Góp tiếng nói đấu tranh cho những người bị bạo hành
Câu chuyện phim lấy bối cảnh đêm cuối cùng trong đám tang người cha giàu có của nhân vật Toàn (Kiến An đóng). Thời điểm này, các con của ông Toàn là Kim Hoàng (Xuân Trang đóng), Xuân Thanh (Nhã Uyên đóng) và Kim Bảo (Kim B đóng) tề tựu sau thời gian dài không gặp nhau. Biến cố đến khi ông Toàn vì cờ bạc, bị các đối tượng cho vay đến tận đám tang ra tối hậu thư sẽ giết nếu không trả 3 tỉ đồng trước 6 giờ sáng. Từ đó, những nỗi đau dồn nén, uẩn khúc trong mỗi nhân vật dần được hé mở…
Tất cả bi kịch trong phim xuất phát từ cách nuôi dạy "thương cho roi cho vọt" lưu truyền qua nhiều thế hệ. Bạo lực gia đình được miêu tả như một căn bệnh có tính lây lan mạnh mẽ. Ông Toàn được nuôi dưỡng bởi người cha nghiêm khắc, cứng rắn. Khi trưởng thành, ông trở thành người gia trưởng, thường đánh vợ/con khi họ làm trái lời. Xuân Thanh và các anh em lớn lên cùng đòn roi, chứng kiến mẹ bị cha đánh đập. Quá khứ trở thành vết thương tâm lý nặng nề với cô, dẫn đến căn bệnh trầm cảm. Xuất thân từ gia đình không hạnh phúc ảnh hưởng lớn tới cuộc sống hôn nhân của Xuân Thanh, dẫn đến vụ ly dị và cô bị chồng cấm gặp con. Bà Gái - vợ ông Toàn hay Xuân Thanh là nạn nhân nhưng cũng trở thành người gây ra đau đớn cho con cái những lúc tức giận. Bạo hành giống một thói quen ngấm sâu vào hành vi, suy nghĩ của họ từ lúc nào không hay. Phim khuyến khích người xem lên tiếng, phản kháng trước bạo hành. Xuân Thanh vượt qua những ám ảnh quá khứ và đứng lên bảo vệ những người mình yêu thương khỏi nạn bạo hành.
"Bộ phim có thể phần nào góp tiếng nói đấu tranh cho những người bị bạo hành, đồng thời thay đổi nhận thức về vấn nạn nhức nhối này" - Nhã Uyên - nhà sản xuất, biên kịch, diễn viên chính chia sẻ.
“Đêm tối rực rỡ” đã khắc họa thành công các biểu hiện sang chấn tâm lý, trải nghiệm tuổi thơ tiêu cực, sang chấn tích hợp...
Chuyên gia tâm lý lâm sàng – PGS, TS Đặng Hoàng Minh (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận xét
Ðiều rực rỡ chính là những giá trị yêu thương gia đình
“Ðêm tối rực rỡ!” nhận được nhiều phản hồi tích cực nhờ câu chuyện đầy ám ảnh và thông điệp sâu sắc. Bộ phim khiến khán giả ngỡ ngàng bởi chất đời trong từng bối cảnh, từng nhân vật - đặc biệt hơn khi nó được tái hiện bởi đạo diễn người Mỹ Aaron Toronto sống ở Việt Nam gần 20 năm. Chủ đề bạo hành gia đình và những hệ lụy tâm lý từ vấn nạn này được phim khai thác đến tận cùng, với những bi kịch được đẩy lên đến đỉnh điểm khiến người xem như bị bóp nghẹt trong nỗi đau của nhân vật.
Hạnh phúc gia đình không thể có nếu mỗi chúng ta không có cách cư xử đúng đắn với người thân. Bạo lực trong ứng xử gia đình phải được nhận diện sớm. Nạn nhân không thể im lặng chịu đựng để rồi mang chấn thương tâm lý suốt đời, hoặc bi kịch hơn là lại trở thành người bạo lực với thế hệ sau theo kiểu “giận cá chém thớt”.
“Phải học cách yêu thương nhau” là một câu đề dẫn từ “Ðêm tối rực rỡ!”. Nhã Uyên hy vọng tác phẩm có thể góp thêm hồi chuông đấu tranh cho những nạn nhân bị bạo hành, đặc biệt là trẻ em. Sau đêm đen và mất mát, thì điều rực rỡ chính là những giá trị gia đình cần gìn giữ. Tình yêu thương, thấu hiểu, tôn trọng lẫn nhau giữa những người thân trong gia đình là giá trị vĩnh cửu.
Là người chắp bút cho kịch bản phim, Nhã Uyên bộc bạch rằng, khi viết kịch bản “Ðêm tối rực rỡ!”, cô đã lấy một số tư liệu từ chính những trải nghiệm bản thân từng bị bạo hành trong quá khứ, và từ những bạn bè, người thân xung quanh. "Lúc phỏng vấn những người bạn, chúng tôi nhận ra họ đều từng bị bạo hành trong gia đình. Tùy theo mức độ bạo hành, là thể xác hay tinh thần... họ khó có thể hạnh phúc được. Tôi cảm nhận được phần nào nỗi đau của họ trong lòng, chính vì vậy chúng tôi đã quyết tâm làm dự án này" - Nhã Uyên tâm sự.
Sự bạo hành trong xã hội diễn ra ở nhiều mức độ và hình thái khác nhau. Bạo hành thể chất sẽ để lại dấu vết trên cơ thể, còn bạo hành tâm lý như một thứ vô hình có thể tác động xấu đến cả cuộc đời một con người. “Tuy nhiên, Uyên không muốn trách những thế hệ trước. Cái quan trọng là trong một chuỗi mắt xích đó thì mỗi chúng ta hãy cố gắng là người bình tĩnh, nhận thức và phá nó đi, để tương lai con cái chúng ta không tiếp tục rơi vào chuỗi mắt xích đó” - Nhã Uyên chia sẻ.
Diễn viên Huỳnh Kiến An – người đóng nhân vật Toàn trải lòng: “Sau mỗi cảnh ông Toàn ra tay hành hạ vợ con, tôi càng thêm ghét nhân vật này. Nhưng mình vẫn phải cố gắng làm tốt, để lên án vấn nạn bạo hành gia đình”.
Với đề tài xã hội gai góc, “Ðêm tối rực rỡ!” hiện đang nhận được khá nhiều sự quan tâm của khán giả và những nhận xét tích cực từ các nhà chuyên môn trong lĩnh vực tâm lý. PGS, TS Trần Thành Nam (ÐH Giáo dục, ÐH Quốc gia Hà Nội) nhận xét, “Ðêm tối rực rỡ!” đã cho thấy sự tinh tế thông qua những hồi tưởng về trải nghiệm tiêu cực (thể hiện ảnh hưởng của chứng rối loạn hậu sang chấn - PTSD); hay hành động tự làm đau về thể chất để quên đi nỗi đau về tinh thần... Ðó là những yếu tố đắt mà chỉ nhà chuyên môn mới giúp khắc họa được. Xem bộ phim này cũng là cách những người từng bị bạo hành đối mặt với nỗi đau ấy, để có thể tự chữa lành và vượt qua chính mình.
Nhận thấy rõ những tác động tiêu cực của bạo hành lên trẻ nhỏ, đạo diễn Aaron Toronto cam kết trích 3% doanh thu phim dành để trao tặng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, đóng góp cho các hoạt động vì trẻ em. "Ðích đến cuối cùng của bộ phim không chỉ là để cống hiến cho khán giả, mà còn góp một ít sức lực cho tương lai tươi sáng của trẻ em" - Nhã Uyên cho biết.
Trước khi chiếu tại Việt Nam, “Đêm tối rực rỡ!” đã đoạt hai giải thưởng Câu chuyện xuất sắc và Nữ diễn viên chính xuất sắc (cho Nhã Uyên) tại Liên hoan phim độc lập Santa Fe 2022 - liên hoan dành cho phim độc lập uy tín và lâu đời tại Mỹ.