Theo ông Nguyễn Văn Ngai, Nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cần phải có một giải pháp đồng bộ của người lớn (gia đình, nhà trường, các tổ chức xã hội...) từ việc quan tâm giáo dục trẻ biết nói lời hay, chuẩn mực khi còn bé, lúc còn học ở trường, khi tham gia các hoạt động xã hội.
Cụ thể, gia đình là nơi đầu tiên giúp trẻ hình thành nền móng về nhân cách, đạo đức cho trẻ, trong đó có việc giúp trẻ nói lời hay, không nói lời xấu đối với trẻ nhỏ và uốn nắn, giúp đỡ trẻ lớn chỉnh sửa tật nói tục, chửi thề (nếu các em có vi phạm).
Về phía Bộ GD-ĐT, ông Ngai cho rằng cần cho rà soát lại sách giáo khoa môn Đạo đức (ở bậc tiểu học), Giáo dục công dân (ở bậc trung học) để bổ sung, chỉnh lý những nội dung phù hợp với lứa tuổi như: Giảm những nội dung chưa cần thiết theo lứa tuổi, giảm lý thuyết, tăng cường rèn luyện kỹ năng sống, trong đó có kỹ năng giao tiếp ứng xử bằng ngôn từ có văn hoá.
(Ảnh minh họa)
Bộ GD-ĐT cần rà soát lại sách giáo khoa môn Đạo đức (ở bậc tiểu học), Giáo dục công dân (ở bậc trung học) để bổ sung, chỉnh lý những nội dung phù hợp với lứa tuổi
Nhà trường, từng giáo viên, nhân viên trong trường cùng quan tâm giáo dục, uốn nắn học sinh có tật nói tục, chửi thề bằng những giải pháp thích hợp. Đồng thời biểu dương, khen thưởng những em thực hiện tốt, xử lý nghiêm minh những em nhiều lần tái phạm việc nói tục, chửi thề.
Các đoàn thể chính trị, xã hội phải cùng tham gia, vào cuộc với nội dung, phương thức, giải pháp giáo dục phù hợp. Ngành chức năng, từng khu phố phải ban hành quy tắc ứng xử văn minh, có văn hoá khi giao tiếp trong cộng đồng.
"Các tổ chức trên phải tiến hành đồng bộ với nội dung và giải pháp phù hợp. Những việc này phải thực hiện liên tục, kiên trì, kiên quyết mới có thể giảm được tình trạng nói tục, chửi thề khá phổ biến hiện nay trong giới trẻ nói chung và trong trẻ em nói riêng" - ông Ngai đề nghị.
Phải có “vắc-xin” để phòng bệnh
TS Lê Đông Phương, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực, thì lưu ý rằng "Nhà trường chỉ là một cấu phần của xã hội, xã hội có trắng thì nhà trường mới trắng được. Nếu xã hội có tiêu cực, có cái xấu thì nhà trường cũng sẽ có, chỉ khác nhau mức độ và sự biểu hiện ra ngoài".
Ông Phương nhận định nhà trường có thể có nhiều chế tài để kiểm soát, hạn chế tình trạng học sinh nói bậy – như chúng ta thấy rất nhiều phương cách, biện pháp đã được đưa ra trong mấy chục năm qua. Nhưng tác động xã hội đến giới trẻ dường như vẫn mạnh hơn ảnh hưởng và kỷ luật của nhà trường. Cho nên, với vấn đề này, chỉ có văn hóa, thuần phong đạo đức của xã hội mới quyết định được.
"Chưa kể ở không ít gia đình, chuyện nói tục, chửi thề đang là “một phần tất yếu của cuộc sống”, thì nhà trường rất khó thay đổi học sinh. Có chăng, nếu trông cả vào nhà trường, thì chỉ có áp dụng phương thức sư phạm của Makarenko (đưa học trò vào trại giáo dưỡng thật lâu). Vì vậy, trách nhiệm của gia đình là trên hết" - ông Phương khẳng định.
Bên cạnh đó, ông Phương lưu ý dù nhà trường có sứ mệnh cao cả là mang lại điều hay, cái đẹp cho người học nhưng khi lý tưởng xã hội nằm ở những thứ rất vật chất, rất đời thường thì sự cảm hóa, động viên của thầy cô không thay đổi được nhiều. "Nhất là khi hiện nay, thầy cô chịu những áp lực rất lớn phi sư phạm thì lại càng khó để họ có thể dành thời gian, tâm trí để giáo dục một số học sinh có tính “cá biệt” nếu không có sự hỗ trợ của gia đình, cộng đồng".
Cho rằng nội quy của các nhà trường dù có cấm nói tục, chửi thề nhưng chỉ là biện pháp nhất thời, ông Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM) đưa ra so sánh cho dù có thực hiện một cách kiên quyết những biện pháp này để chặn “dịch nói bậy” giống như ngăn chặn dịch Covid-19, thì để “không nói bậy” trở thành thói quen của học sinh còn do nhiều yếu tố.
"Trong thực tế, những người có học vấn cao thì ý thức xã hội và khả năng kiềm chế việc văng tục sẽ tốt hơn. Có nghĩa là phải có “vắc xin” để "phòng bệnh", giúp học sinh năng cao "sức đề kháng", khả năng kiểm soát bản thân với việc văng tục chửi thề. “Vắc xin” này chính là sự giáo dục của gia đình, nhà trường và ý thức trách nhiệm của xã hội, và phải được "tiêm" ngay từ khi trẻ còn rất nhỏ" - ông Du nói.
Theo Lê Huyền - Ngân Anh, Vietnamnet