Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Thực tiễn và giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng” do Hiệp hội An toàn thông tin (VNISA) và Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức ngày 24/11 tại Hà Nội.
Bảo vệ và giúp đỡ trẻ em phát triển lành mạnh, sáng tạo trên Internet
Phó Chủ tịch VNISA Vũ Quốc Khánh nhận định, Việt Nam đã sớm có chính sách quan tâm mạnh mẽ đến việc bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng. Chính sách này được hình thành và đang được hoàn thiện dần trong các bộ Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018… Tuy nhiên, để biến chính sách trên giấy thành hiện thực phải trải qua một chặng đường dài, đòi hỏi sự nỗ lực chung tay của tất cả các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng.
Việc tổ chức hội thảo trong khuôn khổ sự kiện Ngày an toàn thông tin Việt Nam năm 2022 nhằm tạo ra một diễn đàn gặp gỡ thường niên để các nhà quản lý, các chuyên gia trao đổi, chia sẻ thông tin và đề xuất các kiến nghị cho Chính phủ. Đồng thời, mang tới những gợi mở, định hướng cho doanh nghiệp trong phát triển các công nghệ mới để bảo vệ an toàn cho trẻ em trên không gian mạng.
Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT), Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho rằng, bảo vệ và giúp đỡ trẻ em phát triển lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng là trách nhiệm của toàn xã hội. Việt Nam có khoảng 24,7 triệu trẻ em, trong đó 2/3 trẻ có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Ông Tuân cũng dẫn số liệu báo cáo của UNICEF, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 có sử dụng Internet và con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi. “Điều này cho thấy mức độ tham gia các hoạt động trên không gian mạng của trẻ em ở Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là sau đại dịch Covid. Có thể nói chưa bao giờ trẻ em dành nhiều thời gian cho Internet như hiện nay”, ông Tuân nói.
Ông Tuân cho hay việc sử dụng, tham gia các hoạt động trên Internet gia tăng sẽ khiến trẻ em phải đối mặt với nhiều cạm bẫy, rủi ro, phổ biến như: tiếp cận với nội dung độc hại (bạo lực, khiêu dâm…) làm lệch lạc suy nghĩ, lối sống, sự phát triển; bị phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của trẻ; bị bắt nạt trực tuyến dưới nhiều hình thức khác nhau; sử dụng quá mức và rơi vào tình trạng nghiện Internet…
Tuy nhiên, hiện nay, các sản phẩm, ứng dụng để bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh, thúc đẩy sáng tạo vẫn còn chưa phổ biến, thiếu những sản phẩm dễ sử dụng, phù hợp với đặc thù người Việt Nam, trong khi nhu cầu sử dụng các sản phẩm này là phổ biến.
Trẻ em cần được trang bị kiến thức an toàn trên không gian mạng
Bà Nguyễn Phương Thanh Trúc, đồng sáng lập kiêm CEO CyberPurify cũng đưa ra kết quả khảo sát quốc tế cho thấy 95% trẻ từ 3-18 tuổi truy cập Internet tại nhà và cũng có tới 79% trường hợp tiếp xúc không mong muốn với nội dung người lớn xảy ra tại nhà. Nội dung “người lớn” là vấn đề an toàn mạng nghiêm trọng thứ 2 ở nhà đối với trẻ em hiện nay. Nội dung “người lớn” không chỉ xuất hiện ở các trang web người lớn mà có ở các diễn đàn (forum), trang web trên mạng, trang chia sẻ hình ảnh.
Bà Trúc cho rằng, trò chuyện và công nghệ là mấu chốt trong việc bảo vệ con hiệu quả trên môi trường mạng. Cha mẹ nên chủ động hỏi quan điểm của con, đặc biệt đối với các vấn đề nhạy cảm, trao đổi minh bạch với con trước khi sử dụng bất kì công cụ bảo vệ, tôn trọng và lắng nghe các ý kiến trái chiều từ con. Mục tiêu là tạo môi trường chia sẻ cởi mở, thân thiện cho con. Cha mẹ nên chỉ rõ nội dung nào con nên xem, cách nhận diện kẻ săn mồi trực tuyến (kẻ hay like ảnh, chat), dạy con bảo mật tài khoản và không được xem trộm tin nhắn của con hay cài phần mềm theo dõi, tránh tác dụng ngược vì khi ấy trẻ đề phòng hơn, thậm chí tìm cách để “lách” theo dõi.
PGS.TS. Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người cho rằng, đã có nhiều giải pháp được triển khai với mục tiêu bảo vệ trẻ em trên mạng, nhưng giáo dục phải đi trước một bước. Các nhà quản lý cần đẩy mạnh nhiều chương trình giáo dục về an ninh mạng cũng như giáo dục trí thông minh kỹ thuật số cho trẻ em ngay từ các cấp mầm non, tiểu học.
Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam thông tin mỗi năm có hơn 500.000 cuộc gọi đến Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) về tư vấn, can thiệp bạo lực, bóc lột, trẻ bị mua bán, vi phạm quyền trẻ em… Năm 2022, số lượng cuộc gọi đến giảm nhẹ nhưng dự báo xu hướng sẽ vẫn tăng. Chỉ trong 11 tháng đầu năm 2022, Tổng đài 111 tiếp nhận trên 356.000 cuộc gọi qua các kênh điện thoại, Zalo, app 111… Trong đó, 413 ca liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và 17 thông báo về các kênh, link, clip xấu, độc hại với trẻ em.
Theo ông Nam, công tác bảo vệ trẻ em trên mạng gặp khó khăn do chính phụ huynh có tâm lý muốn tháo gỡ, xử lý ngay nhưng tổng đài và Cục trẻ em phải phối hợp với các cơ quan, tổ chức trên môi trường mạng để xử lý. Về công nghệ, việc xóa triệt để thông tin, hình ảnh, video của trẻ em rất khó do đường link “biến hình" rất nhanh, thủ phạm thường dùng tài khoản ảo, địa chỉ IP ở nước ngoài.
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc cần tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin với trẻ em, ông Đặng Hoa Nam chỉ ra thực trạng hiện nay trẻ em khi gặp vấn đề trên mạng không biết tâm sự cùng ai, tìm kiếm sự trợ giúp trên mạng lại dễ gặp phải rủi ro, thông tin độc hại. Theo ông Nam, các cơ quan chức năng cần phối hợp để xây dựng nên một “hệ thống miễn dịch số”, “vaccine số” bằng cách trang bị cho trẻ kiến thức, kỹ năng về an toàn trên không gian mạng.
Hiện Cục Trẻ em và các cơ quan chức năng, công ty công nghệ tìm kiếm nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo các chat bot thay người tư vấn thông tin, phân tích dữ liệu, hỗ trợ chính quyền địa phương hoặc cán bộ bảo vệ trẻ em từ cấp cơ sở. Kỳ vọng là AI cùng các chuyên gia, tâm lý xã hội, tâm lý học lâm sàng, tâm lý học đường chăm sóc, điều trị sức khỏe tâm thần cho trẻ em.