết Cup Quốc gia vào 30/9/2021.

V-League 2021: Lo nhất dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Theo điều lệ, các đội bóng được phép đăng ký 3 cầu thủ ngoại và một cầu thủ nhập tịch. Riêng 3 đội Viettel, Hà Nội và Sài Gòn được đăng ký tối đa 4 cầu thủ nước ngoài do tham dự các giải đấu châu lục cấp CLB.

Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cho biết: "Một số CLB đề xuất khởi tranh V-League sau Tết. Tuy nhiên, quỹ thời gian còn lại hạn hẹp, nếu có những điều kiện bất khả kháng xảy ra, thì việc lùi ngày khai mạc là không đủ để tổ chức các giải đấu. Ngay cả  khi AFF Cup lùi lại tới cuối năm nhưng quỹ thời gian không thay đổi nhiều lắm vì vẫn phải dành cho 3 CLB Việt Nam tham dự cúp châu Á".

Công tác chuẩn bị đang được VPF tiến hành khẩn trương, dẫu vậy, với tình hình hiện tại, những nhà tổ chức đang khá lo lắng cho mùa giải mới với nhiều yếu tố khách quan tác động tới giải đấu.

"Có hai khó khăn là dịch bệnh Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát, nguy cơ giải phải huỷ là có. Tiếp theo là quỹ thời gian của giải ít do có nhiều giải đấu của các đội tuyển 2020 chuyển sang 2021. Mùa giải 2021 chúng tôi phải bắt đầu sớm, ngay từ tháng 1", ông Trần Anh Tú chia sẻ.

Tuy nhiên, người đứng đầu của VPF cũng cho rằng nếu dịch Covid-19 khiến các giải quốc tế không diễn ra, thì V-League có thêm thời gian để tổ chức. Vì thế lịch thi đấu sẽ thay đổi tuỳ tình hình.

Hiện tại, AFF Cup 2021 đã phải lùi tới cuối năm vì dịch Covid-19, để lại một khoảng trống cho các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian này các đội Viettel, Hà Nội và Sài Gòn lại tham dự đấu trường châu Á, nên việc sắp xếp lịch rất khó khăn.

"Lịch thi đấu căn cứ vào kế hoạch của các ĐTQG cũng như 3 đội bóng tham dự cúp châu lục là Viettel, Hà Nội và Sài Gòn. Tuy nhiên, điều lo lắng nhất là dịch Covid-19 rất khó lường trước. Nếu Covid-19 xảy ra, liệu các đội tuyển có tham dự giải quốc tế có được không? Khi đó, chúng tôi sẽ bù thời gian của các đội tuyển cho V-League. Dù thế nào thì thời điểm này, khó nói được điều gì vì các yếu tố chưa xảy ra, nhưng chúng tôi đã dự đoán nhiều tình huống để có sự chuẩn bị", ông Trần Anh Tú cho hay.

Tranh cãi thể thức thi đấu

Mùa giải 2021 tiếp tục thi đấu với thế thức như năm 2020. Theo đó, các đội thi đấu 2 giai đoạn (vòng tròn 1 lượt ở mỗi giai đoạn để tính điểm xếp hạng). Sau giai đoạn 1, căn cứ vào kết quả, có 6 đội đứng đầu được xếp vào nhóm A, trong khi nhóm B là 8 đội bóng còn lại.

"Thể thức thi đấu đến thời điểm này chúng tôi xác định giống như năm 2020. Về số đội xuống hạng, các đội hạng Nhất mong muốn có 2 suất, tuy nhiên cuối cùng VFF đã quyết định có 1,5 suất để giảm bớt căng thẳng cho cuộc đua xuống hạng của các đội ở V-League. Đó cũng là lý do từ giai đoạn 2, nhóm B có 8 đội thay vì 6 đội như mùa trước", ông Trần Anh Tú cho biết.

Tuy nhiên, quyết định trên đang tạo nên sự tranh cãi ở các đội bóng. Khá nhiều HLV đang dẫn dắt các đội bóng V-League mong muốn V-League có thể thi đấu với thể thức cũ, gồm 2 lượt đi-về. Trong số này có thể kể tới các HLV Phạm Minh Đức (Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) hay Chu Đình Nghiêm (CLB Hà Nội)… Lý do, thể thức đá 2 lượt đi-về có tính phổ biến với các giải bóng đá VĐQG trên thế giới, đảm bảo số trận đấu cần thiết cho cầu thủ. Những đội bóng có chiều sâu lực lượng, chuẩn bị tốt cũng thích phương án này hơn.

Tuy nhiên, các ý kiến còn lại cho rằng phương thức thi đấu hiện tại có ưu điểm hạn chế tốt hơn tình trạng xin - cho giữa các đội bóng ở lượt đi, khiến cuộc đua vô địch căng thẳng hơn nhưng đồng thời cũng làm giảm số trận đấu các CLB. Trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn, quỹ thời gian năm 2021 lại khá eo hẹp, các thành viên Ban chấp hành VFF đã nghiêng về phương án tiếp tục áp dụng thể thức phân nhóm như V-League 2020.

Liên quan tới công tác trọng tài chịu nhiều điều tiếng ở mùa giải 2020, ông Trần Anh Tú thừa nhận các trọng tài có nhiều sai sót, và việc phải nâng cấp chất lượng Vua áo đen cũng như công tác phân công trọng tài là rất cấp bách.

"Năm 2020 công tác trọng tài có nhiều sai sót, tuy nhiên sau khi tập huấn giữa mùa giải, chất lượng trọng tài tốt hơn, sai sót ít hơn. Lực lượng trọng tài hiện nay mỏng, có nhiều trọng tài từ hạng Nhất được đôn lên, có ít kinh nghiệm. Dù vậy quan điểm của VFF là hạn chế thuê trọng tài ngoại, vẫn sử dụng trọng tài nội.

VPF luôn phối hợp, hợp tác với Ban trọng tài, tất nhiên việc đào tạo, nâng cấp trọng tài là công việc của VFF. Chúng tôi hy vọng nâng chất lượng trọng tài để giảm thiểu sai sót ở những mùa giải tới", ông Trần Anh Tú nhấn mạnh.

Ngay vòng 1 V-League 2021, tân thuyền trưởng Kiatisuk đã bị thử thách khi HAGL phải làm khách tại Thống Nhất trước "hiện tượng" mùa 2020 Sài Gòn FC. 6 cặp đấu còn lại, Hà Nội đụng đối thủ duyên nợ Nam Định, SHB Đà Nẵng tiếp TPHCM, ĐKVĐ Viettel gặp Hải Phòng, Hà Tĩnh gặp Than Quảng Ninh, Bình Dương gặp Thanh Hoá và SLNA tiếp tân binh Bình Định.