Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Tổ chức Cứu trợ trẻ em cho biết, 1.000 ngày đầu tiên trong cuộc đời của một đứa trẻ rất quan trọng đối với sự phát triển về mặt xã hội, cảm xúc, nhận thức và thể chất của các em. Trong đó, cha mẹ, người chăm sóc trẻ trực tiếp đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục hình thành nhân cách cho trẻ, định hướng trẻ phát triển trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội.
Vì cha mẹ và người chăm sóc là những người chăm sóc, cung cấp dinh dưỡng, khuyến khích và bảo vệ chính giúp trẻ có thể phát triển khỏe mạnh, nên cần cung cấp cho họ kiến thức và kỹ năng để chăm sóc nuôi dưỡng trẻ và xây dựng mối quan hệ tích cực giữa cha mẹ và con cái. Việc này cũng sẽ giúp giảm thiểu hành vi bạo lực đối với trẻ em bằng cách học thông qua vui chơi, củng cố các hành vi tích cực và quản lý các hành vi xấu, xây dựng cấu trúc và thói quen, cũng như quản lý căng thẳng và xung đột.
Từ 0-3 tuổi là giai đoạn phát triển quan trọng, giúp chúng ta giải quyết các vấn đề liên quan đến bất bình đẳng hiệu quả hơn các giai đoạn khác trong cuộc sống. Tuy nhiên, trên thế giới có khoảng 250 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở các nước có thu nhập thấp và trung bình đứng trước nguy cơ không phát triển được hết tiềm năng của mình. Nhằm hỗ trợ người chăm sóc trẻ thực hành kỹ năng chăm sóc đáp ứng và hỗ trợ phát triển về giáo dục và sức khỏe cho trẻ từ 0-3 tuổi để trẻ phát huy hết khả năng phát triển của mình, 21 quốc gia trên thế giới đang áp dụng phương pháp đánh thức tiềm năng não bộ - tức là hỗ trợ người chăm sóc trẻ thực hành kỹ năng chăm sóc đáp ứng và hỗ trợ phát triển về giáo dục và sức khỏe cho trẻ từ 0-3 tuổi để trẻ phát huy hết khả năng phát triển của mình.
Tại Việt Nam, dự án “Phát triển trí tuệ cho Tương lai tươi sáng” giai đoạn 2020-2022 do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em phối hợp cùng Ủy ban nhân dân, Phòng Giáo dục & Đào tạo và Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) thực hiện đã triển khai thí điểm và thu thập bằng chứng của việc áp dụng phương pháp đánh thức tiềm năng não bộ.
Dự án đã xây dựng các câu lạc bộ người chăm sóc trẻ và tổ chức các buổi sinh hoạt và thăm hộ gia đình. Mỗi năm, Dự án có kế hoạch thành lập 20 câu lạc bộ người chăm sóc trẻ mới tại 4 xã và 1 thị trấn ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái (02 CLB tại cộng đồng và 02 CLB tại trườngở mỗi xã). Mỗi CLB sẽ bao gồm khoảng 15 người chăm sóc trẻ. Các buổi sinh hoạt và thăm hộ được thực hiện bởi giáo viên và nhân viên y tế thôn bản để đảm bảo cung cấp các thông tin về giáo dục, y tế, và phương pháp đánh thức tiềm năng não bộ đến người chăm sóc trẻ. Đây là sự nỗ lực của Dự án trong việc xây dựng mô hình can thiệp đa ngành tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Bên cạnh đó, Dự án còn thúc đẩy môi trường phát triển của trẻ thông qua các hoạt động như cung cấp các tài liệu phù hợp cho giáo viên/nhân viên y tế, đồ chơi, sách, truyện cho trẻ, các sự kiện và chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi cho người chăm sóc trẻ, tăng cường sự tham gia của người chăm sóc trẻ là nam giới, các cuộc họp/hội thảo tăng cường sự phối hợp đa ngành, tích hợp phương pháp đánh thức tiềm năng não bộ vào các hoạt động thường quy của ngành Y tế và Giáo dục. Để nhân rộng các tiếp cận trong tương lai, Dự án sẽ tiếp tục nỗ lực vận động chính sách nhằm hỗ trợ trẻ phát huy hết khả năng của mình thông qua các biện pháp can thiệp sớm về sức khỏe và giáo dục.
Qua 2 năm thực hiện, Dự án đã góp phần thay đổi tích cực đến kiến thức và thực hành của người chăm sóc trẻ trong việc chăm sóc trẻ ở độ tuổi từ 0 - 3. Theo kết quả báo cáo, trong năm thứ hai áp dụng phương pháp đánh thức tiềm năng não bộ, kiến thức của người chăm sóc trẻ về chăm sóc đáp ứng và hỗ trợ phát triển tăng mạnh từ 46% lên đến 76%. Tương tự, việc thực hành các bí quyết chăm sóc đáp ứng và hỗ trợ phát triển về giáo dục và sức khỏe cho trẻ cũng có những thay đổi đáng kể. Cụ thể, 59% người chăm sóc trẻ đã áp dụng phương pháp đánh thức tiềm năng não bộ trong quá trình chăm sóc trẻ. Bên cạnh đó, phương pháp đánh thức tiềm năng não bộ cũng đang được thử nghiệm tích hợp vào các hoạt động thường quy của ngành Giáo dục và Y tế địa phương.
Việt Nam là một trong những nước cam kết mạnh mẽ đảm bảo quyền trẻ em, chống phân biệt đối xử và bạo lực đối với trẻ em với một loạt các công ước quốc tế. Theo đó, mọi trẻ em có quyền được chăm sóc và tiếp cận giáo dục sớm với chất lượng cao, được bảo vệ nhằm đảm bảo phát triển toàn diện. Thực hiện những cam kết này đồng nghĩa cần phải quan tâm, tăng cường hơn nữa sự tham gia của cha mẹ – những người có vai trò đặc biệt nhất trong chăm sóc, bảo vệ, nuôi, dạy con cái trưởng thành. Do đó, cần cung cấp thông tin đáng tin cậy, các kĩ năng và các công cụ hỗ trợ cha mẹ và người chăm sóc trẻ nhằm giúp họ thực sự tìm thấy niềm vui trong vai trò của mình, đồng thời đem lại cho trẻ sự khởi đầu tuyệt vời trên con đường gặt hái tiềm năng tối đa của mình trong cuộc sống.