Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Văn hóa uống của người xưa

Bởi trong ngôn ngữ hiện đại, từ “văn hóa” đang bị lạm dụng, ngay cả nhiều việc không đẹp lắm cũng được gọi là văn hóa. Ngày xưa, tổ tiên ta chủ yếu là uống trà và uống rượu, và đều được nâng lên thành thú ẩm thực chứ không chỉ đơn giản là đồ uống.
 
 


Ngày xưa các nhà Nho mời rượu nhau gọi là “Chén tạc, chén thù”. Chủ rót rượu mời khách gọi là “tạc”, khách đáp lễ gọi là “thù”. Trong các cuộc vui có uống rượu, người xưa thường đọc thơ, bình thơ, nên có chữ “bầu rượu, túi thơ”.
 
Đua chi chén rượu câu thơ
Thuốc lào ngon nhạt, nước cờ thấp cao
(Nguyễn Trãi- Gia huấn ca)
 
Rượu, thời xưa, trước tiên dùng trong lễ nghi: vô tửu bất thành lễ. Trong đời thường, rượu trong tiệc tùng, ăn uống, bạn bè gọi là nhậu. Người đàn ông Việt Nam xưa nay tự cho rằng Nam vô tửu như kỳ vô phong, và lắm người tự hào mình là đệ tử của Lưu Linh, một nhân vật văn học nổi tiếng về tửu lượng
 
Rượu là một trong những phát minh kỳ diệu nhất của con người. Từ đời xưa, rượu được dùng để tế lễ thần linh, để các vua chúa tiếp đãi nhau, và cũng để mọi người dân chúc nhau trong những lúc vui vẻ, chẳng hạn vào dịp Tết đến xuân về. Nhưng trong rượu có một ma lực gì đó (ma men) làm cho người uống có thể thay đổi sắc thái, đôi khi không tự chủ được và có thể biến thành một người khác hẳn. Vì thế sách cổ có “xếp loại” khi uống rượu là Tiên tửu, Phật tửu, Cuồng tủu, Tục tửu hoặc Ti tửu. Rượu uống với người tri âm, tri kỉ, thổ lộ được với nhau những nỗi niềm tâm sự mà ngay cả người thân trong gia đình cũng không nói được. Lúc này càng uống càng tỉnh. Đó là Tiên tửu.  Rượu uống say rồi ngủ khì, đó là Phật tửu. Rượu vào lời ra, nói năng văng mạng, ăn uống thô tục, gây gổ đánh nhau, đó là Tục tửu. Mượn chén rượu để khích bác, bói xấu nhau một cách vô liêm sỉ, đó là Ti tửu (ti ở đây ta hiểu theo nghĩa ti tiện).
 
 
 
Trong dân gian có nhiều chuyện về trà và rượu, mặc dù hai thức uống đó không dùng cùng một lúc, nhưng sự thâm thúy của nó thì vô cùng bởi ngoài là thú ẩm thực, lại là cách để phòng bệnh:
 
Bán dạ tam bôi tửu
Bình minh nhứt trản trà
 
Nhất nhất đắc như thử
 
Lương y bất đáo gia
(Nửa đêm uống ba chung rượu
Sớm mai uống một chén trà
 
Ngày nào cũng làm như vậy
 
Thấy thuốc chẳng cần đến nhà).
 
Ta cũng hình dung được những thời khắc đó đối với người sành trà, rượu nó có ý nghĩa và giá trị như thế nào. Cái thanh vắng lúc nửa đêm thức giấc, chợt tỉnh mà uống đôi ba chén rượu, càng làm cho tâm hồn, trí óc thư thái minh mẫn, suy ngẫm thấu đáo sự đời, thân phận. Cũng như khi ánh mặt trời sắp ửng hồng, ló dạng trong màn sương và làn gió sớm ban mai, trong vắt âm thanh mà uống một cốc trà thì còn gì sảng khoái, tỉnh táo sau một đêm dài say ngủ, mơ màng.
 
Không hiếm những bữa rượu, cuộc rượu, tiệc rượu, cuốc rượu, tối rượu, chén rượu, mâm rượu, bàn rượu đã trở thành tri âm tri kỷ, trở thành câu hẹn, lời thề, sự trân trọng biết ơn, sự nhớ thương dịu vợi ở những con người lấy chữ tâm, chữ đức trong sáng làm trọng.
 
Rồi từ rượu, lại có những câu ám chỉ, đại loại: “Nam vô tửu, như kỳ vô phong” (Đàn ông không rượu, như lá cờ không có gió). Ý nói, rượu làm cho các đấng mày râu mới mạnh mẽ, dũng mảnh, oai vệ hơn. Nhưng sợ nhất là “Tửu nhập ngôn xuất” (Rượu vào lời ra), lại ra những lời dữ dằn, tục tĩu, không làm chủ được bản thân, gây lắm điều bất bình tai hại khôn lường, của đám “đệ tử Lưu Linh”, để cho ma men lung lạc.
 
Theo những thuyết đó, thì có đến ba bảy cách dùng rượu, dùng trà. Tưởng như “trà tam, tửu tứ” được coi như cái thú ở đời, mà mỗi thứ đều chứa đựng niềm vui thú hiếm hoi không dễ gì có được ở các loại ẩm thực khác. Nhưng mỗi việc hiểu một cách chính xác con số “tam và tứ” (trà ba, rượu bốn) mà cha ông ta truyền lại cũng đã khó khăn. “Ba và bốn” nó là số thứ tự hay là số lượng? Uống ba cốc trà và bốn chén rượu là đủ. Căn cứ vào đâu, lý do gì, vì sao chỉ uống chừng đó? Hay là ba người, bốn người cùng uống... Sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau cùng tồn tại. Mọi cách suy đoán đều được chấp nhận bởi đều có lý, tùy theo hoàn cảnh mà vận dụng khi nhắm rượu và thưởng trà, miễn sao, đều phải đẹp, vui và không làm phiền đến người khác.
 
Có người giải thích “trà tam” là cuộc trà chỉ nên có ba người. Ba người cùng tận hưởng thì mới vui, hai người vẫn là số ít, còn một người thì chả có gì lý thú, thi vị. Còn “tửu tứ” là bữa rượu phải có bốn người ngồi chạm ly (chén) đối ẩm thù tạc, khề khà với nhau qua hơi men mới thấm thía tận gan ruột. Như thế “tam, tứ” (ba, bốn) ở đây chỉ số lượng chủ thể là người uống.
 
Cũng có thuyết cho rằng, uống trà phải đủ ba cốc mới thưởng thức hết được cái hương vị chát ngọt của trà, lúc đó mới thông nhuận được thần khí hào sảng. Còn rượu phải bốn chén mới ngấm từ đầu lưỡi vào ngũ tạng và mùi vị sực nức mới đủ tỏa hương dẫn tới ngà ngà. Có một lập luận mềm dẻo hơn cho rằng “trà tam” là trà pha đến nước thứ ba mới đích thực nước cốt của trà cả về màu sắc lẫn tinh chất. Còn nước một chỉ là rửa trà, nước hai còn chát, cứng, nước thứ tư trở đi gần như loãng, nhạt, mùi vị rơi rớt. Như vậy, “trà tam” là nhấn mạnh đến phương thức pha chế và chất lượng của trà, chứ không phải loại trà nào cũng qua ba bước, ba bận mới ngon.
 
Còn rượu thì nồng độ phải là “sủi tăm”, “cuốc lủi”, sực nức cay nồng, không nhạt thếch, không cháy cổ mới là rượu ngon, nhắm đến chén thứ tư “tửu tứ” là vừa đủ độ ngà, là ranh giới giữa chừng mực và độ bốc, ngây ngất trong men, trong hương rượu. Mấy lý lẽ vừa nói, có lẽ là quá trình chiêm nghiệm, “tổng kết” của cha ông ta từng trải trong thế giới nhắm rượu, thưởng trà hàng mấy trăm năm mà ra.
 
Cụ Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Khuyến cũng nói thật lòng về cái bi, hài của bậc túc nho thi bá của các cụ:
 
“Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua”
 
Chỉ có “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” của những người đồng chí hướng, những người thân, bạn hiền cùng ngồi với nhau trong cuộc rượu, cuộc trà thì mới bộc bạch, dịu vợi, như cởi tấm lòng. Không bao giờ kẻ đối nghịch, hung hãn, phản trắc có thể nhắm rượu, thưởng trà một cách văn hóa, thanh lịch. Nếu có, họ uống để bộc lộ hoặc che lấp hành vi phi đạo đức của kẻ tiểu nhân mà thôi. Không cần luận ra, mà nhãn tiền đã cho ta biết hai thái cực, hai đối tượng dùng rượu và trà trong thế gian như tiền nhân đã nói ở trên.
 

Nhân những ngày cuối năm, khi mà chúng ta luôn tất bật với các buổi kỷ niệm, tổng kết, liên hoan, nhắc lại một chút về văn hóa uống của tổ tiên, để thấy rằng cha ông ta đã luôn cố gắng biến sự uống thành văn hóa. Chúng ta tiếp thu tinh hoa của các cụ, lấy nét đẹp của phong tục uống rượu từ Tây phương hay từ đâu đó, biến thành của mình, ấy cũng là vừa kế thừa vừa phát tiển. 

Theo Phi Vân (Giadinhvietnam.com)