Gia đình anh Nguyễn Như Quỳnh và chị Nguyễn Thị Thương tại Lễ tuyên dương Gia đình trẻ tiêu biểu năm 2020.
Gia đình anh Nguyễn Như Quỳnh - Trưởng Ban Thanh thiếu nhi Trường học, Tỉnh đoàn Hòa Bình và chị Nguyễn Thị Thương - Giám đốc Công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ phát triển Cộng đồng Hòa Bình, hiện đang sinh sống tại TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình là 1 trong 22 gia đình được biểu dương và tôn vinh những gia đình trẻ điển hình trong Chương trình “Tuyên dương Gia đình trẻ tiêu biểu năm 2020”. TC Gia đình & Trẻ em đã có cuộc trò chuyện cùng anh Như Quỳnh.
Nhân cách và trí tuệ con cái là tài sản lớn nhất của cha mẹ
Chào anh Quỳnh, bí quyết giữ hạnh phúc của gia đình anh là gì?
Anh Nguyễn Như Quỳnh: Với gia đình tôi, bí quyết đó là: Luôn tôn trọng nhau, chia sẻ với nhau niềm vui cũng như khó khăn trong cuộc sống và công việc; luôn thấu hiểu, yêu thương nhau; cố gắng dành nhiều thời gian cho gia đình, đặc biệt là việc chăm sóc và dạy dỗ các con, quan tâm, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ nội ngoại hai bên; thỉnh thoảng bố trí những chuyến du lịch ngắn ngày hoặc dài ngày cho cả gia đình; cùng đặt ra những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để cùng chung sức phấn đấu đạt được. Để hướng đến một gia đình ấm no, hạnh phúc, chúng tôi luôn quan niệm: “Tình cảm gia đình là thứ quý giá nhất, sức khỏe gia đình là trọng tâm nhất, văn hóa gia đình là nền tảng quan trọng nhất, nhân cách và trí tuệ con cái là tài sản lớn nhất của cha mẹ”.
Hai con anh Quỳnh dùng số tiền tiết kiệm ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19 của Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình.
Bộ Tiêu chí là công cụ để gia đình và xã hội có định hướng cụ thể trong xây dựng gia đình hạnh phúc
Theo anh, các tiêu chí trong Bộ Tiêu chí do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra thực hiện thí điểm có thiết thực và cần thiết để giữ gìn đạo đức, lối sống gia đình trong thời hiện nay?
Tôi thấy, các tiêu chí trong Bộ Tiêu chí đưa ra thiết thực và cần thiết để giữ gìn đạo đức, lối sống gia đình trong thời điểm hiện nay cũng như về lâu dài, bởi những tác động về mặt trái của kinh tế thị trường đang làm gia tăng sự biến đổi của các gia đình, đặc biệt là sự biến đổi trong kết cấu, quy mô, chức năng và quan hệ giữa các thành viên. Bộ Tiêu chí sẽ là công cụ để gia đình và xã hội có định hướng cụ thể trong xây dựng gia đình hạnh phúc và phát triển.
Với gia đình anh, thực hiện theo Bộ tiêu chí có khó không, nhất là về 4 tiêu chí chung là: Tôn trọng - Bình đẳng - Yêu thương - Chia sẻ?
Gia đình chúng tôi trước giờ cũng đã và đang thực hiện theo 4 tiêu chí: Tôn trọng, Bình đẳng, Yêu thương, Chia sẻ. Để thực hiện được 4 tiêu chí này không phải dễ và phải bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Trong đó, gia đình được hình thành phải dựa trên yếu tố tình cảm, sự yêu thương, tìm hiểu và đồng cảm của lứa đôi, có nền tảng cơ bản về công việc và thu nhập rồi mới tiến đến hôn nhân.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền Bộ Tiêu chí đến các gia đình, dòng họ và cộng đồng
Hiện Bộ Tiêu chí đang thực hiện thí điểm ở 12 tỉnh /thành. Anh thấy áp dụng có gì khó khăn ở địa bàn mình và có kiến nghị hay mong muốn được Bộ VHTT&DL cho thực hiện ở tỉnh mình không?
Địa phương tôi sinh sống là một tỉnh miền núi, với trên 70% dân số là đồng bào dân tộc, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Phần nhiều các gia đình và cộng đồng chưa biết được đã có Bộ Tiêu chí cũng như việc triển khai thí điểm của Bộ VHTT&DL. Đây cũng sẽ là những khó khăn cơ bản khi triển khai Bộ Tiêu chí này tại địa phương. Vì vậy, tôi đề xuất Bộ VHTT&DL cùng các cấp, các ngành liên quan cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu các nội dung của Bộ Tiêu chí đến các gia đình, dòng họ và cộng đồng; Có sự đánh giá khách quan để ghi nhận và biểu dương các gia đình tiêu biểu về hạnh phúc và phát triển, cũng như thực hiện tốt các nội dung của Bộ Tiêu chí.
Vợ giận thì chồng nhường nhịn
Vợ chồng anh thường “hóa giải” sự mâu thuẫn khó tránh khỏi trong cuộc sống thế nào để gia đình luôn hòa thuận, hạnh phúc?
Cuộc sống gia đình không tránh khỏi những lúc bất hòa, mâu thuẫn. Những lúc như vậy, vợ chồng tôi thường nhường nhịn nhau. Vợ giận thì chồng nhường nhịn, để khi bình tĩnh lại thì cả hai cùng ngồi nói chuyện, tìm cách xử lý, giải quyết vấn đề. Chúng tôi cố gắng không để tình trạng mâu thuẫn hay “chiến tranh lạnh” kéo dài.
Anh chị dạy con tình yêu thương gia đình thế nào?
Dịp này, chúng tôi đưa các con và ông bà về quê thăm các cụ, các ông, bà và họ hàng (quê tôi ở ngoại thành Hà Nội) và thắp hương tổ tiên. Mua biếu bố mẹ hai bên những món quà ý nghĩa. Kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình dạy con đó chính là thời gian giãn cách xã hội, cả gia đình có 2 tuần trọn vẹn bên nhau. Chúng tôi và các con cùng chơi thể thao, làm vườn, cùng nấu ăn và quay cho các con những clip thú vị về các bài nhảy, các món ăn ngon ở nhà để hưởng ứng phòng chống Covid-19. Các con hiểu được những khó khăn, vất vả của các y, bác sĩ và cô chú đang tham gia chống dịch, nên đã đề xuất đập lợn dùng số tiền tiết kiệm ủng hộ Quỹ Phòng chống Covid-19 của Ủy ban MTTQ tỉnh với số tiền gần 3 triệu đồng.
Hành trình anh chị đã cùng nhau vượt qua khó khăn để có được hạnh phúc hôm nay thế nào?
Đó là một hành trình tương đối dài, với hơn 2,5 năm tình yêu sinh viên cùng 10 năm gắn bó là vợ chồng, là cha, là mẹ, cùng tương lai dài phía trước. Đó là hành trình được xây dựng từ tình yêu trong sáng dưới mái trường đại học, sự thấu hiểu, đồng cảm khi xác định những khó khăn tương lai và vượt qua để tiến tới hôn nhân. Đó là những khó khăn trong cuộc sống cùng những thành công, có cả thất bại trong lập nghiệp, khởi nghiệp… Nhưng chúng tôi vẫn luôn tin tưởng, thương yêu và chia sẻ cùng nhau, để có một cuộc sống tương đối tốt đẹp và một gia đình hạnh phúc như ngày hôm nay.
Xin cảm ơn anh. Chúc gia đình anh chị ngày càng hạnh phúc và phát triển.
Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện.
Hồng Nga (thực hiện)/TC GĐ&TE