Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

“Và Tết là hi vọng” – Bức tranh chân thực Tết thời bao cấp

Tết một thời khốn khó, nhưng cũng nhiều ký ức đẹp sẽ được tái hiện trong chương trình “Và Tết là hy vọng” phát sóng vào 21h ngày 6/2 (tức 28 Tết) trên kênh VTV1 và 20h ngày 8/2 (mùng 1 Tết) trên VTV6.

 

Tái hiện ký ức một thời

Chương trình đặc biệt mang tên “Và Tết là hy vọng” do Ban Thanh thiếu niên (VTV6) thực hiện, có kết cấu theo các chương hồi, được thực hiện tại nhiều không gian khác nhau, với những nhân chứng tiêu biểu và các hiện vật đặc trưng nhất của xã hội Việt Nam 30 năm trước. Theo đó, cùng với chương trình, khán giả sẽ được tham gia hành trình tìm lại ký ức của một giai đoạn “gừng cay muối mặn”, “cái gì cũng rẻ/chỉ có đắt nhất tình người thôi!” với những nghệ sĩ nổi tiếng đã từng sống, trải nghiệm trong hành trình ấy: Vợ chồng nghệ sĩ Chí Trung – Ngọc Huyền, nhà báo Vũ Công Lập, nhà thiết kế Đức Hùng, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, đạo diễn Quốc Trọng,...

 

 

Những mảnh ký ức của các khách mời sẽ đưa khán giả tới không khí hân hoan rộn rã ở khu tập thể với các gia đình chuẩn bị luộc bánh chưng và nấu cỗ Tết, cắm hoa trang trí, trẻ con thử áo mới, hàng xóm cắt tóc ngoài sân. Ở vòi máy nước, nhà thì rửa lá dong, nhà thì nhớn nhác vì mất sổ gạo. Tết nhất đơn sơ, tằn tiện; thức ăn đạm bạc; cái bếp nhỏ hẹp, nước ri rỉ mãi mới chảy ra một giọt... Khán giả chắc hẳn sẽ vô cùng bất ngờ trước câu chuyện của vợ chồng nghệ sĩ Chí Trung – Ngọc Huyền về đêm tân hôn trong căn phòng vỏn vẹn 7m2 với... 3 cặp vợ chồng khác.

 

 

Khó khăn là thế ấy vậy mà, nghe tin tối nay có liên hoan văn nghệ là tất cả mọi cư dân lại cùng hồ hởi kê dọn không gian chung, trang hoàng sân khấu.

Còn tại một khu khác, nhà báo Vũ Công Lập lại cười ra nước mắt với những đề tài luận án tiến sĩ về... phương pháp chia thịt lợn, với những kỹ sư nông nghiệp, giáo sư toán học... sau giờ nghiên cứu lại về nhà bận rộn tắm cho... thủ trưởng lợn. Trong khi ấy, ở phương xa, người lao động, nghiên cứu sinh/chuyên gia đi học nước ngoài... chắt chiu gom góp cố gắng mua đồ Tây gửi về nước với tâm trạng nhớ nhà, nhớ người thân.

 

 

“Tết bao cấp” cũng là khoảng thời gian gắn chặt với đủ mọi vấn đề phát sinh từ tem phiếu thực phẩm, những điều không hợp lý trong nguyên tắc tưởng chừng rất hợp lý giữa cuộc sống khốn khó nói chung... Tuy vậy, dẫu trong muôn vàn gian khổ, bố mẹ, ông bà vẫn luôn nhường cơm sẻ áo, dành dụm hết mọi điều tốt đẹp cho con cháu. Còn nếu mất điện, làng xóm lại nhen thêm tình nghĩa “tối lửa tắt đèn” có nhau, quây quần chung vui trong những cái “Tết đèn dầu” ấm áp sum vầy... Cuộc sống thời bao cấp là thế đó. Khốn khó là vậy nhưng luôn ấp áp tình người để mỗi khi kể lại, “người lớn thì thấy nhớ, lớp trẻ thấy thương”.

Với kỳ vọng sẽ tái hiện lại một không gian “bao cấp” chân thực nhất, ê-kip thực hiện chương trình đã mời đến đạo diễn Quốc Trọng – người từng thành công với bộ phim về thời kỳ này “Bí thư tỉnh ủy”. Cả một khu tập thể cũ kỹ, những cửa hàng mậu dịch, những chiếc máy nước cũ,... sẽ góp phần khơi gợi lại những miền cảm xúc ăm ắp chỉ chực trào ra của mỗi người xem truyền hình.

Tết thời tem phiếu- ký ức khó phai

Với mỗi con người Việt Nam, từ “Tết” luôn là một thanh âm rạng rỡ sau cả năm trời miệt mài làm việc, phấn đấu để đạt được mục tiêu trong cuộc đời mình. Trong những ngày ấy, người ta có thể quên đi rất nhiều thứ, rất nhiều điều chưa hài lòng, rất nhiều việc còn dở dang... Thế nhưng, cảm xúc của những ngày Tết luôn là một chặng dừng quan trọng của thời gian. Ở đó, người ta có xu hướng nhớ về quá khứ, nhớ về bao điều có thể một thời rất khốn khó và bế tắc. Và thật kỳ lạ là, khi nhìn lại, dù quá khứ có khó khăn đến đâu thì vẫn luôn có giá trị nâng đỡ, khích lệ, thúc đẩy con người sống tốt đẹp hơn.

 

Tết 2016 cũng sẽ là một chặng dừng đáng nhớ. Bởi nó là dấu mốc 30 năm khi quay ngược thời gian về năm 1986 – thời điểm được rất nhiều người Việt Nam ghi dấu trong ký ức của mình với hai chữ “Đổi mới”. Những kỷ niệm thời tem phiếu và những khốn khó đã trải của cuộc chuyển mình sẽ là một phần ký ức không thể quên được của cả mấy thế hệ người Việt. Và 30 năm sau, giữa những ngày Tết sung túc hơn, chúng ta cùng nhau nhớ lại từng năm tháng khó khăn để thấy rằng: trong mọi chông gai, thử thách, nghiệt ngã nhất của cuộc sống, tình người luôn là thứ tồn tại sau cùng, duy nhất. Bởi chính những ân tình giản dị giữa người với người mới là đôi cánh nâng đỡ mọi hy vọng: hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân quần vững vàng bản lĩnh hơn, xã hội văn minh hơn... Và cứ thế, “ Tết nghĩa là hy vọng!”