Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Vất vả tàu xe sau Tết

“Bình thường đi xe ô tô khách Hà Tĩnh – Quảng Ninh chỉ mất 250 nghìn đồng/1 vé nhưng mấy ngày sau Tết giá vé tăng lên hơn gấp đôi, mức 550 nghìn đồng dù đã phải đặt vé trước ….”, anh Nguyễn Huy Hiệu (Hương Sơn, Hà Tĩnh) chia sẻ nỗi vất vả tàu xe trở lại công ty làm việc sau Tết.

 

Nhà xe tăng giá

Dọc tuyến đường tránh ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh những ngày đầu năm lượng người đổ ra đường đón xe vào Nam ra Bắc rất đông. Các điểm ngã ba, ngã tư, các quán nước bên đường trở thành nơi ngồi chờ xe của mọi người. Hành khách đông nên dù nhà xe hoạt động hết công suất vẫn khó đáp ứng được nhu cầu của hành khách. Lợi dụng tình thế này, nhiều nhà xe ép giá khách “trên trời”. Giá vé từ TP Thanh Hóa đi Hà Nội bình thường khoảng 100.000 đồng nay được hét lên 200.000 đồng. Còn xe từ Thanh Hóa vào Sài Gòn được hét giá 1.200.000 đồng – 1.500.000 đồng/vé.

Người dân vất vả chờ tàu trở lại thành phố sau Tết.

 

Dọc tuyến quốc lộ 1A từ Thanh Hóa vào Hà Tĩnh, các điểm đông khách đón xe nhất là các điểm “nối” với các tuyến đường từ các huyện miền Tây Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh về. Theo ghi nhận, người đón xe đông nhất là tại ngã ba Yên Lý, Diễn Châu, Quán Hành (Nghệ An), thị trấn Xuân An, hai điểm đầu đường tránh Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh)… Nếu như ngày thường, giá vé xe ô tô khách Hà Tĩnh – TP Hồ Chí Minh chỉ 650 nghìn đồng thì sau Tết, mức giá đẩy lên 1,6 triệu đồng/vé. Giá vé xe ô tô đi Hà Nội cũng tăng lên mức 300 - 350 nghìn đồng/vé so với 190 nghìn đồng/vé ngày thường.

 “Dù vé vẫn ghi giá 650 nghìn đồng tuyến Hà Tĩnh – TP Hồ Chí Minh nhưng nhà xe vẫn thu tận 1,6 triệu đồng. Chúng tôi có thắc mắc thì nhà xe giải thích, ngày Tết xe phải chạy trống 1 chiều nên phải thu thêm, nếu không thích thì chuyển xe khác. Ngày Tết, xe nào cũng đông, cũng đắt như nhau không đi thì chỉ còn nước chậm ngày làm. Những người làm việc tại các doanh nghiệp còn có tổ chức công đoàn, có cơ hội nhận vé xe miễn phí chứ chúng tôi làm phụ quán ăn nên chưa bao giờ được đi xe về quê miễn phí như các bạn. Tết ra đi làm muộn, chủ quán nhận người khác thì mình chỉ có mất việc, lại vất vả tìm việc mới nên vé xe có đắt cũng phải nhảy lên xe để đi”, chị Nguyễn Thu Hiền (Hương Sơn, Hà Tĩnh) than thở.

Chen nhau lên tàu

Không chỉ xe khách tăng giá, nhồi nhét mà tàu hỏa cũng đông không kém. Mặc dù đã tăng chuyến, nhưng tàu hỏa vẫn rơi vào tình trạng hết vé. Bán hết vé chính, nhưng do nhu cầu của người dân quá đông nên vé phụ được bán ra. Để có thể kịp trở lại thành phố làm việc sau kỳ nghỉ lễ, nhiều hành khách chấp nhận mua ghế phụ.

Xe khách ngày Tết đông và đắt

 

Chị Bùi Minh Châu (Nghệ An), hiện đang làm việc tại Cty Canon (Đông Anh, Hà Nội) dù mua vé trước Tết nhưng chị cũng chỉ có thể mua được vé tàu ngồi phụ. Ngồi bằng ghế nhựa từ ga Cầu Giát (Nghệ An) ra đến Hà Nội, đứa con nhỏ gần 1 tuổi của vợ chồng chị Châu vật vã khóc lóc vì tàu chật chội, ngột ngạt. Các lối đi đều được xếp ghế nhựa cho khách ngồi nên muốn bế con lên đi vệ sinh còn khó chứ chưa nói đến ngồi mãi 1 chỗ gần 8 tiếng đồng hồ con khóc... “Biết ngồi ghế phụ lại có con nhỏ là vất vả nhưng tôi không có lựa chọn nào khác đành phải đi. Đi xe ô tô những ngày trước và sau Tết đông không kém mà giá vé còn đắt hơn cả vé tàu. Năm có 1 lần về quê vào dịp Tết với gia đình nên dù đi tàu có đông và vất vả cũng cố mà chen”, chị Châu chia sẻ.

Để tránh chen lấn nhau đi tàu, xe đầu năm, một số người lao động ngoại tỉnh chọn đi bằng xe máy lên thành phố. Anh Bùi Văn Thắng quê ở Thanh Hóa, hiện đang làm làm công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cho biết: “Nhà tôi cách Hà Nội gần 150km nhưng vẫn tôi chọn đi, về quê bằng xe máy bởi năm nào trước và sau Tết tàu xe cũng đông và tăng giá. Dù đi xe máy nguy cơ tai nạn giao thông cao do đường rất đông và khá vất vả nhưng mình đi chậm, cẩn thận một chút là đến được phòng trọ an toàn. Đi xe máy mình lại có thể chủ động thời gian đi và về vì cả chỗ làm việc và nhà ở quê đều không gần bến xe. Có những năm mua vé tàu từ quê ra Hà Nội hết chưa đến 200 nghìn đồng nhưng tàu ra muộn, không còn xe buýt phải bắt taxi đi từ Ga Hà Nội về đến nơi thuê trọ ở Đông Anh mất hơn 300 nghìn đồng”.

Tàu xe mỗi dịp trước và sau Tết vẫn là nỗi ám ảnh của nhiều người khi nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến. Dù đi đâu, làm gì, Tết đến ai cũng muốn được về quây quần bên gia đình rồi tất bật trở lại thành phố làm việc khi hết Tết và câu chuyện tàu xe tăng giá, nhồi nhét...