Tăng cường hợp tác phòng, chống hành vi mua bán người trong khối Asean
Ngày 29/9, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Tổ chức Di cư Quốc tế tổ chức Hội thảo “Triển khai Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em” với sự tham gia của các đại biểu đến từ các Bộ, ngành liên quan cùng đại diện một số địa phương và các tổ chức quốc tế.
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo
Việt Nam là quốc gia sớm thành lập Cơ quan Thường trực Chương trình phòng, chống tội phạm mua bán người, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động mua bán phụ nữ và trẻ em, triển khai có hiệu quả các cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người; đồng thời, nâng cao hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng…
Theo ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, ngày 21/11/2015 tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27, tại Kuala Lumpua, Malaysia, lãnh đạo các nước thành viên ASEAN đã hoàn thiện dự thảo và thông qua Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người (ACTIP). Văn kiện này thể hiện cam kết của ASEAN về quyền của các nạn nhân buôn người được bảo vệ bởi luật pháp quốc tế và các Công ước quốc tế liên quan.
Ông Lê Đức Hiền, Cục phó Cục phòng, chống TNXH phát biểu tại hội thảo
Việc phê chuẩn Công ước góp phần thể hiện vai trò tích cực, chủ động và khẳng định cam kết của Việt Nam cũng như khu vực ASEAN trong nỗ lực tăng cường hợp tác phòng, chống hành vi mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, đồng thời góp phần vào việc triển khai Tuyên bố về tầm nhìn Cộng đồng ASEAN năm 2025 và Kế hoạch hành động Cộng đồng ASEAN giai đoạn 2015-2025. Việc chính thức trở thành thành viên Công ước ACTIP không chỉ có tác động tích cực đối với Việt Nam và khu vực ASEAN mà còn mang lại nhiều lợi ích, góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Tình trạng buôn bán người tại nhiều tỉnh thành còn phức tạp
Hiện nay, tình hình tội phạm mua bán người ở Việt Nam rất tinh vi, phức tạp tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt là các tỉnh Lào Cai, Nghệ An, Quảng Ninh, Thừa Thiên – Huế, Tây Ninh…
Theo số liệu thống kê, trong những năm qua, tỉnh Thừa Thiên – Huế đã xảy ra 12 vụ liên quan đến tội phạm mua bán người, với hơn 50 nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài, còn số nạn nhân chưa lập hồ sơ ước tính trên 250 người, chủ yếu là phụ nữ vùng sâu, vùng xa, nhiều nhất là huyện A Lưới với 30 nạn nhân. Tại Nghệ An, chỉ tính trong 9 tháng đầu năm nay các cơ quan chức năng đã hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho 23 nạn nhân bị mua bán trở về.
Riêng một số địa phương đặc thù có đường biên giới giáp Trung Quốc như Lào Cai, Quảng Ninh, tình hình tội phạm mua bán người rất phức tạp, thường được tội phạm sử dụng làm nơi trung chuyển. Theo số liệu thống kê, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận 609 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó số nạn nhân trong tỉnh là 265 người, số còn lại thuộc các tỉnh khác, có 2 nạn nhân là người Lào, 82% nạn nhân là người dân tộc thiểu số.
Tội phạm mua bán người tại Việt Nam vẫn còn diễn biến rất phức tạp (ảnh minh họa)
Tương tự, tại Quảng Ninh, giai đoạn 2011-2016, tỉnh này đã tiếp nhận 197 nạn nhân, trong đó 6 nạn nhân là người địa phương, còn lại là người các tỉnh thành khác. Riêng trong 8 tháng đầu năm, tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận 34 nạn nhân bị mua bán trở về.
Theo ông Paul Priest, Trưởng bộ phận Chương trình IOM tại Việt Nam, việc thông qua Công ước ACTIP thể hiện cách tiếp cận quan trọng trong phòng, chống mua bán người là giải quyết thách thức liên quan di cư, thể hiện sự hợp tác giữa các nước thành viên cũng như những cam kết mạnh mẽ.
“Việc ra đời Kế hoạch Hành động Quốc gia về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016-2020 với sự tham gia của các bên liên quan thể hiện cam kết, nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa của Việt Nam trong công cuộc đấu tranh phòng, chống mua bán người”, ông Paul Priest nói.
Văn kiện pháp lý thể hiện sự đoàn kết và trách nhiệm cao của ASEAN
Tại Hội thảo lần này, các đại biểu tập trung thảo luận nâng cao nhận thức về hiểu biết các nội dung về Công ước ACTIP nhằm sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người phù hợp với Công ước mà Việt Nam đã ký kết; những khó khăn, thách thức trong việc triển khai Đề án Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; khuyến khích thực hiện có hiệu quả các điều khoản chính của ACTIP.
Công ước ACTIP gồm 7 Chương, 31 Điều, quy định mục đích, phạm vi áp dụng, quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên, quyền tài phán, hợp tác quốc tế trong ngăn ngừa, chống hành vi mua bán người, thủ tục giải quyết tranh chấp thông qua hội đàm và thương lượng giữa các quốc gia thành viên thông qua kênh ngoại giao hoặc các biện pháp hòa bình khác nhằm đạt được thỏa thuận.
Mục đích của Công ước ACTIP nhằm phòng, chống có hiệu quả nạn mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em và trừng phạt hành vi mua bán người; bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân; thúc đẩy hợp tác có hiệu quả giữa các quốc gia thành viên.
Các thành viên tham gia Công ước đã thống nhất hình sự hóa hành vi mua bán người, xác định những hành vi mua bán người, các nhóm tội phạm liên quan tới việc mua bán người, và trừng trị các vi phạm đó bằng hình phạt thích đáng. Các nước được tiến hành các biện pháp cần thiết trong khuôn khổ luật pháp của quốc gia để điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội thuộc quyền tài phán; thực hiện những biện pháp thích hợp với người phạm tội hoặc người bị tình nghi phạm tội theo các thủ tục tố tụng hình sự hoặc dẫn độ.
Ông Paul Priest, Trưởng bộ phận Chương trình IOM tại Việt Nam
Đối với việc bảo vệ nạn nhân bị mua bán, các thành viên có thể phối hợp với các tổ chức ngoài công lập hỗ trợ nạn nhân; đảm bảo an toàn cho các nạn nhân khi họ ở trong lãnh thổ của mình tạm thời hoặc vĩnh viễn; hợp tác với các tổ chức xã hội có liên quan nhằm hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân bị mua bán, đồng thời, tạo điều kiện cho phép nạn nhân bị mua bán hồi hương hoặc trở lại quốc gia nơi nạn nhân rời khỏi.
Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (SOMTC) được giao trách nhiệm về việc thúc đẩy, theo dõi, đánh giá và định kỳ báo cáo Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Tội phạm xuyên quốc gia về việc thực thi có hiệu quả Công ước này. Ban Thư ký ASEAN sẽ cung cấp những hỗ trợ cho việc giám sát và phối hợp thực hiện Công ước này và hỗ trợ SOMTC trong các vấn đề có liên quan…
Ngoài ra, Công ước còn quy định về bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, quyền tài phán, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không ảnh hưởng đến các nghĩa vụ phát sinh giữa các quốc gia thành viên theo quy định của điều ước quốc tế khác và khi các quốc gia thành viên đồng ý, đồng thời không ngăn cản các quốc gia hỗ trợ lẫn nhau theo quy định của điều ước quốc tế khác hoặc pháp luật trong nước.