Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vai trò của dinh dưỡng với sức khỏe sinh sản nữ

Dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung của người phụ nữ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản. Sự cân bằng của nội tiết tố có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố từ thực phẩm.

Đối với phụ nữ dinh dưỡng có thể giúp tăng chất lượng của trứng, kích thích trứng rụng, tăng khả năng trứng làm tổ, duy trì nồng độ hormone sinh dục nữ, tránh nguy cơ sảy thai.

Một chế độ ăn cân bằng sẽ giúp cho phụ nữ có cân nặng lý tưởng có chỉ số BMI từ 19 - 24 thì khả năng sinh sản tốt hơn vì hormon estrogen được sản sinh ra từ buồng trứng và tế bào mỡ. Hormon này ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình rụng trứng. Nếu phụ nữ quá gầy việc sản sinh ra estrogen bị thiếu hụt, còn phụ nữ quá béo lại sản sinh quá nhiều hormon này. Sự thiếu hụt hoặc quá thừa hormon đều ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản. Ngoài ra, nhiều chất dinh dưỡng khác cũng ảnh hưởng đến cân bằng nội tiết và cải thiện chất lượng của trứng. Vậy những chất dinh dưỡng nào có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ?

Vai trò của dinh dưỡng với sức khỏe sinh sản nữ - Ảnh 1.

Chế độ ăn uống cân bằng sẽ giúp cho phụ nữ có cân nặng lý tưởng và khả năng sinh sản tốt hơn.

Kẽm

Ở nữ giới kẽm có tác dụng thúc đẩy sự rụng trứng và khả năng thụ thai, hỗ trợ sản xuất hormon sinh dục. Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm: Hàu, sò, thịt bò, cừu, gà, lợn nạc, sữa, trứng, cá, tôm, cua… trong đó nhiều nhất là hàu.

Acid béo omega 3

Đóng vai trò quan trọng giúp kích thích các hormon trong cơ thể. Các acid béo omega-3 giúp loại bỏ u xơ tử cung cũng như ngăn ngừa ung thư tử cung. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất béo omega 3 thúc đẩy rụng trứng. DHA từ cá béo có thể làm tăng progesterone – một trong những hormon quan trọng nhất mà phụ nữ cần để duy trì sức khỏe thai nhi sau khi thụ thai. Acid béo omega-3 giúp lưu thông máu tốt hơn. Các acid béo thiết yếu như palmitoleic, linoleic, oleic và palmitic giúp giảm tình trạng khô âm đạo. Hơn thế nữa, acid béo từ thực vật còn làm giảm tình trạng bị chuột rút và đau bụng khi đến chu kỳ kinh nguyệt.

Để tăng khả năng thụ thai, bạn nên đảm bảo cung cấp khoảng 1.000 - 2.000 mg acid béo omega 3 trong chế độ dinh dưỡng của mình. Không những vậy, khi bổ sung đủ lượng omega 3 cần thiết trước khi mang thai sẽ giúp bé phát triển vượt trội cả trong và sau thai kỳ.

Acid béo omega-3 bao gồm 3 dạng: DHA (axit docosahexaenoic), ALA (axit alpha-linolenic) và EPA (axit eicosapentaenoic). Chúng có trong các loại thực phẩm sau: Cá nước lạnh (cá hồi tự nhiên, cá mòi, cá trích…); các loại dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu hạt cải, hướng dương, dầu oliu…, quả óc chó, hạnh nhân, lạc vừng...; các sản phẩm từ đậu nành (đậu phụ, sữa đậu nành)…

Protein

Chế độ ăn đủ protein sẽ giúp nâng cao chất lượng trứng. Lòng trắng trứng, thịt gia cầm, cá và các loại đậu là những nguồn protein chất lượng cao bạn nên bổ sung vào thực đơn hằng ngày của gia đình.

Acid folic

Trong danh sách “ăn gì để dễ thụ thai” không thể thiếu các loại thực phẩm có chứa acid folic. Trong thời gian trước khi có ý định mang thai người vợ cần phải tiêu thụ 400 microgam acid folic mỗi ngày. Bổ sung đều đặn vi chất này trước 3 tháng thụ thai sẽ đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của hệ thần kinh cho bé, tránh dị tật nứt đốt sống và thai vô sọ.

Nguồn thực phẩm giàu axit folic: Trái cây họ cam quýt, ngũ cốc nguyên hạt và rau lá xanh như cải bó xôi, súp - lơ xanh, rau diếp, xà lách…

Vitamin B6

Giúp ngăn ngừa các triệu chứng thai nghén, trước khi thụ thai người phụ nữ cần hấp thụ khoảng 10mg vitamin B6 mỗi ngày.

Vitamin B6 có nhiều trong các loại thực phẩm như hạt hạnh nhân, hạt hướng dương và trong các loại trái cây quen thuộc miền nhiệt đới như cam và dâu tây, chuối…

Vai trò của dinh dưỡng với sức khỏe sinh sản nữ - Ảnh 2.

Bổ sung rau, củ quả trong chế độ ăn còn giúp chống lão hóa.

Vitamin E

Là một trong những vitamin quan trọng nhất cho hoạt động của cơ thể, vitamin E cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh sản. Một chế độ ăn nghèo vitamin E có thể dẫn đến vô sinh, hơn nữa đây còn là thành phần chủ chốt giúp cải thiện chức năng và sức khỏe của tế bào. Vitamin E cũng là hợp chất thiết yếu được tìm thấy trong trứng. Ngoài việc bảo vệ màng tế bào chống lại tác hại của các gốc tự do, vitamin E cũng hoạt động như một chất chống oxy hóa hiệu quả giúp cải thiện chức năng miễn dịch.  Ngoài ra, vitamin E còn góp phần cải thiện khả năng tình dục, giúp noãn (trứng) phát triển tốt hơn.

Một chế độ ăn cân bằng sẽ giúp cho phụ nữ có cân nặng lý tưởng có chỉ số BMI từ 19 - 24 thì khả năng sinh sản tốt hơn vì hormone estrogen được sản sinh ra từ buồng trứng và tế bào mỡ…

Các loại thực phẩm giàu vitamin E: Mầm các loại hạt ngũ cốc, giá sống, một số loại rau, trong các hạt nhiều dầu như dầu mè, đậu phộng, đậu nành, hạt hướng dương, quả bơ…

Vitamin C

Một trong những vitamin phổ biến nhất có liên quan đến khả năng sinh sản là vitamin C. Vai trò của vitamin C giúp tăng cường tổng hợp hormon progesterone (một loại hormon giới tính giúp duy trì thai). Progesterone giúp điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, củng cố thành tử cung, và giải tỏa căng thẳng lo âu. Progestone thường được chỉ định cho các trường hợp khó thụ thai hoặc khó giữ thai. Các nguồn vitamin C tự nhiên tốt cho cơ thể bao gồm các trái cây thuộc họ cam quýt, bông cải xanh, và ớt chuông xanh.

Các vitamin nhóm B

Cũng đã được chứng minh là làm tăng hàm lượng progesterone, và có tác dụng điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Nguồn thực phẩm giàu vitamin nhóm B là ngũ cốc, đậu đỗ, thịt, cá…

Magie

Người phụ nữ nào bị thiếu hụt magie trong cơ thể sẽ gặp khó khăn trong việc thụ thai. Bởi magie đóng vai trò quan trọng trong việc kích hoạt sản sinh các hormon sinh sản. Muốn bổ sung magie, bạn có thể lựa chọn việc ăn dứa, chuối mỗi ngày và các loại ngũ cốc nguyên hạt.