Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Văn hóa đặc sắc, huyền bí về chiếc cầu thang nhà dài của người Ê Đê

Văn hóa đặc sắc, huyền bí của các dân tộc sinh sống trên đất Tây Nguyên đại ngàn, trong đó người Ê Đê có những nét đặc sắc văn hóa phải kể đến kiến trúc nhà dài, chứa đựng một sự huyền bí, ý nghĩa sâu sắc về chiếc cầu thang được điêu khắc họa tiết “đôi bầu sữa mẹ”, thể hiện của quyền lực người phụ nữ, nét uy quyền trong văn hóa mẫu hệ, coi trọng việc nuôi dưỡng con cái, họ tôn trọng nguồn sữa nuôi dạy nên những người con trưởng thành “vầng trăng khuyết” cho khát vọng thịnh vượng, no đủ.

Đặc điểm chính của nhà dài Ê Đê là thường rất dài vì là nơi ở chung có khi của cả một dòng họ và thường xuyên được nối dài thêm mỗi khi một thành viên nữ trong gia đình xây dựng gia thất. Vì vậy có những huyền thoại nhà dài như tiếng chiêng ngân bởi vì đứng ở đầu nhà đánh chiếng thì cuối nhà chỉ còn nghe rất nhỏ, ra khỏi là mất luôn, không còn nghe thấy gì nữa.

Nhà dài của người Ê đê tại  Tây Nguyên

Nhà dài của người Ê đê tại Tây Nguyên

Nhà dài truyền thống thường được xây dựng bằng vật liệu gỗ, tre, nứa lợp mái tranh. Nhà có kết cấu cột kèo bằng gỗ tốt có sức chịu đựng dãi dầu cùng năm tháng. Các đà ngang, đòn dông luôn luôn bám nguyên tắc được đẽo hoàn toàn bằng tay, từ những cây gỗ nguyên vẹn dài có thể tới trên chục mét; đếm chúng, ta có thể biết nhà đã có thêm bao nhiêu lần được nối dài. Những lần nối dài thường là khi trong nhà có một thành viên nữ xây dựng gia thất vì người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ, người con trai khi lấy vợ sẽ đến ở nhà vợ và không có quyền hành gì.Nhà được thưng vách và lót sàn bằng các phên nứa đập nát, mái lợp cỏ tranh đánh rất dày, trên 20 cm, thường chỉ làm một lần và sử dụng vĩnh viễn không phải lợp lại. Đỉnh mái cách sàn nhà chừng 4–5 m. Gầm sàn cao khoảng hơn 1m trước đây luôn được dùng làm nơi nuôi nhốt trâu, bò, lợn, gà nên rất mất vệ sinh, sau này đã bỏ dần tuy nhiên có một số nơi vẫn theo phong tục cũ này. Khi làm nhà mới, người Ê Đê rất kiêng không bao giờ dùng lại gỗ nhà cũ mà thường đốt bỏ, tuy nhiên ngày nay phong tục này chỉ còn tồn tại ở các vùng sâu gần rừng nơi còn dễ kiếm gỗ làm nhà.Kiến trúc ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê có những đặc trưng cơ bản như hai vách dọc thẳng theo hình dạng trên rộng dưới hẹp. Hai đầu mái nhô ra như mũi thuyền. Hai cột nhà chính phía trước hiên được chạm khắc các hình ảnh cặp ngà voi, vầng trăng khuyết, con rùa, con kỳ đà và các hoa văn khác gắn liền với bản sắc văn hóa mẫu hệ.

Điều đặc biệt của căn nhà dài là chiếc cầu thang, nhà dài của người Ê Đê cũng có 2 loại, một loại cầu thang tròn, dùng thân cây gỗ nguyên khối đục các bậc thang, thường dùng làm cầu thang phụ đặt ở cửa phía sau hay đặt một bên ở phía trước, cạnh cầu thang chính. Một loại là cầu thang dẹt, thường có chiều rộng từ 0,8 - 1m, chiều cao gần 2m, và có 5 - 7 bậc lên xuống (theo quan niệm của người Ê Đê, số lẻ là số sinh, số may mắn, số phát triển).

Cầu thang dẹp đặt phía trước nhà, thường được làm bằng gỗ quý, phía đầu trên được đục hình dáng cong nhẹ như mũi thuyền. Cầu thang có ý nghĩa rất quan trọng, linh thiêng với người Ê Đê, bởi đó là nơi đầu tiên phải bước lên để vào trong nhà. Ở một số gia đình, chiếc cầu thang dẹp được chạm khắc tỉ mỉ những họa tiết như vầng trăng khuyết, 2 bầu sưa mẹ, con rùa hay ngôi sao, hình ảnh đôi bầu sữa mẹ hình ảnh khắc họa rõ nét nhất chết độ mẫu hệ, người Ê đê coi trọng việc nuôi dưỡng con cái, họ tôn trọng nguồn sữa nuôi dạy nên những người con trưởng thành. Bên trên nữa là hình ảnh vầng trăng khuyết hình ảnh biểu trưng cho sự chung thủy, uy tín của người phụ nữ trong gia đình. Đầu cầu thang luôn được vuốt cong như hình mũi thuyền độc mộc đang lướt song vì người đồng bào luôn tưởng nhớ về các tổ tiên của họ, những người đã đi khai phá vùng đất mới

Chiếc cầu thang nhà dài của người Ê đê tại TP. Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk

Chiếc cầu thang nhà dài của người Ê đê tại TP. Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk

Già làng Y Yơh kể, người Ê Đê xưa theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, rừng cây cũng có thần cai quản. Do đó, để chọn được cây gỗ tốt làm cầu thang, trước khi đi lấy gỗ, chủ nhà phải làm lễ cúng ở nhà và sau đó là lễ cúng trước cây gỗ lớn đã chọn để xin phép được mang cây gỗ đó về nhà. Những cây gỗ này khi làm cầu thang mới được bền chắc, không bị mối mọt, mục ruỗng. Lễ vật trong lễ cúng thường là một con gà và một ché rượu.

Sau lễ cúng, gia chủ được phép bắt tay vào làm cầu thang. Nghệ nhân làm cầu thang cũng phải lựa người khéo léo, tỉ mỉ và cẩn thận, có như vậy chiếc cầu thang mới đẹp, các bậc thang đều, thẳng, có độ cao vừa phải với ngôi nhà. Đặc biệt, hình đôi bầu vú phải tròn trĩnh, cân xứng với nhau, vầng trăng khuyết được đặt cân đối, chính giữa phía trên đôi bầu vú.

Để làm hoàn chỉnh chiếc cầu thang, phải mất từ 3 đến 10 ngày, tùy theo từng nghệ nhân và sự cầu kỳ trong khắc họa chi tiết. Khi cầu thang đã hoàn chỉnh, người Ê Đê một lần nữa làm lễ cúng, báo cáo việc chiếc cầu thang đã hoàn tất và xin phép được gác lên sàn nhà để đưa vào sử dụng.

Trong quá trình sử dụng, nếu cầu thang bị hư hỏng, cũ mục thì gia chủ cũng không được tự ý thay mà phải nhân một dịp đặc biệt, khi gia đình tổ chức lễ cúng với con vật hiến sinh là con heo, bò hoặc trâu thì mới đồng thời tiến hành xin phép để làm cầu thang mới