Cơn lốc hàng không giá rẻ đã có sức hút đến độ lôi được khách hàng bất kể nam phụ lão ấu từ trẻ vị thành niên đến các vị U50 học các chiêu cách đặt vé online để săn cho được tấm vé rẻ đi du lịch, đi thăm thân.
Vé bay rẻ, đặc biệt là vé 0 đồng sau khi cộng các loại thuế, phí sân bay thì cũng chỉ có giá vài trăm ngàn đồng: Thật khó từ chối. Rất nhiều người bước chân lên máy bay lần đầu tiên là máy bay của hãng hàng không giá rẻ. Chẳng có lý do gì để những chiếc vé rẻ, vé khuyến mãi 0 đồng "lợi cả đôi đường" cho cả hãng bay và hành khách phải nhận lệnh khai tử, biến mất khỏi thị trường vì một đề xuất nặng tính ích kỷ: Áp giá sàn vé máy bay!
Trước đó đã có những thông tin ít nhiều liên quan đến hành không giá rẻ mà người ta cho rằng hợp lý cho việc đề xuất áp giá sàn vé máy bay.
Đó là tình trạng "ùn tắc máy bay" trong đường băng, số lượng máy bay và chuyến bay tăng trưởng chóng mặt, khiến nhiều chuyến máy bay phải bay vòng để chờ hạ cánh. Nguyên nhân được cho rằng do hàng không phát triển quá nóng, sự tăng ồ ạt máy bay của hãng hàng không giá rẻ, tần suất bay tăng cao... dẫn đến hạ tầng không theo kịp.
Thậm chí còn có ý kiến về "hàng không giá rẻ cướp khách đường sắt". Nghe cứ thấy không được "fair" cho lắm.
Rồi cả chuyện khách bình dân lên máy bay và các vấn đề về ứng xử, gây rối ở sân bay, trên máy bay.
Nhưng đừng đổ lỗi cho hàng không giá rẻ.
Nhiều vụ lùm xùm xảy ra trên tàu bay gây chú ý như hành khách say rượu, quậy phá, cho con nhỏ đi tè ngay tại khoang hành khách... hoàn toàn không phải chuyện chỉ có trên máy bay giá rẻ!
Nhờ hàng không giá rẻ, hàng năm người dân tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí đi lại. Kinh tế, vận tải, giao thương cũng nhờ đó sôi động hơn, chi phí cạnh tranh hơn và nhiều mặt tác động tích cực hơn.
Một hành khách hôm nay có thể đi hãng vé cao, mai lại đi hàng không giá rẻ, tùy vào sở thích và nhu cầu của họ, vì vậy cũng không cần nặng phân biệt hàng không sang chảnh hay hàng không bình dân.
Một hãng bay vốn dĩ độc quyền, khi thế độc quyền mất đi, khách bay vơi dần, dĩ nhiên không vui. Nhưng việc có nhiều hãng bay cạnh tranh là quy luật thị trường, là luật chơi thời hội nhập, không ai dùng ý chí chủ quan trì hoãn được.
Không tự đổi mới để giữ khách, thì việc mất khách vào tay hàng không giá rẻ là chuyện tất lẽ dĩ ngẫu của kinh tế thị trường, đừng ngồi một chỗ than phiền rồi mong ai đó giữ khách hộ.
Luật Cạnh tranh của Việt Nam, tại Điều 4 về Quyền cạnh tranh trong kinh doanh chỉ rõ:
1.Doanh nghiệp được tự do cạnh tranh trong khuôn khổ pháp luật. Nhà nước bảo hộ quyền cạnh tranh hợp pháp trong kinh doanh.
2. Việc cạnh tranh phải được thực hiện theo nguyên tắc trung thực, không xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, của người tiêu dùng và phải tuân theo các quy định của Luật này.
Vì vậy việc DN tự tối giản chi phí, lợi nhuận, để bán vé rẻ hơn và quan trọng là "không xâm phạm đến lợi ích của ai", đảm bảo chất lượng dịch vụ, thì vé rẻ càng nên được hoan nghênh, khích lệ. Sao phải cố kìm chế bằng cách ép giá sàn?
Một tín hiệu lạc quan, sau động thái xin ý kiến Thủ tướng, người đứng đầu Bộ GTVT đã thể hiện quan điểm "không cần thiết có giá sàn vé máy bay" tại cuộc họp ngày 7/4: “Quan điểm của Bộ là không thay đổi quy định hiện nay về giá vé máy bay. Hãng hàng không có thể giảm giá vé được thì tại sao không cho giảm. Công việc của quản lý nhà nước là kiểm tra kiểm soát xem việc giảm giá, tung giá rẻ, giá khuyến mại có đúng không, cách thức triển khai đã đúng quy định của pháp luật chưa?”
Một doanh nghiệp làm thị trường tốt và đủ tự tin vào chất lượng dịch vụ mà anh đang cung ứng thì chẳng có lý do gì phải lo sợ mất thị phần bởi những đối thủ cạnh tranh giá rẻ.
Đừng ép những người đang bán giá rẻ phải nâng tầm lên giá sang chảnh.
Chiếc vé rẻ không xấu xa nên không có lý do gì để khai tử. Cái cần khai tử là tư duy phi thị trường, đặt quyền lợi của mình đứng trên tất cả.