Tại hội thảo về thực trạng lạm dụng hóa chất trong thức ăn chăn nuôi và thực phẩm diễn ra sáng nay, 15/7, Chi cục Thú y thành phố cho biết trong sáu tháng đầu năm đoàn thanh kiểm tra của chi cục đã thực hiện lấy mẫu nước tiểu của 551 lô heo với 1.225 mẫu tại các cơ sở giết mổ, kết quả cho thấy có 38 lô (6,89%) với 116 mẫu (9,47%) dương tính với chất cấm họ Beta-agonist (Salbutamol). Các mẫu này là heo được nuôi ở các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Bình Thuận, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương.
Đồng thời, đoàn thanh tra cũng lấy mẫu kiểm tra chất cấm đối với các trường hợp vận chuyển, giết mổ trái phép. Cụ thể, lấy 48 mẫu trên 25 lô heo, phát hiện 5/25 lô (10 mẫu) dương tính với Salbutamol (20%), không có lô hàng dương tính với Ractopamin.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế, hiện Sở Nội vụ đã trình UBND TPHồ Chí Minh đề án về việc thành lập Ban quản lý an toàn thực phẩm. Nếu được thông qua, đây sẽ là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND thành phố, chịu trách nhiệm chính về an toàn thực phẩm tại thành phố.
Tuy vậy, theo ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHồ Chí Minh, tình hình quản lý, kiểm soát nguồn thực phẩm tại thành phố đã có những thay đổi tích cực.
An toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề nhức nhối hiện nay ở Việt Nam. Ảnh: Vũ Yến
Trong 6 tháng đầu năm các cơ quan chức năng đã kiểm tra, kiểm soát và cho lưu thông 1,3 triệu con heo vì đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tương đương với hơn 117.000 tấn thịt heo (gồm 86.200 tấn của thành phố và trên 31.000 tấn từ các tỉnh), 5.600 con trâu bò, khoảng 20 triệu con gia cầm. Song song đó, cũng kiểm soát chặt chẽ trên 75.000 tấn thực phẩm đông lạnh, tăng 26,89% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, sản phẩm từ gia cầm chiếm tỷ lệ lớn (gần 52%), thịt trâu gần 23%.
Ngoài ra, khi kiểm tra 74 hộ/cơ sở chăn nuôi gia súc tại 6 quận huyện (quận 9, 12, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Bình Tân), kiểm tra nhanh 18 mẫu nước tiểu/13 cơ sở chăn nuôi heo nghi ngờ tại quận 9, Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi thì thấy kết quả các mẫu kiểm tra đều âm tính.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại trước tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại thành phố.
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHồ Chí Minh, để giải quyết vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần đẩy mạnh công tác truyền thông sức khỏe, công khai minh bạch tên tuổi, địa chỉ các cơ sở sản xuất/doanh nghiệp vi phạm cũng như thực hiện tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, giám sát chặt chẽ nguồn thực phẩm đưa ra thị trường, nhất là nguồn thực phẩm từ các tỉnh, thành đưa về TPHCM…