Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Theo ông Hồ Tùng Bách, Phòng bảo vệ quyền lợi NTD, Cục Quản lý cạnh tranh, 100% các tổ chức tín dụng tiêu dùng cung cấp thông tin lãi suất với người vay rất “chào mời”, chỉ 2 - 3%/tháng, tức khoảng hơn 20 - 30%/năm, nhưng sau khi ký hợp đồng vay tín dụng, NTD mới ngã ngửa vì lãi suất thực tế có thể lên tới 80%/năm, nhưng vì đã ký hợp đồng nên đành chịu. “Mặc dù giá trị các tranh chấp này không lớn, nhưng sự việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài chính, danh dự, sức khỏe của NTD. Mặt khác, sự phát triển bền vững của thị trường tín dụng tiêu dùng cũng bị tác động tiêu cực”, ông Bách nhận định.
Không những vậy, theo đại diện của Cục Quản lý cạnh tranh, rất nhiều tổ chức tín dụng tiêu dùng hiện nay khi tư vấn cho khách hàng thì hoàn toàn không cung cấp thông tin gì về thời hạn, phương thức trả nợ; quá hạn trả nợ sẽ ra sao…
Trong nhiều trường hợp, NTD đã ký hợp đồng vay tiêu dùng song lại không được cung cấp hợp đồng, mà chỉ được cấp 1 chiếc thẻ, hoặc một vài giấy tờ về thời hạn trả nợ. Nhân viên tư vấn giải thích hợp đồng đã ký sẽ phải trả trực tiếp về Cty và hợp đồng sẽ gửi đến NTD qua bưu điện. Một phần do chủ quan, một phần do thiếu kiến thức lẫn hiểu biết, NTD tin tưởng và thật thà chấp nhận.
“Chính cách thức này cũng dẫn tới những vi phạm trong hoạt động tín dụng tiêu dùng bởi không ít hợp đồng bỏ trống phần lãi suất cho vay khi NTD đặt bút ký”. Ông Hồ Tùng Bách cho biết thêm. Theo bà Đinh Thị Thanh Nhàn (Đại học Thương mại Hà Nội), hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang hàm chứa nhiều bất ổn. Nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ, phù hợp thì có thể dẫn đến hệ lụy cho nền kinh tế.
Bà Nhàn cho rằng, một phần là vì hiện nay pháp luật chưa có quy định riêng cho vay tiêu dùng, do đó toàn bộ vấn đề cho vay tiêu dùng lại đều dựa vào quy định chung tại Luật Tổ chức tín dụng. Trong khi đó, tại Luật này các phần liên quan tới giới hạn, hạn mức, thủ tục cho vay đối với các ngân hàng, Cty tài chính đã quá lạc hậu đối với cho vay tiêu dùng.
“Năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng Dự thảo về hoạt động tiêu dùng cho các Cty tài chính. Theo đó, yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thành lập Cty tài chính nếu muốn cho vay tiêu dùng, đồng thời đáp ứng được các quy định để đảm bảo tính xác định lãi suất, tính minh bạch cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay thông tư này chưa được thông qua. Theo quy định lãi suất trần quy định cho vay tiêu dùng là 20% mỗi năm, nhưng trên thực tế, con số này vọt lên tới 80% thì quả là đáng báo động và cần nhanh chóng có giải pháp chấn chỉnh, quản lý", bà Nhàn nhấn mạnh. Ngoài ra, để bảo vệ NTD khi “sự đã rồi”, bà Nhàn kiến nghị, các cơ quan bảo vệ NTD cần thanh tra, kiểm tra, sửa chữa ngay các hành vi sai trái; yêu cầu bên cho vay, bán hàng phải hoàn trả các khoản phí quá cao, vượt quá quy định; dỡ bỏ các quảng cáo gây nhầm lẫn; phạt, công bố vi phạm công khai, bắt bồi thường thiệt hại hay thu hồi giấy phép kinh doanh của các tổ chức tín dụng vi phạm pháp luật.
Theo các chuyên gia, để NTD không bị rơi vào “bẫy” tín dụng tiêu dùng, giải pháp đầu tiên là nâng cao nhận thức và kiến thức của NTD để “tiêu dùng thông minh và có trách nhiệm”. Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải có cảnh báo, công cụ tư vấn, hỗ trợ thông tin cho NTD; khuyến khích môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng; nâng cao trách nhiệm giám sát và quản lý của cơ quan chức năng đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, đặc biệt là minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng.