Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vài mẹo đơn giản giúp tạo thói quen đi ngủ đúng giờ cho trẻ

Chỉ khi trẻ đi ngủ đúng giờ trẻ mới ngủ đủ giấc và sáng hôm sau, bố mẹ sẽ không phải đối mặt với cảnh "hò đò" con dậy đi học.

 

Chắc hẳn ông bố bà mẹ nào cũng từng đối mặt với tình trạng con khó ngủ: thức khuya, dậy muộn, tỉnh giấc giữa đêm...
Liệu tình cảnh con khó ngủ này có giống câu chuyện ở nhà bạn? “Thật khó để gọi con gái tôi dậy vào buổi sáng, con bé nhõng nhẽo suốt khiến tôi nghĩ rằng có lẽ nó không ngủ đủ giấc. Còn vào buổi tối, tôi dường như không thể cho con bé đi ngủ đúng giờ được. Tôi nên làm gì?” là mối trăn trở của nhiều phụ huynh.
Ngày trước những chuyện như thế này chưa bao giờ xảy ra, những ngày khi chưa có điện thoại thông minh, internet, khi chưa có tivi và ánh điện. Cuộc sống hiện đại có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến não bộ của trẻ, làm thay đổi sự chú ý, thời gian và thói quen sinh hoạt. 
Đây là một số gợi ý giúp cha mẹ đối phó với tình trạng con không chịu đi ngủ đúng giờ và giúp trẻ ngủ đủ giấc:
1. Giảm cường độ ánh sáng trong khoảng 2 giờ trước khi đi ngủ để tạo tín hiệu chuẩn bị đến giờ ngủ cho não bộ 
Ánh sáng chính là tín hiệu rõ ràng rằng vẫn là ban ngày và còn quá sớm để nghĩ đến việc nghỉ ngơi. Nằm đọc sách yên lặng trên giường với ánh sáng cường độ thấp là một thói quen tốt, tuy nhiên nếu bạn để bé trên giường với ánh sáng rõ như ban ngày thì lại là cách đơn giản nhất để đẩy lùi giấc ngủ.
Cho con đi ngủ đúng giờ là bí quyết giúp bạn có những buổi sáng dễ thở.
2. Loại bỏ các hoạt động có tính kích thích
Chẳng hạn như: chơi game, xem ti vi, thể dục dụng cụ trước giờ ngủ và để trẻ thức thêm vài tiếng vào ban ngày cũng sẽ giúp chúng dễ buồn ngủ hơn vào buổi tối.
3. Đảm bảo rằng không có sự xuất hiện của các thiết bị giải trí như – điện thoại, máy tính, ti vi… trong phòng ngủ
Việc này nhằm tránh cho trẻ tiếp xúc với ánh sáng và sự kích thích. Nó giúp chuyển sự chú ý của trẻ (nếu bé chưa sẵn sàng đi ngủ) sang những hoạt động có ý nghĩa hơn như đọc sách chẳng hạn.
4. Cho trẻ làm bài tập về nhà ngoài khu vực phòng ngủ 
Có thể là ở bàn ăn -  và tuyệt đối không phải ở trên giường. Duy trì một khoảng cách vật lý giữa những yếu tố gây căng thẳng và phòng ngủ sẽ giúp trẻ tự tách mình khỏi những áp lực hàng ngày để dễ dàng thư giãn và đi vào giấc ngủ.
5. Với những trẻ hiếu động hay dễ bồn chồn, dành 20 phút để luyện các bài tập về thư giãn và trí não trước khi ngủ 
Việc luyện tập này sẽ giúp giảm căng thẳng. Nhờ thế, bé sẽ đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn và giảm việc tỉnh giấc giữa đêm hay mộng du nếu trẻ gặp các vấn đề đó.
6. Khi trẻ ở trên giường, sẽ rất tốt nếu để con đọc sách ở cường độ ánh sáng thấp trước khi giờ ngủ
Việc này đem lại rất nhiều tác dụng rất tích cực. Nó giúp bé duy trì thói quen đọc sách lâu dài, giúp chuyển sự chú ý của con từ những yếu tố gây mệt mỏi ban ngày sang một thế giới thư giãn và giúp trẻ không trở nên cáu gắt hay tức giận khi chúng chưa muốn lên giường ngủ.
Đọc sách với ánh sáng cường độ thấp là cách hiệu quả giúp bé đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn

7. Để trẻ tự chơi hay thư giãn trong không gian yên tĩnh
Mặc dù có rất nhiều hướng dẫn về việc nên cho trẻ ngủ mấy tiếng tùy theo độ tuổi, tuy nhiên hãy nhớ rằng đây chỉ là những ước lượng. Thời gian ngủ thực tế của trẻ rất khác nhau, thậm chí là khi so sánh với anh/chị của bé ở cùng độ tuổi. 
Trong khi bạn muốn trẻ ở độ tuổi lên 7 ngủ ít nhất 10 tiếng mỗi ngày, thực tế có thể không cần nhiều đến vậy. Hãy để con tự chơi hay thư giãn trong không gian yên tĩnh, như thế sẽ giúp chúng dễ cảm thấy buồn ngủ hơn là để trẻ bị buồn chán, cáu gắt và trở nên tỉnh táo, dẫn đến đi ngủ không đúng giờ.
8. Cuối cùng, điều quan trọng là giữ cho trẻ thời gian biểu liên tục và đều đặn trong tuần
Một số trẻ tiểu học có khuynh hướng tự nhiên trì hoãn giờ ngủ, thức khuya hơn và dậy muộn hơn và buổi sáng. Một vấn đề khác là thói quen có thể được duy trì trong những ngày đi học, nhưng đồng hồ sinh học dễ bị ảnh hưởng bởi những yếu tố khác khi chúng được phép thay đổi giờ giấc bình thường như thức khuya vào tối thứ 6, thứ 7 rồi ngủ bù vào sáng hôm sau. Làm như thế sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, không thích nghi kịp và khiến việc thức dậy vào sáng thứ hai có thể là cả thứ ba và thứ tư không hề đơn giản. Hệ quả tất yếu là việc đi ngủ đúng giờ trở nên rất khó khăn.
Nguồn: Huffington