Vùng vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đang vào mùa thu hoạch. Nhờ sản xuất chuyên nghiệp nên chất lượng, mã vải ngày càng được nâng cao. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị kết nối, xúc tiến thương mại vải thiều Thanh Hà và nông sản tiêu biểu tỉnh Hải Dương năm 2021 diễn ra sáng nay 18/5, điểm cầu tại Hải Dương trực tuyến đến hàng chục điểm cầu trên thế giới nhằm tìm đường xuất ngoại ổn định cho quả vải, do UBND tỉnh Hải Dương phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức.
Hội nghị có sự tham dự của 200 đầu mối nhập khẩu quốc tế và hơn 50 doanh nghiệp phân phối lớn, siêu thị lớn.
Trong khuôn khổ Hội nghị này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu khai mạc cho biết, Bộ Công Thương cũng sẽ hỗ trợ kết nối cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vải và nông sản Hải Dương áp dụng thí điểm Hệ thống truy xuất nguồn gốc Itrace247 cho quả vài thiều và các nông sản tiêu biểu của tỉnh.
Đặc biệt, tổ chức "giao dịch trực tuyến với khoảng 200 các nhà nhập khẩu từ nhiều thị trường xuất khẩu quan trọng đối với của quả vải thiều Thanh Hà và nông sản như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp, Hà Lan… vào các ngày từ 18 đến 20/5/2021", ông Hải nhấn mạnh.
Chỉ việc ngồi nhà, click chuột mua vải thiều, ship tận nơi
Vải thiều Thanh Hà từ lâu đã nổi tiếng thơm ngon khắp vùng. Với sự quan tâm của các cấp, ngành trong tỉnh nên quả vải ở đây ngày càng chất lượng, tạo được uy tín trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đây là năm đầu tiên vải thiều Thanh Hà được một số doanh nghiệp đưa lên sàn thương mại điện tử như: Alibaba.com, Voso.vn, Lazada.vn, Sendo.
Huyện Thanh Hà đang phối hợp tích cực với các sở, ngành và doanh nghiệp để hỗ trợ người dân sử dụng hiệu quả tem truy xuất nguồn gốc, cung cấp đầy đủ thông tin cho quả vải trước khi bán trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hình thức bán hàng này mở ra thị trường mới cho quả vải thiều Thanh Hà. Người tiêu dùng mọi miền đất nước, quốc tế sẽ biết đến vải thiều Thanh Hà một cách đầy đủ nhất và có thể đặt mua tại nhà.
Tuy ảnh hưởng bởi dịch nhưng ngay từ đầu mùa thương lái đã tấp nập đến thu mua vải. Hiện tại, vải được tiêu thụ thuận lợi ở thị trường trong nước. Nhiều doanh nghiệp đã thu mua vải để đưa vào chuỗi siêu thị như VinMart, Intimex, BigC... và các chợ đầu mối lớn. Người dân thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó.
Nhờ có kinh nghiệm xuất khẩu nên năm nay nhiều doanh nghiệp đầu tư hệ thống buồng hun trùng, khử khuẩn, chế biến quả vải đẹp, bảo đảm chất lượng xuất khẩu sang các thị trường cao cấp, góp phần nâng cao giá trị quả vải.
Theo bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam, năm ngoái doanh nghiệp này bắt đầu xuất khẩu vải thiều Thanh Hà vào thị trường Nhật Bản và đã được người tiêu dùng ở nước này đánh giá cao, tiêu thụ tốt. Năm nay doanh nghiệp này dự kiến đưa khoảng 1.000 tấn vải thiều Thanh Hà tiêu thụ tại Nhật Bản.
Nét mới của vụ vải này là tỉnh Hải Dương đã có sự quan tâm, đầu tư bao bì sản phẩm. Thay vì đóng vào thùng xốp, thùng carton thì năm nay vải đã được đựng vào hộp quà nhìn rất bắt mắt, thu hút người tiêu dùng.
Tuy chỉ là một việc nhỏ nhưng quả vải thiều Thanh Hà như khoác thêm một chiếc áo mới lộng lẫy, giá trị quả vải nhờ đó cũng được nâng cao hơn.
35 vùng vải được cấp mã đủ tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế
Nhiều năm nay, nhờ áp dụng quy trình VietGAP nên vải không bị sâu, mã quả dần được cải thiện, sáng đẹp hơn trước. Nếu để so sánh thì không ở đâu có vải ngon bằng vải Thanh Hà.
Với hơn 3.300 ha vải được trồng theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, vải thiều Thanh Hà được biết đến là trái cây đặc sản sạch, một món quà quý, chất lượng cao có thể ăn, làm quà biếu, tặng. Ở đây đã có 35 vùng vải được cấp mã vùng trồng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu quốc tế.
Thực tế nhiều năm nay, vải thiều Thanh Hà đã tiêu thụ thuận lợi tại các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Úc, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore.
Trước khi thu hoạch, nông dân Thanh Hà bắt buộc phải dừng phun thuốc bảo vệ thực vật từ 20 ngày để dư lượng thuốc ở mức thấp nhất, cung cấp ra thị trường sản phẩm an toàn.
Vải thiều Thanh Hà có vị thơm, ngọt, vỏ mỏng, cùi dầy màu trắng ngà, hạt nhỏ chứ không phải vị chát, hạt to như vải ở một số nơi khác. Ngoài vải thiều chính vụ, Thanh Hà còn có 3 giống vải khác chín sớm hơn, đó là vải u trứng, u hồng và tàu lai.
Ba loại vải này cho thu hoạch trong tháng 5, được trồng chủ yếu ở các xã Thanh Cường, Thanh Quang, Thanh Hồng.
Vải thiều Thanh Hà là sản phẩm duy nhất của tỉnh Hải Dương được cấp chỉ dẫn địa lí vào năm 2007, lọt vào top 50 sản phẩm uy tín, chất lượng. Nhiều năm trở lại đây tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Hà thường tổ chức lễ hội vải thiều Thanh Hà để quảng bá, xúc tiến tiêu thụ vải.
Đây cũng là năm đầu tiên tỉnh Hải Dương tổ chức lễ mở vườn thu hoạch, tiêu thụ vải thiều Thanh Hà tổ chức vào ngày 18.5 nhằm quảng bá tiêu thụ vải, còn lễ hội vải thiều dự kiến tổ chức vào đầu tháng 6. Hằng năm huyện Thanh Hà cũng tổ chức tuần lễ vải thiều tại Hà Nội để giới thiệu quả vải đến tay người tiêu dùng của cả nước.
Từ đầu mùa đến nay, vải thiều Thanh Hà đã thu hút nhiều lượt du khách, doanh nghiệp đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, khảo sát thu mua vải.
Bên cạnh các vườn vải sai trĩu quả, Thanh Hà còn là "mảnh đất vàng" với nhiều tiềm năng về du lịch sinh thái, miệt vườn thu hút du khách đến trải nghiệm.
Với những nỗ lực của các cấp, ngành tỉnh Hải Dương và huyện Thanh Hà, vải thiều Thanh Hà ngày càng khẳng định được vị trí đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Thanh Hà cho biết, năm nay sản lượng vải của huyện đạt hơn 40.000 tấn, trong đó vải sớm thu hoạch rộ vào cuối tháng 5, vải chính vụ thu hoạch từ đầu tháng 6.
"Chỉ cần click chuột trên máy tính hoặc chạm trên smartphone người tiêu dùng cũng có thể nhận vải thiều Thanh Hà chính hiệu ngay tại nhà", bà Hà cho biết.
Tổng lượng quả vải xuất khẩu mùa vụ 2020 của cả nước đạt khoảng 98.000 tấn (chiếm xấp xỉ 50% tổng sản lượng cả nước), trong đó tỉnh Hải Dương xuất khẩu khoảng gần 25.000 tấn (khoảng 50% sản lượng của tỉnh).
Thị trường xuất khẩu quả vải được mở rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, một số nước ASEAN, quả vải còn được xuất khẩu sang nhiều thị trường được coi là "khó tính" khác như Hoa Kỳ, Úc, Hà Lan, Anh, Pháp, Canada, U.A.E v.v...
Đáng chú ý, trong năm 2020, quả vải tươi của Việt Nam tiếp tục mở cửa thành công vào hai thị trường lớn và nhiều tiềm năng là Singapore và Nhật Bản.
Đây là tín hiệu tích cực, khẳng định thương hiệu quả vải Việt Nam với thị trường quốc tế.