Theo bà Trần Tuyết Ánh - Vụ Trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gia đình có vai trò, trách nhiệm trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành nhân cách đối với thế hệ trẻ. Đây cũng là môi trường giáo dục trang bị những kiến thức, kỹ năng sống đầu đời cho trẻ em.
Khi đạo đức xã hội, đạo đức cá nhân đang có những biểu hiện giảm sút thì vai trò của gia đình, giáo dục trong gia đình đối với việc hình thành, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách và việc bảo vệ trẻ em - chủ nhân tương lai của đất nước trước những nguy cơ xâm hại, ảnh hưởng xấu từ môi trường xã hội càng trở nên cấp thiết. Bảo vệ trẻ em cũng chính là bảo vệ tương lai của mỗi gia đình, quốc gia vì mục đích phát triển con người trong thời đại hiện nay.
Để bảo vệ an toàn trẻ em, tránh những nguy cơ bị xâm hại, giúp các em yên vui học tập phát triển con người toàn diện, mỗi gia đình phải tăng cường quan tâm con em của mình; phối hợp với nhà trường, các cơ quan chức năng, không ngừng nâng cao giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ rủi ro bản thân cho trẻ em và các thành viên trong gia đình.
Bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện UNICEF
Thực tế hiện nay, nhiều bậc cha mẹ chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của mình và gia đình trong bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em. Một bộ phận cha mẹ coi việc giáo dục, phát triển trẻ là của nhà trường, phó mặc trẻ cho thầy cô. Bản thân họ chưa dành nhiều thời gian chăm sóc, gần gũi con cái, hạn chế trong trao đổi với trẻ về các nguy cơ bị xâm hại… Thậm chí, nhiều phụ huynh còn chưa hiểu đầy đủ về xâm hại trẻ em, thực trạng và những hậu quả của vấn nạn này gây ra cho trẻ, gia đình và xã hội.
Để giúp trẻ phòng tránh bị xâm hại, cha mẹ cần chủ động trao đổi, cung cấp kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản; các rủi ro tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại như nghiện trò chơi trực tuyến, bị bạn bè xấu lôi kéo, nghiện các chất kích thích như thuốc lá điện tử, ma túy… Đồng thời, trang bị cho con những kỹ năng cơ bản nhất để phòng chống khi không may bị đối tượng khống chế, có ý định xâm hại.
Tuy nhiên, các gia đình Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với nhiều thách thức, như sự thiếu hụt các kiến thức, kỹ năng cần thiết để trang bị cho trẻ em nhận biết được các nguy cơ, có kỹ năng tự bảo vệ bản thân khỏi các hành vi xâm hại; sự thiếu thời gian của cha mẹ dành cho việc chăm sóc con cái. Điều này không chỉ làm ảnh hưởng đến nguy cơ trẻ em bị xâm hại do thiếu sự giám sát của người lớn, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới mối gắn kết giữa cha mẹ và con cái, khiến cha mẹ có thể không biết, hoặc không can thiệp kịp thời khi trẻ em bị xâm hại ở các mức độ khác nhau. Các bậc cha mẹ cũng lúng túng trong việc can thiệp về sức khỏe tâm thần khi trẻ bị xâm hại và sang chấn tâm lý.
Điều 4 Chương 1 Luật Trẻ em 2016, định nghĩa “xâm hại trẻ em” là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác.
“Xâm hại tình dục trẻ em” là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
Bị xâm hại không chỉ gây ra cho trẻ những vết sẹo trên thân thể, mà trẻ còn phải chịu những vết thương lớn về mặt tinh thần. Trẻ có thể bị hoảng loạn, cơ thể suy nhược, mắc cách bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, trầm cảm, rối loạn tâm thần, thậm chí là có ý định tự tử.